Sự yên tĩnh trong tập luyện là điều thiết yếu nhất mà mỗi đứa trẻ cần có.
Nhưng, tôi không hề biết.
…
10 giờ sáng, tôi ngồi kế bên Nu. Căn phòng khách vắng vẻ chỉ có hai người. Trời mùa hè đượm mát, ngoài sân, hoa ổi nở trắng, cành lá rung rinh, mùi hương đung đưa trong gió thoang thoảng vào chỗ chúng tôi ngồi. Một góc nắng lan xuống thềm cửa, chốc chốc lại toả thành một vệt dài sáng loá khi có ai đó vào nhà mà quên khép cửa.
Nu ở bên trái tôi, con bé đang tập luyện 4 ô nhịp đầu tiên bản Tôi Bắt Đầu trong cuốn sách Method Rose. Giai điệu của bản nhạc này chắc đã in đậm trong ký ức của tôi còn hơn cả hình của một con dấu in trên tem thư. Mỗi nốt nhạc được lưu giữ cẩn thận đến mức rõ mồn một từng chia tiết. Có lẽ như mọi khi, tôi sẽ dừng dựng lên khi thấy Nu chơi sai nhiều nốt như thế. Hẳn tôi cũng sẽ lâu lâu nhắc khẽ con bé, hoặc hát cùng với nó, hoặc nói gì đó để nó phải tập trung hơn và chú ý hơn.
Nhưng hôm nay, tôi chỉ lặng im và ngồi nghe mùi hoa bưởi.
Nu vẫn đang mãi miết tập, lâu lâu con bé khựng lại vì lỡ chơi sai một nốt. Rồi nó lại tự quay lại từ đầu để tiếp tục tập. Những tiếng lẩm nhẩm thì thầm phát ra từ đâu đó chỗ Nu ngồi , nghe như con bé đang tự nhắc nhở mình. Một cảm giác bất chợt dâng lên như một đợt sóng vỗ xoa bờ cát, tôi quyết định lùi lại và để Nu có chút thời gian yên tĩnh cho riêng mình.
Chiếc ghế của tôi nhích ra đằng sau. Nu vẫn chưa hề nhận ra bất kỳ chuyển động nào, đôi mắt con bé vẫn chăm chú, mọi hoạt động của Nu như được gói lại bên trong một khoảng không riêng biệt. Trong vòng tròn khép kín đó, chỉ còn hai cá thể duy nhất tồn tại, là Âm nhạc và Nu.
Một trong những thói quen mà đa phần tôi cũng như nhiều giáo viên Piano hay mắc phải đó là nôn nóng sửa lỗi. Cảm giác được nói ngay những gì chướng tai gai mắt rất dễ chịu. Hệt như khoái cảm của việc nhanh chóng phán xét về cách hành xử của người khác xuất hiện ở những dân tộc thuộc vùng Á Đông bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, chúng ta thường lựa chọn cách sửa phạt, trách mắng hơn là định hướng cho việc sửa lỗi trở nên tích cực. Đối với giáo dục âm nhạc, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy Piano, không khó để giáo viên bị cuốn vào cơn giận và thiếu sự kiềm chế dẫn đến hành động lập tức can thiệp ngay vào quá trình sửa sai của học viên. Nếu điều đó xảy ra thường xuyên trong quá trình dạy và học, chắc chắn một phần lý do đến từ phương pháp giáo viên đã sử dụng để giảng dạy cho học viên không thực sự phù hợp với lứa tuổi.
Trong các lớp Piano tôi nhận từ các giáo viên khác để lại, luôn luôn sẽ có một vài trường hợp các bạn nhỏ bị bạo hành tinh thần hoặc bị mắng chưởi, đôi khi rất thậm tệ. “Chúng ta lựa dùng bạo lực không phải vì tình yêu, nhưng bởi vì nó rất tiện lợi và nó không tốn xu nào cả.” – Giáo sư Pek Cho (Ba mẹ thay đổi – VTV7). Khi đón nhận những dư chấn từ những lớp học như thế, tôi cảm thấy hành trình mình phía trước trở nên gian nan gấp đôi bình thường. Nhưng tôi may mắn vì còn có bọn trẻ, trái tim của chúng luôn rộng mở để chấp nhận, và để tin.
