– Anh thấy những bản nhạc em đánh nó sao sao ấy….
– Sao sao là thế nào?
– Giống như em đang tìm kiếm điều gì đó…
…
Một buổi chiều Chủ Nhật nóng đổ lửa sau giờ nhóm thanh niên tan tầm, chúng tôi đi dạo về phía kênh Nhiêu Lộc gần khu nhà, dòng kênh bây giờ đã được cải tạo nên nhìn thơ lắm. Tôi nghe Max nói về phần chơi nhạc của mình lúc nãy, mơ hồ hệt như những từ ngữ anh đang nhóp nhép ra trên môi. Nhưng Max nói phải, dù ngay thời điểm đó, tôi cũng không tán thành lắm. Và sâu thăm thẳm, Max đã bắn trúng tim đen tôi bằng một mũi tên sắc nhọn, một cú đau nhói xuyên qua làm tôi lạnh người…
…
3 tháng sau. Ngồi trước bản nhạc Maple Leaf Rag của Scott Joplin với đôi bàn tay nóng ran, những ngón tay đã đơ mỏi thả phịch trên mặt đàn phím trắng phím đen dày đặc, tôi bần thần nhận ra, những phương pháp từ trước đến giờ mình sử dụng để học và tập luyện Piano dường như đã thật sự sai lầm. Không phải tất cả đều sai, nhưng hầu hết chúng đã không dẫn tôi đi đúng mục đích. Và có lẽ đó chính là lý do, tôi vẫn loay hoay không biết con đường nào, và phải đi đâu…
Lắng nghe chính mình
Vậy là trở về từ số 0. Bây giờ không biết đi đâu thì quay lại từ đầu để đi vậy, tôi nhủ thầm. Tôi đánh lại những bản nhạc đơn giản nhất và thuộc nằm lòng mà mình từng chơi rất nhiều lần. Tôi chơi chậm và thật chậm. Không phải kiểu hình chậm về tốc độ, nhưng là chậm về cách chơi.
Nhưng, sự tiến bộ quá ì ạch cho tôi. Lúc đó, mọi thứ thật sự không hề có mục đích gì nữa, bởi vì chính tôi dường như cũng không thể tin vào chính mình. Trong giây phút của sự hỗn độn rối ren, tôi nhắn tin cho Max, anh nói:
Không thể có kết quả khác nếu như vẫn sử dụng một cách cũ…
Tôi đâu có sử dụng cách cũ, nhưng cái cách tôi đang làm, có vẻ cũng không mới lắm.
Và tôi hiểu ra rằng…
….bắt đầu từ con số 0 không phải là cách, tôi phải bắt đầu từ chính nơi tôi đã đánh – mất – mình – như – thế – nào. Từ khi nào mà tôi không để ý đến âm nhạc của mình nữa mà bắt đầu để ý đến những người chơi đàn khác nhiều hơn? Từ khi nào mà tôi chỉ biết tập trung vào kỹ thuật điêu luyện thay vì truyền đạt cho thật sâu sắc tình cảm của bản nhạc ấy? Từ khi nào mà tôi nghĩ đến cảm nhận của người khác nhìn tôi như thế nào thay vì tôi cứ phải chính là mình đi đã, khi ngồi vào cây đàn Piano?
Những câu hỏi không thể trả lời, bởi vì cái từ – khi – nào ấy, là một quá trình chứ không phải một mốc thời gian rõ ràng.
Vậy là nhờ một chuyến đi lạc, điều gì đó đã vô tình giúp tôi tìm thấy con đường để đi tìm chính mình, như cô nàng Margo đã nói với anh chàng Quentin khi cả hai đã có một đêm nổi loạn không thể quên được trong ký ức của Quentin, “cậu phải bị lạc trước khi tìm được bản thân cậu…”
Vậy là tôi cũng còn may mắn. Tôi bắt đầu làm mọi thứ xoay quanh mình nhiều hơn, để ý đến bàn tay của mình nhiều hơn, cảm nhận ngón tay mình nhấn xuống từng thanh đen trắng, cảm nhận sự rung động của âm thanh, những vòng chuyển của hợp âm, những cung bậc của giai điệu, sự thăng hoa của cảm xúc dạt dào…
Tôi đã ngồi yên một chỗ để lắng nghe âm nhạc và lắng nghe chính mình.
Tận hưởng chính mình
Tìm được bản thân, tin vào chính mình có nghĩa là bạn đã đi được nửa con đường của đại lộ danh vọng….
Một mối quan hệ tình cảm sẽ không thể nào gọi là mối – quan – hệ – tình – cảm được nếu như nó chỉ chứa yếu tố vật chất, lợi ích, mục đích, kết quả. Âm nhạc và chúng ta sẽ là một mối quan hệ tuyệt vời và sâu đậm nếu như nó chứa đựng hầu hết yếu tố tình cảm.
Vậy là, tôi thả lỏng trái tim mình và bắt đầu tận hưởng chính mình. Hay có thể hiểu là tận hưởng âm nhạc do chính mình tạo ra. Chẳng cần quan tâm nhiều đến người khác nghĩ gì, họ thấy tôi như thế nào trên sân khấu, kỹ thuật tôi ra sao, tôi đánh có hay bằng cô A hay anh B không? Tôi cũng không còn nghĩ đến chỗ này phải hòa âm sao cho tuyệt cú mèo, phải chơi làm sao cho thật bốc lửa, phải có đoạn Intro thật ngọt có đoạn Solo thật ngon… Quên hết đi! Qúa nhiều những cái – phải – làm. Việc tôi phải làm duy nhất chỉ có một thứ thôi:
Tận hưởng âm nhạc của chính tôi
Khi bạn thực sự thưởng thức được âm nhạc của bạn lúc đó trái tim bạn sẽ dẫn dắt đến những thứ tiếp theo. Tôi tin rằng những người chơi nhạc chuyên nghiệp đều giống như tôi. Những người thật sự dành một tình yêu mãnh liệt cho âm nhạc, luôn biết phải làm gì, khi họ thật sự chìm đắm ở trong dòng chảy đó.
Mỗi hành trình đều mang một ý nghĩa nhất định. Tôi vẫn trên con đường để tìm thấy những xúc cảm ngọt ngào với âm nhạc bằng cách yêu âm nhạc của chính tôi.
Mong muốn rằng, dù cách này hay cách khác, bạn cũng có thể tìm thấy chính mình và yêu chính mình hết lòng.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.