Chúng ta thường mắc một nhược điểm đó là nhận định sự việc theo cách nghĩ chủ quan chứ không suy nghĩ như cách đối tượng mình đang giao tiếp suy nghĩ. Vì thế đôi khi trong lời nói, chúng ta vô tình làm cho đối tượng ấy không duy trì được sự hào hứng và dễ dàng mất đi mạch kết nối với chúng ta. Dễ dàng khiến cho mối quan hệ ngày càng đi vào ngõ cụt. Vậy thì, việc nói như thế nào để trẻ có thể hợp tác với chúng ta cách ăn ý là một điều rất cần thiết trong quá trình giảng dạy Piano.
Dưới đây là một vài kinh nghiệm tôi rút ra được qua thời gian tiếp xúc lâu dài với những học sinh nhỏ tuổi của mình, và bằng cách áp dụng những ý tưởng này, không khí tích cực vui vẻ đã xuất hiện lâu hơn, mối quan hệ của tôi với chúng cũng tốt đẹp hơn.
1. Giọng nói hài hước vui vẻ:
=> Vào học nhanh nhanh đi con. Đừng làm mất thời gian!
=> Ôi xin chào tiểu thư, hôm nay tôi rất vui khi được gặp lại cô, trông cô thật là xinh xắn với chiếc đầm màu hồng đó…
2. Hạn chế việc đưa ra nhiều lời khuyên cùng lúc:
=> Chỗ này con phải đánh như thế này, đừng đưa tay cao quá, như thế là thấp quá, con không hiểu phải để tay như thế nào là đúng à? Nốt cũng sai nữa rồi, con nên học lại nốt đi chứ, đã học bao lâu mà vẫn chưa thuộc nốt? Còn nữa, đấy không phải là hợp âm Si trưởng, đó là hợp âm Do Trưởng!!!
=> Cô có thể thấy sự cố gắng của con, nhưng vẫn còn vài chỗ cần chỉnh sửa để bản nhạc con sẽ đánh hay hơn. Hãy đánh lại từ đầu, chúng ta sẽ cùng nhau sửa từ từ nhé…
3. Lắng nghe nhiều hơn là chỉ trích:
=> Đánh lại đi! Có 2 ô nhịp mà đánh hoài sai hoài! Con lười quá chẳng tập đàn gì cả!
=> Con thấy chỗ nào trong bài này là khó nhất? Con có thể cho cô biết vì sao con lại thấy nó khó không?
4. Không đe dọa và hù dọa:
=> Nếu con không tập đàn cô sẽ nói mẹ không cho con đến học nữa! Cong tay lên nếu không muốn cô đánh vào tay con như lúc nãy!
=> Con có biết là những nhạc sĩ trên thế giới đều phải tập đàn giống như con khi họ còn nhỏ bằng tuổi con, và để cho việc đánh một bản nhạc thật hay, cách đặt bàn tay trên đàn đúng vị trí cũng rất quan trọng.
5. Đưa ra cách giải quyết vấn đề cho trẻ lựa chọn thay vì tập trung vào vấn đề:
=> Tại sao có bao nhiêu đó nốt mà con mãi không thuộc được nhỉ? Cô cũng pó tay với con rồi!
=> Con nghĩ làm cách nào để giúp cho con đọc được nốt nhanh hơn đây nhỉ? Con có nghĩ là chúng ta nên học lại từ đầu hoặc và làm thêm nhiều bài tập lý thuyết hơn không?
6. Mô tả vấn đề cụ thể:
=> Con vừa đánh cái gì vậy? Thật là kinh khủng quá đi mất!
=> Đoạn nhạc này để hay hơn cô nghĩ là con cần chú ý chính xác một chút nữa về cao độ, nhịp nhàng cần cẩn thận hơn. Rồi, lần này con hãy thử lại một lần nữa, chậm rãi và cẩn thận xem sao nào…
7. Nói ngắn gọn những yêu cầu:
=> Đừng ngồi cong lưng, trông như bà già ấy. Lưng phải luôn thẳng! Chẳng lẽ cô phải kẹp một cây thước vào lưng của con à?
=> Thẳng lưng!
Đọc đến đây bạn có thắc mắc dấu sao trên tựa đề là gì chưa nhỉ? Đó là chú thích cho tựa đề của bài viết này được trích ra từ một cuốn sách viết về giáo dục trẻ em rất hay và lý thú. Một số ý tưởng trong bài viết của tôi cũng được rút ra từ những trang sách bổ ích đó.
http://sachnoionline.net/sach/2913/noi-sao-cho-tre-chiu-hoc-o-nha-va-o-truong => Click vào đường link để nghe đọc online.

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.