Leo núi thật dễ!

6-58667-4_premlata-3-1387311407

Thông thường một buổi học Piano của tôi sẽ diển ra theo những trình tự như sau:
1. Khởi động ngón tay
2. Bài tập đơn giản
3. Bài tập kỹ thuật
4. Tiểu phẩm
Và độ hứng thú của học viên của tôi sẽ diễn ra theo tỉ lệ thuận của trình tự một buổi học như vậy. Có nghĩa là, học viên không có cảm tình lắm với những bài tập về sức bền , khô khan, nhàm chán và vô vị mà chỉ thích những gì có giai điệu rõ ràng, vang lên êm tai và dễ chịu.
Vậy nên, một trong những phần khó khăn nhất mà tôi phải “vật lộn” trong mỗi tiết học đó chính là phần số 1. Khởi động ngón tay

Vì sao phải khởi động?

Trong tiếng anh khởi động là warm – up, làm cho nóng lên, ấm lên.  Nếu như từng chơi một môn thể thao nào đó, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của việc phải khởi động trước khi nhập cuộc là điều cần thiết như thế nào. Chơi Piano cũng vậy, những ngón tay cần được làm cho nóng lên và mềm dẻo ra để sẵn sàng cho những bài tập kỹ thuật tiếp theo. Việc khởi động này cũng làm tăng lên lực khỏe của ngón tay, giống như tập thể dục cho tay vậy.
Nhưng, để tập được nó hoàn chỉnh, không phải dễ dàng…cho những đứa trẻ.

Đơn giản là tốt nhất.

Hầu hết những học viên của tôi đều không cảm thấy thoải mái khi phải nhìn vào một đám rừng toàn là nốt nhạc chi chít, bảo chúng phải đọc tên lên từng nốt và vừa đọc vừa đánh chúng lên quả thực là một trận đấu không cân sức. Nhưng khi làm cho mọi thứ đơn giản đi, bạn sẽ phải ngạc nhiên với kết quả. Tôi gọi phương pháp này là ĐI LEO NÚI.

1. Bộ đồ nghề hiệu quả

Chúng ta đều biết những bài tập Deliateur đều có một mô típ giống nhau đó là thứ tự các ngón tay sẽ được lặp lại như một vòng tròn cấu trúc với cao độ dần tăng lên tới một nốt nhất định. Mục đích của những bài tập này là luyện tập cho các ngón tay được dẻo dai và mạnh mẽ hơn, vì thế tôi không yêu cầu học viên của mình phải đọc tất cả chúng lên mà tôi sẽ viết số lên ô nhịp đầu tiên và sau đó học viên sẽ cứ tiếp tục như vậy với cấu trúc đó mà tiến lên đỉnh ngọn núi và đi xuống chân núi. Bộ đồ nghề hiệu quả mà tôi nói tới chính là những con số.

Những cao độ lên xuống trập trùng của các nốt nhạc giống như một ngọn núi gập ghềnh, chúng cần sự uyển chuyển và khéo léo của người leo cũng như người luyện. Tôi cũng để học viên mình tập từng tay trước, trước khi ghép chúng lại với nhau. Đôi khi để cho tay trái thử nghiệm trước một bài mới cũng là một ý hay.

2. Dừng lại ngắm cảnh:

Có những bài luyện cho phép người tập được dừng lại một lúc trước khi chạy hai tay về, tôi gọi đó là “dừng lại ngắm cảnh” và sử dụng bút dạ quang để tô lên chỗ đó. Khi học viên chạy ngón tới ô nhịp này sẽ phải chú ý một chút đến phần giai điệu vì chúng có sự thay đổi để hai tay đi xuống. Sử dụng bút dạ quang cũng góp phần làm cho bản nhạc dễ nhìn và rõ ràng hơn. (tôi sẽ đề cập đến những kinh nghiệm của mình trong việc sử dụng bút dạ quang như thế nào trong một vài bài viết tiếp theo)

3. Tập luyện hằng ngày:

Không thể nào leo một ngọn núi ngon lành chỉ trong ngày một ngày hai. Người leo núi cần tập luyện mỗi ngày để đạt được sức bền cho mình. Học viên cũng cần tập thật chậm ở tốc độ 80 và tăng dần lên 92 hoặc 104, tùy theo mong muốn của giáo viên. Tôi thường cho học viên tập với metronome để canh được nhịp phách và kiểm soát được tốc độ.

Trước khi kết thúc buổi tập, tôi cũng thường cho học viên chạy ngón lại bài tập đó với một tốc độ thật chậm. Việc tập chậm này sẽ làm cho các gân ngón tay giãn ra từ từ sau một quá trình tăng tốc và nó cũng làm cho tinh thần của học viên được ổn định và nhẹ nhàng lại, giống như một bài tập thư giãn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!