Nhật ký *n: Edison không thất bại

           Trưa hôm qua khi ngồi nói chuyện với Emily về tất cả những gì tôi nghĩ về con của cô ấy và những buổi học Piano, tôi thực sự không hề thấy buồn bã, hoặc có chăng là tôi đang cố không cho mình tỏ ra buồn bã. Như mọi lần, chúng tôi có cuộc nói chuyện rất thẳng thắn với nhau về mọi thứ.  Emily luôn mạnh mẽ và dứt khoát khi hồi đáp lại với tôi cảm nghĩ của cô về chuyện học đàn Piano của con cô  ấy, và cũng như mọi lần, tôi đều thành thật nói ra những suy nghĩ của mình không giấu giếm.  Lục lọi trong trí nhớ chật hẹp, tôi biết rằng đây không phải lần đầu tiên cả hai ngồi xuống để đàm luận về câu chuyện này.  Đây cũng là đứa trẻ từng phải làm tôi suy nghĩ rất nhiều và cũng là đứa trẻ đầu tiên khiến tôi phải làm một cuộc cách mạng trong sự nghiệp giảng dạy Piano của mình.  

Có lẽ ai đã từng bước ra khỏi cổng trường Nhạc Viện và hân hoan nhận lấy tấm bằng tốt nghiệp như tôi cũng đã từng phải trải qua sự hoang mang về chính khả năng sư phạm của bản thân mình khi đối diện với một vài đứa trẻ đặc biệt.  Những đứa trẻ ấy chúng làm bạn lo lắng, sợ hãi, và có cả kinh ngạc (đôi khi)…Và có lẽ nghề giáo viên như bạn và tôi đều biết, không phải là một công việc dành cho những người nhát gan và sợ hãi.  Chúng ta đôi khi phải xới tung cả thế giới lên để tìm ra một vài thứ thật sự hay ho mà chúng ta nghĩ nó có thể giúp chúng ta thay đổi cục diện của một buổi học.  Chúng ta đôi khi cũng phải mất nhiều giờ đồng hồ để thiết kế những tài liệu giảng dạy cách kỹ lưỡng hoặc đơn giản   chỉ là để chuẩn bị cho một trò chơi nho nhỏ trong tiết dạy.  

Nhưng chúng ta vẫn thất bại. Cho dù có sử dụng một mỹ từ nào khác đi nữa, thì việc thừa nhận mình thất bại có lẽ cũng là một bước chậm lại để suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong thời gian qua, những gì chúng ta đã làm có thực sự hiệu quả hay là….không.  

Qua câu chuyện của con gái Emlily và việc phải ngưng học Piano của con bé, có những câu hỏi tôi đặt ra cho chính mình và có thể, nó cũng phù hợp cho những ai đã và đang gặp phải hoàn cảnh giống như tôi:

1. Có phải những cách giảng dạy tôi đã sử dụng là thực sự hiệu quả và phù hợp với học viên hay không? 

2. Tôi đã bỏ lỡ điều gì trong toàn bộ phương pháp mình sử dụng? 

3. Tôi có đặt ra các mục tiêu cụ thể và định hướng rõ ràng cho từng giai đoạn không? 

4. Cách tôi truyền cảm hứng về tình yêu âm nhạc cho học viên có thực sự chạm vào học viên hay không? 

5. Tôi có tìm hiểu về tính cách và xu hướng của học viên đầy đủ để thiết kế bài giảng cụ thể hay không? 

6.  Tôi có thử nhiều phương pháp khác nhau để giảng dạy hay chỉ sử dụng một phương pháp ? 

Những câu hỏi này tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ.  Chúng ta không để cảm xúc quyết định vì cảm xúc không giúp chúng ta giải quyết những vấn đề như thế này.  Chúng ta cần lý trí, sự thấu đáo và sự đánh giá khách quan về công việc của chính mình đã làm.  Khoảng thời gian yên tĩnh quý giá này rất vàng ngọc và thường sẽ tạo ra cho chúng ta những tư duy mới mẻ và trở thành một bài học hữu ích cho chặng đường tiếp theo.   Phải bước đi tiếp và mạnh mẽ, ngày càng hoàn thiện hơn nữa những phương pháp giảng dạy của bản thân.  Phải có thất bại, chúng ta mới biết mình cần sự hoàn thiện tới mức nào.  

Viết cho một cuối tuần bận rộn và rất nhiều xúc cảm.

19.02.2017

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!