Rất nhiều giáo viên Piano ngày nay cảm thấy đau đầu về việc học sinh không tập đàn ở nhà. Tôi cũng nằm trong số đó. Những lúc như thế trong đầu tôi vang lên nhiều câu hỏi, tôi tự hỏi mình đã làm thực sự tốt chưa? Tôi tự hỏi liệu các gia đình có thực sự quan tâm đến việc học Piano của con họ hay không? Tôi cũng tự hỏi, đứa trẻ ấy có lý do gì mà lại không tập đàn?
Những thắc mắc kẹt lại trong đầu tôi vì thế tôi luôn phải tìm cách để tháo gỡ chúng. Tất nhiên những gì tôi cố gắng giải quyết cũng chỉ có thể mang tính tương đối.
Thất bại tạo thành kinh nghiệm. Những lần phải đối mặt với việc các học sinh không tập đàn đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm. Trước khi chia sẻ việc tôi đã làm như thế nào để cải thiện vấn đề giúp cho học viên tập đàn nhiều hơn và hiệu quả hơn, tôi muốn viết ra đây những lỗi sai kinh điển của mình (hoặc có thể bạn cũng ở trong đó) từng mắc phải khi giao bài tập cho học viên:
1. Giáo viên áp đặt trẻ phải tập đàn mỗi ngày nhưng không nói cho trẻ hiểu lợi ích của việc đó là gì và cũng không lắng nghe những mong muốn của trẻ.
2. Giáo viên không tập trung vào những chỗ khó cần phải tập luyện nhiều mà chỉ nói đơn giản là tập luyện bao nhiêu lần.
3. Giáo viên ghi chép không đầy đủ bài tập nên tập thế nào mỗi ngày, tốc độ mỗi ngày tập sẽ khác nhau làm sao, kỹ thuật gì cần đạt được sau sự luyện tập.
4. Giáo viên không tìm sự giúp đỡ từ phụ huynh.
5. Giáo viên quan trọng lượng thời gian hơn là chất của của việc tập luyện.
6. Giáo viên chưa hướng dẫn trẻ cách tập luyện như thế nào thì mới hiệu quả.
Nếu bạn cũng ở đâu đó trên đây thì có thể bạn cũng sẽ mong muốn tìm cách cải thiện vấn đề này. Vậy hãy cùng xem qua một vài kinh nghiệm được tôi đúc kết và hệ thống lại dưới đây:
1. Chia sẻ về lợi ích
– Những đoạn phim phỏng vấn các pianist nhỏ tuổi hoặc video quay hình các buổi trình diễn của trẻ đồng trang lứa cũng sẽ rất có tác dụng khi giáo viên nói về lợi ích của việc tập luyện. Từ đó, trẻ cũng có thể tự nhận ra khi giữ được sự tập luyện đều đặn, buổi học Piano sẽ thực sự hiệu quả hơn hơn khi là chúng không tập.
– Giáo viên cũng có thể nói chuyện và gợi ý với trẻ về các khung giờ tập luyện mỗi ngày. Thường những khung giờ gắn với một hoạt động nào đó thường nhật sẽ khiến trẻ nhớ lâu hơn, ví dụ như sau khi ăn tối xong, trước khi đi ngủ, sau khi đi học về, vv…vv….
– Đây là cách đơn giản nhất nhưng nếu thật sự phát huy, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cả hành vi và tâm lý của trẻ.
2. Hướng dẫn tập luyện rõ ràng
– Dùng bút highlighter làm nổi bật các ô nhịp mà trẻ phải tập nhiều lần, ghi ra số lần trẻ nên tập mỗi ngày và làm mẫu, cũng có thể là quay video lại chính xác mục tiêu kỹ thuật trẻ cần phải đạt được.
-Hướng dẫn cho trẻ cách tự tập luyện nếu như gặp những chỗ khó sẽ nên tập như thế nào, những chỗ sai nhiều thì nên tập như thế nào. Nên bắt đầu phần khởi động ngón như thế nào, bao lâu thì hợp lý? Vv..vv…
– Tránh dùng từ lan man “tập lại bài này kỹ hơn!”, nó không có tác dụng khi đáng lẽ phải hiểu là nên “tập thật kỹ chỗ chưa đúng nhiều lần” thì lại hiểu thành “cả bài này đều chưa đúng, hãy tập lại!”
3. Tạo “Nhật ký tập luyện” cho trẻ
-Nhật ký tập luyện là một công cụ rất hiệu quả để giáo viên, phụ huynh cũng như chính học sinh biết được tiến độ tập luyện hằng ngày diễn ra như thế nào.
-Đây có thể là một cuốn sổ với các hàng, các ô được học sinh tự ghi chép lại những tiền trình tập luyện của mình, song song đó là các mục tiêu mà trẻ mong muốn có được trong khoảng thời gian học.
4. Tương tác phụ huynh nhiều hơn
– Phụ huynh là người gặp gỡ trẻ mỗi ngày nên họ chính là nguồn hỗ trợ vô cùng cần thiết cho giáo viên.
– Thời điểm mới nhận học sinh, giáo viên nên thảo luận với phụ huynh về cách họ có thể hỗ trợ và giúp đỡ con em như thế nào trong suốt quá trình học đàn. Ở một số trường nhạc tại nước ngoài, phụ huynh được yêu cầu ký vào cam kết sẽ hỗ trợ và giúp đỡ con em trong việc tập Piano tại nhà.
– Gửi cho phụ huynh một số những bài báo, bài viết, tài liệu có nội dung liên quan là một cách hay để nhắc nhở phụ huynh quan tâm lưu ý đến việc tập luyện của trẻ.
5. Nội dung bài tập đa dạng
– Bài tập về nhà nên cân bằng với lịch học tập và sinh hoạt của trẻ, để tránh tình trạng trẻ bị áp lực nặng nề trong học tập dẫn đến tâm lý chán nản khi phải học nhiều, làm nhiều.
– Tập đàn cũng không chỉ có 100% là ngồi tại đàn, rất nhiều bài tập có thể được thực hiện ngay cả khi không cần phải đặt tay lên phím đàn. Giáo viên nên đa dạng hoá nội dung bài tập sao cho phù hợp với lứa tuổi và tạo được hứng thú cho học sinh trong tập luyện.
-Bên cạnh đó cũng có thể là các trò chơi hoặc các hoạt động trẻ được thực hiện cùng với ba mẹ hoặc anh chị em trong gia đình.
6. Khen thưởng khuyến khích
– Khích lệ sự nỗ lực của trẻ bằng những phần quà như kẹo bánh hoặc sticker cũng là một cách hay nhiều giáo viên thường làm. Đối với học sinh tiểu học chúng rất thích kẹo que, nhiều học sinh của tôi trong buổi học luôn cố gắng học thật tốt để được 3 sticker tương ứng với một cây kẹo que. Đây có thể không phải là cách làm lâu dài nhưng chúng cũng tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cho quá trình dạy học của chúng ta.
7 cách trên đã làm thay đổi một số vấn đề tôi và các học viên của mình mắc phải theo hướng tích cực hơn hy vọng cũng sẽ có hiệu quả với bạn. Mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những thành quả trong âm nhạc mà không có sự quát mắng, la hét hay đánh đập nào.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.