Nu cũng từng là một đứa trẻ như thế. Niềm hân hoan trong học chơi Piano của con bé dường như đã cạn khi lần đầu tiên tôi gặp nó. Việc giáo viên thường xuyên tác động lên tâm lý mỗi khi Nu chơi đàn sai dẫn đến hệ quả là con bé không còn tự tin vào chính mình, nó trở nên rụt rè và nhút nhát cũng như rất khó khăn mỗi khi bắt đầu học chơi một bản nhạc mới. Trong đầu Nu luôn quẩn quanh những câu hỏi, “Như thế này có đúng không? Mình chơi như vậy có sai không? Mình sai thì cô sẽ đánh mình. Mình phải làm sao?”. Những gì Nu đã từng làm khi ngồi tại đàn Piano chỉ là, chơi chính xác như những gì được bảo.
Tôi biết nhiều cô bé cậu bé ngoài kia cũng như thế. Beethoven hay Lang Lang ngày xưa cũng từng như thế. Đứa trẻ trong tôi ngày trước cũng thế, từng cố gắng chỉ để thi qua môn cho hết năm học. Nhưng số còn lại, phải chăng đã rời bỏ chiếc ghế đàn vì những lời mắng nhiếc?
Tôi gặp chị trong một lớp Piano tại Soongsil dành cho sinh viên. Khi kết thúc khoá, chị mong muốn có thể được học tiếp Piano. Tôi cũng khao khát có cơ hội để tiếp cận sâu sắc hơn với lứa học viên độ tuổi trưởng thành và nghiên cứu về những phương pháp giảng dạy mới. Chúng tôi đã đồng ý sẽ tiếp tục gặp nhau mỗi tối thứ 3 và thứ 5 sau bữa cơm tối. Và đó cũng là khoảng thời gian đem đến cho tôi những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt về cách hướng dẫn học viên của mình có thể trở thành một người tập luyện chủ động.
Trong 3 tháng ròng rã, các buổi học trực tuyến của chúng tôi đều hướng đến mục tiêu giúp chị cải thiện kỹ năng chơi tiết tấu. Giấu trong mình một cái tôi nghệ thuật không được tiếp xúc với ngôn ngữ âm nhạc cách đầy đủ khi còn là một đứa trẻ, chị đã gặp muôn vàn sự khó khăn khi bắt đầu học chơi sao cho đúng nhịp. Tôi cũng đã không dưới 10 lần đánh rơi mình vào cơn lốc xoáy của sự giận dữ bộc phát. Những khi như vậy, sự kết nối giữa chúng tôi như hai sợi headphone rắm rối đan xen nhau. Càng căng thẳng, những mạch dây lại càng xoắn phức tạp hơn và phức tạp hơn. Cầm mớ dây lùng nhùng trên tay, tôi thầm nghĩ, đây không phải là cách.
Vậy là, những buổi học sau, thay vì can thiệp vào lỗi sai ngay lập tức, tôi quyết định lùi ghế lại và để chị làm chủ sự tập luyện của mình. Đó là một gạch đầu dòng khó khăn trong chương giáo án mới của tôi. Nhưng tôi phải thay đổi, vì nếu không, chẳng có gì thay đổi.
Cùng với những câu hỏi được đưa ra để có thể tự đánh giá những gì mình đã làm và định hướng cho những gì cần được cải thiện tiếp theo sau, chị dần hình thành được tư duy phản biện về việc tập luyện của mình và trở thành một người tập luyện chủ động. Tập luyện chủ động, bốn từ ghép ấy thể hiện một tâm thế mà theo tôi, là thứ cảnh giới mà mỗi đứa trẻ cần phải được rèn luyện thường xuyên mới có thể đạt được. Nhưng để bắt đầu học cách làm chủ được sự tập luyện của mình, yên tĩnh là yếu tố đầu tiên và thiết yếu nhất mà chúng cần có.
Yên tĩnh để có thể lắng nghe âm nhạc đang gọi chúng từ nơi sâu thẳm.
Yên tĩnh để có thể chạm vào bản nhạc với đầy đủ những giác quan mà chúng có.
Yên tĩnh để có thể suy nghĩ, để có thể tư duy, để có thể trở thành một người tập chơi Piano cách chủ động.
…
– Cô ơi, con tập xong bốn ô nhịp bài này rồi.
Nu quay sang, bàn tay khẳng khiu của nó lay lay đùi tôi. Cành ổi vừa đưa hương trong gió, hoa ổi tinh khiết đã nở trắng góc vườn. Nu thầm thì, con tập xong rồi cô ạ, mình tập tiếp cô nhé…
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
20.12.2016 & 15.01.2020

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.