“Đặt câu hỏi đúng cũng là một cách để giảng dạy” – Paul Harris
Có bao giờ bạn cảm thấy khó khăn khi trẻ không muốn tiếp thu những ý kiến của bạn về lỗi sai của chúng?
Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi vì trẻ cứ đánh đi đánh lại một đoạn nhạc mà vẫn không có gì cải thiện?
Có bao giờ bạn bất lực vì trẻ không chấp nhận rằng chúng đã sai và cứ nhất quyết rằng những gì chúng đánh là đúng?
Vậy…có bao giờ bạn hồ nghi rằng, phải chăng bạn đang làm sai cách?
Chelsea là cô học trò nhỏ 9 tuổi của tôi, con bé cũng lém lỉnh và láu cá giống như những cô bé khác bằng độ tuổi đó. Mặc dù thông minh và có khả năng lý luận rất tốt nhưng Chelsea cũng không thể tránh khỏi những lần đánh đàn sai.
Bản thân tôi đã nghe đoạn nhạc ấy đến cả trăm lần, nhưng Chelsea vẫn bướng bỉnh cho rằng con bé đã chơi đúng. Với giọng điệu của một “người bề trên” tôi bắt Chelsea phải đánh lại từ đầu bài, chỗ sai ấy vẫn lặp đi lặp lại, nghe đến chói cả tai…
Tôi bắt đầu bực dọc, còn Chelsea thì tỏ vẻ mất kiên nhẫn vì có vẻ con bé bị bối rối khi không biết lần này là sai hay đúng. Khoảng 2 phút sau, không khí căng thẳng lan tràn khắp chỗ chúng tôi, cuộc đối thoại kết thúc, tiết học ngưng lại ở giữa sự tức giận.
Bạn có nhìn thấy bản thân mình trong đây?
Chúng ta luôn hành xử như thế. Mong muốn học sinh phải nghe theo mình và làm theo ý mình, để lòng kiêu hãnh của chúng ta được vuốt ve. Song mộ mặt khác, chúng ta lại rất hạn chế về việc trình bày cho học sinh 3 câu hỏi: What, Why, How. Cái gì sai, vì sao nó sai và nó đã sai như thế nào.
Vì vậy, để sửa chữa lỗi sai một cách hiệu quả và dễ dàng, chúng ta nên giữ trong lòng 3 từ duy nhất: KHÔNG SỬA NGAY!
Ít nhất là lần đầu tiên nghe học viên trả bài tập về nhà, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, đừng nôn nóng nhảy vào sửa lỗi chúng một cách vội vàng. Việc hấp tấp chỉ ra những lỗi sai của học viên ngay tức thì chỉ khiến chúng thêm tự ti và nhục chí, dẫn đến việc có thể lần thứ hai chúng có thể sẽ sai nhiều hơn.
Điểm mấu chốt trong việc sửa lỗi đó chính là để cho trẻ tự đánh giá phần trình bày của chúng và tự sửa lấy lỗi sai đó (self – correct). Bước này rất thường xuyên bị bỏ qua vì bao lâu nay, chúng ta vẫn thường cắt ngang bài của học sinh và bắt ngay những lỗi sai của chúng như từng xưa thầy cô của chúng ta vẫn làm. Hệ quả của việc này chính là các bạn nhỏ không hiểu ngọn nguồn về lỗi sai của chúng mà chỉ thực hiện theo lời giáo viên như tuân theo mệnh lệnh.
Về việc này, tôi muốn chia sẻ một cách rất hiệu quả tôi từng làm đó là ĐẶT CÂU HỎI. Dưới đây là một vài câu hỏi tôi từng sử dụng khi hướng dẫn cho học viên mình tự đánh giá bài trình bày của chúng, kèm theo đó là một vài câu hỏi cũng được tôi rút ra từ cuốn sách Piano Professional Teaching trong phần Correction Of Errors của tác giả:
1. Con nghĩ mình có cần phải thêm đoạn nhạc này nữa để nó trôi chảy hơn không?
2. Theo con thì đoạn nhạc này có chỗ nào khiến con dễ sai nhất?
3. Theo con nghĩ thì vì sao chỗ này mình cứ bị sai hoài nhỉ?
4. Con có nghĩ nên tập trung vào phần chưa ổn này và giải quyết để chúng trông ổn không? Cô thì nghĩ là chúng ta nên làm như vậy đấy thay vì cứ đánh lại từ đầu bài con yêu ạ!
5. Con có thể tự đánh giá bài biểu diễn của con vừa rồi được bao nhiêu trên thang điểm 100? Và vì sao lại có số điểm ấy nhỉ?
6. Cô nghe một vài cao độ sai ở đâu đó quanh chỗ này, con có nghĩ thế không?
7. Cô sẽ chơi cho con xem hai cách nhé! Cách nào theo con là tốt hơn? Con đã chơi theo cách nào?
8. Trong 4 ô nhịp này hợp âm là trưởng hay thứ? Con đã chơi giống trưởng hay giống thứ nhỉ?
Một số câu hỏi được sử dụng tùy vào các tình huống khác nhau và không phải tất cả chúng đều được áp dụng trong một lần.
Mong rằng sau bài viết này chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về cách sửa lỗi sai của cho trẻ và cũng mong mỗi tiết học Piano của chúng ta sẽ luôn đầy ắp tiếng cười hơn là những lời quở trách.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Hay lắm Ngân hi
Cảm ơn Liên. Hy vọng bài viết giúp bạn ứng dụng vào việc sửa lỗi trong giảng dạy Piano được hiệu quả hơn.