Số chỉ nhịp.
Tôi biết đó là thứ ám ảnh nhiều giáo viên dạy Nhạc. Nhưng “cái gì không thể giết ta thì càng làm ta mạnh mẽ” .
Tôi cũng sợ khi phải dạy số chỉ nhịp, nhưng điều đó chỉ là một phát biểu trong quá khứ. Hiện tại của tôi đó là sự tận hưởng về những tiết học về số chỉ nhịp, chúng dạy cho bọn trẻ rất nhiều thứ về âm nhạc, về sáng tác, về sự cân bằng trong dòng chảy âm nhạc.
Thường thì khi học về lý thuyết âm nhạc, bọn trẻ sẽ được giao nhiều bài tập để làm, đó là điều cần thiết. Nhưng tôi thì thích bọn trẻ vui cười sảng khoái hơn, vì thế các trò chơi để giảng dạy ra đời cũng vì lý do đó.
Tip 13 này sẽ chia sẻ về một trò chơi rất đơn giản để ôn tập về số chỉ nhịp cho học viên mà bất kỳ giáo viên nào cũng có thể thực hiện. Không tốn kém quá nhiều chi phí, cùng với vật liệu dễ dàng tìm kiếm nhưng lại rất hiệu quả. Vì sao chúng ta lại không thử chứ?
Chuẩn bị:
- 15 đến 20 viên sỏi hồ cá hoặc thay thế bằng các hạt nút gỗ, vẽ các âm hình nốt nhạc trên đó bằng bút permanent marker (bút lông đen). * Để thêm phần sinh động, vẽ thêm các viên sỏi có những hiệu lệnh như sau: bàn tay – được lấy 1 viên của đối phương, con mắt – được nhìn khi bốc sỏi, x2 – được bốc 2 lần sỏi, X – mất lượt, mũi tên 2 chiều – đổi chiều với đối phương.
- Một dụng cụ để đựng các viên sỏi/nút gỗ (miệng đủ rộng để vừa bàn tay của người)
- 6 que kem gỗ hoặc 6 cây bút chì (để trò chơi nhìn đẹp và có phần chỉn chu, nên sữ sử dụng que kem). Mỗi người có 3 cây, tương ứng 4 ô nhịp.
- Các ấm thẻ viết các số chỉ nhịp giáo viên muốn ôn tập, ví dụ: 2/4, 3/4, 4/4. Nên sử dụng các số chỉ nhịp cùng loại đơn hoặc kép.
Thực hiện:
1.Một trong hai người chơi bốc 1 tấm thẻ để chọn ra số chỉ nhịp sẽ chơi. Đặt tấm thẻ số chỉ nhịp đã bốc được ở giữa.
2.Hai người chơi oẳn tù xì để giành lượt chơi trước. Lần lượt cả hai sẽ bốc các viên sỏi và đặt xuống đất trước mặt mình. Lúc này trên đất, các que kem đã được xếp thành 4 ô nhịp .
3. Nếu như bốc được viên sỏi hình nốt, người chơi sẽ đặt vào các ô nhịp.
4. Nếu như bốc được viên sỏi hiệu lệnh, người chơi phải thực hiện giống như ký hiệu được ghi trên sỏi.
5.Người chơi có thể đặt rải rác các âm hình tiết tấu đã bốc được vào các ô, không cần phải đi theo thứ tự.
6. Người chơi kết thúc ô nhịp cuối cùng (số 4) đầu tiên sẽ hô BINGO và trở thành người chiến thắng.
Tôi luôn cố gắng để thua. Nhưng bằng cách nào đó, chiến thắng luôn có sự lựa chọn của nó. Những lúc như vậy, bọn trẻ lại muốn chơi lại, chơi nữa và đôi khi sự ấm ức vì không thể thắng được tôi khiến cho bọn chúng bị cuốn vào trò chơi lúc nào không hay.
Khi còn ở trường Nhạc, từng là một đứa trẻ cúp học ngồi ở công viên vì môn học quá khó. Sau này khi trở thành một giáo viên, tôi luôn mong muốn mỗi tiết học, dù kiến thức có khó đến mức nào, thì bọn trẻ sẽ luôn thấy vui vẻ và cười đùa thật sảng khoái.
Chúc cho tất cả chúng ta đều sẽ có những tiết học ngập tràn niềm vui như thế 🙂
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Chị ơi thật là tuyệt vậy mà em không nghĩ ra ạ!!!
Hi Kiều Oanh.
Chào mừng bạn đã đến với blog toidaypiano. Hy vọng những chia sẻ và thông tin trên sẽ mang đến nhiều hữu ích cho bạn nhen!
Mong nhận được comment của bạn ở những bài viết sau! 🙂
Thân mến.