Tiết tấu là một trong những yếu tố căn bản nhất của Âm nhạc. Làm sao để hướng dẫn cho học viên có thể đọc được tiết tấu, vỗ (gõ) được tiết tấu, và hiểu về tiết tấu chính xác đã từng khiến tôi đau đầu khi mới bắt đầu đi dạy…
Thực tế chung, giáo viên nhạc cụ nói chung và giáo viên Piano chúng ta nói riêng thường không mấy quan tâm đến mảng lý thuyết âm nhạc mà chỉ chú trọng nhiều đến việc chơi bản nhạc. Nhưng chúng ta không biết rằng, nếu như trẻ không được dạy một cách cặn kẽ về lý thuyết âm nhạc, những gì chúng chơi trên đàn chỉ là sự lặp lại máy móc… *
* Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, các nhà giáo dục Piano đã công nhận có hai cách để bắt đầu dạy Piano cho người mới học cũng như là trẻ em. Đó là Dạy đọc hiểu hoặc Dạy chơi theo cảm âm (Play by ear). Cả hai phương pháp này đều đạt hiệu quả ở một phương diện nào đó tùy vào mục đích học Piano/nhạc cụ của người học và người dạy. Về mặt khoa học, khi hai phương pháp được kết hợp một cách có logic, chúng sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho người học.
Không bất ngờ mấy khi hầu hết mọi người đều cho rằng lý thuyết âm nhạc là cái gì đó rất nhàm chán. Mọi thứ thật “lý thuyết”, thật “sách vở”, thật “khô khan”…Nhưng, đó là khi chúng ta chưa biết đến việc “game hóa” chúng. Và tiết tấu, theo tôi, là một trong những mảng dễ nhất để giáo viên có thể thiết kế các trò chơi từ đơn giản đến phức tạp tùy theo khả năng của học sinh và mục đích của buổi học.
Tiết tấu thường gắn liền với những con số, hạt xí ngầu là một trong những món đồ chơi có số. Hôm nay tôi muốn chia sẻ 2 trò chơi tiết tấu với hạt xí ngầu. Qua các trò chơi này, trẻ có thể học thêm về cách kết hợp các trường độ hình nốt, cách tính toán các giá trị trường độ với nhau, cách vỗ (gõ) tiết tấu, cũng như là một cơ hội tạo điều kiện cho tư duy âm nhạc của trẻ phát triển.
Trò chơi số 1
Đối tượng: Học sinh lớp 1, lớp 2
Mục tiêu giảng dạy: Củng cố kiến thức giá trị trường độ nốt đen, trắng, trắng chấm, tròn và luyện tập vỗ tiết tấu
1. Chuẩn bị:
– 2 hạt xí ngầu nhựa số từ 1 đến 6 (X)
– 1 hạt xí ngầu hình nốt nhạc bằng giấy (Y) như trên
– 2 tờ giấy A3
– 2 bút chì
2. Thực hiện
– Cho 2 hạt xí ngầu nhựa và 1 hạt xí ngầu trường độ nốt nhạc vào một dụng cụ để lắc, đây có thể là bất cứ thứ gì có thể sử dụng để lắc được. Tôi sử dụng một cái tô nhựa và đĩa nhựa cho an toàn.
– Học viên sẽ cùng chơi với giáo viên.
– Quy định trước khi chơi: Hai hạt xí ngầu X sẽ lắc ra số trường độ người chơi phải thực hiện. Hạt xí ngầu Y sẽ lắc ra hình nốt nhạc đầu tiên để bắt đầu âm hình tiết tấu đó.
– Lần lượt giáo viên và học sinh sẽ thực hiện lược chơi: Lắc 3 cục xí ngầu và ghi các tiết tấu trên tờ giấy A3, sau đó vỗ tay tiết tấu đó cho người đối phương nghe. Điểm chỉ được ghi khi 3 nhiệm vụ: Lắc + Ghi + Vỗ được hoàn thành tương đối chính xác.
– VD: Tôi lắc được 2 hạt xí ngầu X mỗi cái 3 chấm = 6. Hạt Y là hình nốt đen. Vậy tôi phải viết ra một hình tiết tấu có 6 phách, và bắt đầu với một nốt đen. Tôi có thể có các đáp án như sau:
Trò chơi số 2
Đối tượng: Trẻ 4 tuổi đến 5 tuổi
Mục tiêu giảng dạy: Củng cố kiến thức về giá trị trường độ nốt đen và trắng. Luyện tập vỗ tiết tấu nốt đen và trắng *
*Bạn có thể tùy chỉnh nội dung mục tiêu giảng dạy về các hình nốt khác bằng cách chuẩn bị thêm các flash card có hình nốt đó. Đây chỉ là một ví dụ về cách chơi mà bạn có thể sử dụng.
1. Chuẩn bị:
-Một hạt xí ngầu nhựa số từ 1 đến 6 (A)
-5 flash card nốt đen và 5 flash card nốt trắng *
*Bạn có thể tự tạo trên Word, hoặc nếu quá bận rộn, hãy inbox mình, mình đã thiết kế rất nhiều file pdf flash card cho các trường độ hình nốt có thể share cho bạn. Bạn luôn được chào đón để email mình tại địa chỉ toidaypiano@gmail.com hoặc FB Hội Những người dạy Piano.
2. Thực hiện:
-Chia các flash card ra thành từng nhóm với hình nốt giống nhau.
-Người chơi thảy hạt xí ngầu A, tổng số phách của hạt xí ngầu sẽ là tổng số phách của âm hình tiết tấu mà người chơi phải xếp. Các số 1 và 2 sẽ không tính.
– Người chơi lựa chọn các hình nốt nhạc ưa thích để xếp thành tổng số phách mình đã thảy được.
-Sau khi xếp tiết tấu xong, người chơi phải vỗ được chính xác tiết tấu đó thì mới ghi được điểm cho mình. Nếu người chơi không vỗ được, đối phương sẽ vỗ. Nếu như đối phương vỗ chính xác, điểm sẽ thuộc về đối phương.
*Trò chơi có thể khó hơn bằng cách thêm vào một hạt xí ngầu nữa. Lúc này, tổng số phách sẽ có thể từ 3 đến 12, bạn và trẻ tha hồ chơi đến tối mà không thấy chán…
Điểm thú vị ở trò chơi này khiến tôi rất thích đó là, tôi cứ giả vờ thua để học sinh được vỗ tiết tấu và ăn điểm từ tôi. Mỗi khi chúng thắng tôi, ánh mắt chúng sung sướng giống như vừa được ăn hết một cái đùi gà rán Macdonald, khuôn mặt chúng ánh lên vẻ thỏa mãn như một anh hùng vừa giải cứu được thế giới….
Hy vọng với tip số 10 này, các bạn đồng nghiệp có thể tìm thấy cái gì đó thật hữu ích, mà cũng thật hay ho cho những buổi học tiếp theo.
À, còn bạn thì sao nhỉ? Bạn đã dạy tiết tấu cho trẻ như thế nào? Bạn đã sử dụng những game nào thành công trong các tiết học của bạn? Hãy chia sẻ cùng toidaypiano.com nhé!
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.