Thứ tư tuần trước tôi nhận dạy một cậu nhóc khoảng 9 tuổi. Anh chàng rất hiền, ngoan, dễ thương, ít nói và có vẻ như không hề làm gì khiến tôi cảm thấy nguy hại. Mọi chuyện có vẻ dễ dàng cho đến khi tôi cho cậu bé học bài tiếp theo trong giáo trình Methode Rose cậu đang học…
– Nhưng cô ơi, chỗ này con không đánh được…
– Ủa? Sao vậy con? Con không nhớ đây là nốt gì à?
– Dưới đây không có số như trên đây, con không đánh được.
Vừa nói cậu vừa chỉ chỉ vào bài tập cũ ở trên đã được thầy giáo cũ đánh số rất ngăn nắp cho từng nốt nhạc. Tôi chỉ “À Ừ…” và vờ như những con số đó không hề làm mình bất ngờ cho lắm. Vì thú thực, tôi bất ngờ khi đến thời điểm này người ta vẫn dạy Piano theo cách đếm số thế này.
Từ số thứ tự năm nốt đầu tiên…
Nếu như lật lại từ đầu cuốn giáo trình Methode Rose, chúng ta có thể thấy những con số được tác giả áp dụng ngầm với ý đồ các nốt theo thứ tự Do – Re – Mi – Fa – Sol sẽ là 1 – 2 – 3 – 4 – 5 để cho dễ dàng đối với người mới học. Học viên không cần phải thuộc lòng vị trí nốt, chỉ cần thuộc thứ tự số ngón trên bàn tay phải (12345) và bàn tay trái (54321) là sẽ đánh được những bài tập đầu tiên đó.
Nhưng đây cũng chính là một trong những lỗ hổng thiếu sót đầu tiên của giáo trình Methode Rose. Học viên cần được học về thứ tự ngón tay, thứ tự nốt và cách-đọc-nốt trên dòng kẻ nhạc, chứ không thể chỉ dựa vào các số thứ tự để nhìn và chơi, đó là những nguyên tắc phải đi chung với nhau khi vừa bắt đầu học. Tuy nhiên, đa số những học viên mới bắt đầu học đều áp dụng phương cách này…
Và đó cũng là lý do vì sao, khi dạy cho một học viên mới toe, chúng ta không nên sử dụng ngay giáo trình Methode Rose, nếu như không muốn mất thời gian về sau này.
Cho đến số ngón tay cho một bản nhạc…
Càng về sau chúng ta sẽ thấy nếu như chỉ nhìn chằm chằm vào những con số và phán rằng 1 là Do, 2 là Re, 3 là Mi, 4 là Fa, 5 là Sol thì đó là sai lầm. Nhưng đâu đó, trên thế giới này, vẫn còn những đứa trẻ “bị” hiểu như thế. Vậy để giải cứu một đứa-trẻ-đếm-số chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?
1. Thỏa hiệp với những con số
Không có cuộc chiến nào dễ chịu hơn là một cuộc chiến lựa chọn giải pháp hòa bình thân thiện. Tôi vẫn để những con số lên các phần của tay phải và tay trái, nhưng viết thưa thớt chúng ra và tránh lặp lại đối với những tiết tấu giống nhau. Dần dần những con số này cũng sẽ mất đi (vì giáo viên không còn viết nữa).
2. Khơi dậy bản lĩnh
Một thủ pháp tâm lý. Đôi khi nó có tác dụng, đôi khi không, tùy thuộc vào tính cách của học viên. Nói với Mr.Đếm Số rằng cậu ấy không cần phải phụ thuộc vào những con số vì cậu ấy có thể hiểu được bản nhạc và cậu ấy thật sự có thể làm được điều ấy. Khi đứa trẻ chiến thắng được chính mình, nó sẽ mang đến cho đứa trẻ ấy cảm giác mình cũng thật giỏi.
3. Phân tích hạn chế
Trong giáo trình Methode Rose, vị trí bàn tay sẽ được thay đổi theo từng cấp độ. Mr.Đếm Số cuối cùng sẽ gặp phải vấn đề khi cậu ấy chuyển từ bài vị trí nốt Sol sang bài vị trí nốt Fa. Hãy chớp cơ hội này để phân tích sự hạn chế của các con số cho cậu ấy hiểu những con số cuối cùng rồi cũng sẽ không phải điều kiện lý tưởng.
Cuối cùng,
4. Dạy đọc nốt
Chỉ có một cách thiết thực và khoa học hơn cả đó là hãy dạy Mr.Đếm Số cách đếm nốt. Học nốt không hề phức tạp và khó khăn như những giáo viên vẫn nghĩ, khi dạy các học viên của mình. Tôi sẽ nói đến cách nào dạy cho học viên đếm nốt đơn giản nhất vào bài sau.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.