Tip #12: Lắng nghe nào!

        Âm nhạc là sự hình thành của âm thanh được sắp đặt theo những khuôn khổ nhất định.  Học chơi nhạc phần nào chính là học cách lắng nghe và cảm nhận âm thanh được vang lên với những hình dáng khác nhau.  

Trong cuốn sách Professional Piano Teaching tôi đang đọc, tác giả nói đến việc học đàn Piano có thể được cơ bản hình thành bằng cách cho trẻ nghe những âm thanh vang lên, rồi để chúng cảm nhận, sau đó là gọi tên và cuối cùng viết thành ký tự.  Quá trình này được tóm gọn bằng bốn từ chúng ta rất hay quen dùng trong…tiếng Anh: Nghe, Nói, Đọc, Viết. 

Đây là một quá trình tôi rất thường hay sử dụng khi dạy những trẻ mới bắt đầu học Piano vỡ lòng, tôi say mê với phương pháp này, nếu không muốn nói là tôi thật sự có cảm tình với chúng.  

Là một giáo viên dạy Piano lâu năm, thật lòng mà nói thì tôi không thích cách dạy truyền thống.  Nó quá khuôn khổ và chật hẹp, nó làm cho người học thụ động, thiếu đi tính tư duy và khả năng phản biện từ cá nhân nhận lãnh tri thức. Vì thế, đối với tôi, phương pháp này như một cuộc cách mạng vô cùng lớn trong hơn 10 năm đi dạy của tôi.

Ví dụ như khi dạy về nốt trắng và nốt đen, cách thông thường nhất là giáo viên sẽ giới thiệu có nốt trắng và nốt đen, một nốt bằng một phách, nốt kia sẽ dài gấp đôi.  Câu mệnh đề này dường như thuộc nằm lòng mỗi giáo viên dạy Piano.  Đối với phương pháp 4D – giáo viên sẽ cho học viên nghe các nốt nhạc được đánh theo hai cách khác nhau và sau đó là hỏi cảm nhận về sự khác biệt của chúng rồi cuối cùng là dẫn dắt học viên đến cách định hình chúng bằng các ký hiệu.  Điều khiến tôi cực kỳ thích thú đó là cách mà mỗi học viên phản hồi lại, dường như tôi có thể hiểu được một chút gì đó từ tính cách của học viên từ đó.  Có thể phương pháp này sẽ đòi hỏi giáo viên phải dành thời gian nhiều hơn cho học viên và không phải trường hợp này cũng có thể áp dụng nhanh chóng được.  Nhưng kết quả mà nó mang lại là vô cùng to lớn.

Một ví dụ khác khi dạy về Giọng Trưởng và Giọng Thứ.  Không giới thiệu bằng một cách thông thường, tôi đánh trên đàn Piano cho học viên nghe những đoạn nhạc nổi tiếng được viết ở hai giọng và đặt những câu hỏi về cảm giác của chúng, rồi kết thúc bằng bài Happy Birthday ở cả Trưởng và Thứ như một cách tổng kết hai khái niệm.  Từ đó, học sinh có thể hiểu một cách đơn giản rằng, một bản nhạc có thể được viết bằng cả giọng Trưởng và giọng Thứ nhưng điều đó tùy thuộc vào ý muốn của tác giả như thế nào và ý nghĩa của tác phẩm mang đến cho người nghe là gì.  Điều đó không quá thật sự tuyệt vời sao? 

Phương pháp Nghe, Nói, Đọc, Viết này sẽ cần một số nguyên tắc căn bản nhất định khi thực hiện như là: 

1. Ví dụ rõ ràng 

Khi đưa ra ví dụ trên đàn, giáo viên cần chú ý thực hiện thật rõ ràng và chậm rãi.  Nếu không rõ ràng, học viên sẽ khó nhận thấy điểm đặc biệt của nó.

2. Câu hỏi cụ thể

Câu hỏi nên được thiết kế sẵn và thật sự cụ thể vào lý thuyết mà giáo viên muốn hướng đến.  Luôn luôn đặt câu hỏi để học viên được nói lên cảm nhận và quan điệm của mình.  Tránh sa đà vào những câu hỏi rườm rà, không mấy liên quan.

3. Có tính đối lập 

Luôn lựa chọn hai khái niệm đối lập để thực hiện, ví dụ như Legato và Saccato, Nốt Trắng và Nốt Đen, Giọng Trưởng và Giọng Thứ, Dấu Thăng và Dấu Giáng…vv…vv… 

4. Tập trung vào âm thanh

Để thực hiện tốt phương pháp này, cả giáo viên và học viên đều phải tập trung cao độ.  Vì giáo viên cần thể hiện được rõ ràng hình thức của khái niệm đó vang lên như thế nào.  Học viên có thể nhắm mắt khi lắng nghe, hoặc ở vị trí xa cây đàn Piano khoảng 1,5m để có thể hoàn toàn không bị phân tán bởi hình ảnh. 

Nếu như để ý, chúng ta có thể nhận ra rằng, học bằng tai lúc nào cũng nhanh và dễ dàng hơn học bằng sách vở.   Nhưng việc học Piano không thể nào có kết quả thực sự nếu như học viên chỉ nghe bằng tai và đánh lại bằng tay, vì thế biết kết hợp và cân bằng cả hai yếu tố này sẽ mang đến một thành quả hơn cả mong đợi.  Hãy thử xem! 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!