Trang blog toidaypiano.com được tôi chắp bút viết những dòng đầu tiên từ giữa 2016 sau nhiều lần hẹn tới hẹn lui với lòng mà vẫn chưa làm được. Đùng một cái, sau khi đi chuyến Phú Yên – Đà Lạt về, tôi quyết định mình phải bắt tay vào một công trình gì đó để bản thân phải tuân theo một khối lượng công việc nhất định hàng tuần, vậy là tôi chọn cái gần nhất với mình: Dạy Piano.
Cách đây ba ngày, tôi nhận được một comment đầu tiên cho bài viết của mình và đã thấy sướng kinh khiếp. Dù trước đó những tin nhắn trên FB từ vài người bạn đồng nghiệp trên bốn phương cũng đã khiến tôi hạnh phúc lâng lâng thì cảm giác nhận được đôi dòng comment trực tiếp trên blog mình thì cũng không thể nào không giữ cho bản thân tránh khỏi sự phấn khích. Và ngạc nhiên hơn cả, những lời khích lệ ấy đến từ một bạn phụ huynh.
Buổi chiều hôm ấy, tôi đặt lòng hơi nặng một chút khi nghĩ về những người phụ huynh và công cuộc đi tìm giáo viên dạy Piano cho con. Giữa một thị trường giáo viên Piano tại TP.HCM rộng lớn, muôn màu muôn vẻ, phong phú và đa dạng, hấp dẫn và nhiều thị phần này, để lựa chọn được một thầy giáo/cô giáo tâm huyết giảng dạy hiệu quả (và cả phù hợp) cho con mình thì thật là một công cuộc tìm kiếm vất vả.
Những trường hợp có hệ quả xấu để lại cho học sinh khi trẻ không được học với giáo viên phù hợp tôi cũng đã gặp qua vài lần. Đến lúc tôi nhận dạy, trẻ đã có dấu hiệu chán nản với việc học đàn và có những phản ứng tiêu cực khi phải chơi đàn. Phải sau một thời gian làm việc, trẻ mới dần lấy lại tinh thần và có lại niềm vui thích như trước.
Trong một lần đăng tin tuyển dụng gia sư dạy kèm Piano tại nhà ở khu vực Quận 7, rất nhiều bạn sinh viên đã nhắn tin cho tôi hỏi thêm thông tin chi tiết. Bạn nào cũng có chuyên ngành Piano ở Nhạc Viện, một số khác đang học thêm ĐH Ngoại Ngữ và dường như khả năng chuyên môn cũng rất giỏi. Vậy thì, nếu như là một phụ huynh, tôi sẽ phải chọn lựa như thế nào trong hằng hà đa số những nhân vật giống giống nhau như thế?
1. Yêu trẻ
Để trở thành một người giáo viên giỏi, cá nhân đó phải là một người yêu thích trẻ em. Bạn biết khái niệm “yêu thích trẻ em” tôi đang nói đến đây không phải là những cảm xúc như khen trẻ đáng yêu, dễ thương, ngoan. Nhưng một người yêu trẻ được thể hiện qua khả năng có thể hòa nhập với thế giới của trẻ, có thể nói ngôn ngữ của trẻ và đôi khi cũng có thể có những mơ mộng hoang đường với trẻ.
2. Yêu nghề
Nếu như không yêu nghề thì không thể làm nghề. Một cá nhân có yêu nghề hay không thể hiện ở chỗ anh ta có làm việc đó hết sức và hết lòng không. Anh ta có thường xuyên tìm hiểu những phương pháp phù hợp và hiện đại để giải quyết các vấn đề khó khăn của trẻ hay không? Hay là anh ta có mở rộng chuyên môn để tối ưu hóa trình độ giảng dạy không? Giáo viên như là một ngọn đèn dầu, nếu như họ không đủ dầu thì không thể nào thắp sáng cho những ngọn đèn khác.
3. Kiên nhẫn và luôn khích lệ
Kiên nhẫn là đức tính hoàn toàn cần thiết của một giáo viên dạy Piano. Sự khuyến khích luôn đi kèm với tính kiên nhẫn như là hai yếu tố bổ sung mạnh mẽ cho nhau. Mỗi đứa trẻ là một thế giới hoàn toàn khác biệt nhưng kiến thức được trao gửi cho chúng chỉ có một hình thù, kiến thức đó được chúng tiếp thu bằng các lăng kính khác màu và cuối cùng là chúng thực hiện bằng những tiến độ khác nhau. Giáo viên dạy Piano cho trẻ em cần hiểu rằng sự hoàn thiện kỹ thuật sẽ đến rất chậm rãi từ quá trình chứ không phải là mục tiêu duy nhất để đạt được hình thức. Hai đứa trẻ bằng tuổi nhau không có nghĩa sẽ hiểu theo cách giống nhau và làm giống y như nhau khi được yêu cầu. Nhiệm vụ của giáo viên là kiên nhẫn trong quá trình giảng dạy và phong phú hóa hình thức truyền đạt nội dung bài học, yếu tố đó sẽ được nhắc đến ngay sau đây.
4. Năng động sáng tạo
Tính năng động sáng tạo thể hiện qua khả năng có thể thích nghi với mọi tình huống. Mười buổi đến lớp thế nào cũng sẽ có một buổi không như ý. Những thời điểm như vậy, sự sáng tạo rất cần thiết cho một giáo viên dạy Piano để có thể xử lý tình huống kịp thời và giữ cho buổi học trôi chảy. Có những người được ban cho óc sáng tạo, nhưng có những người cần học tập từ người khác để biến ý tưởng đó thành cái của mình, đó gọi là năng động sáng tạo. Vì vậy, người giáo viên nên luôn học tập để trau dồi kinh nghiệm cho mình. Học từ đồng nghiệp, học từ học sinh và cũng học từ chính mình.
5. Nhạc Viện hay không? Không quan trọng.
Xuất thân là một cựu sinh viên Nhạc Viện, tôi đã từng nếm mùi thất bại khi nhìn thấy học trò mình nước mắt ngắn nước mắt dài trong buổi học đầu tiên. Nền tảng chuyên môn của tôi đã không quyết định đến hiệu quả công việc của tôi. Nhạc Viện dạy tôi phải đến lớp và ngồi xuống đánh Piano trong vòng 45 phút như một cái máy trước mặt cô giáo dạy Piano bộ dạng hằm hằm có lẽ sắp ăn tươi nuốt sống tôi trong nháy mắt. Nhạc Viện nói với tôi rằng học Piano là khổ luyện, là chán òm, là khó khăn, là vất vả và mỗi giáo viên dạy Piano phải là một mụ phù thủy thực sự để có thể quăng sách vở của học trò xuống đất bất cứ lúc nào với cái miệng khè ra lửa. Tôi đã từng sai khi nghĩ rằng điều đó là thật, và vì được dạy như thế nào thì tôi dạy lại học trò mình như thế ấy nên kết quả tôi nhận lại đã không thực sự tốt cho đến khi biết mình đi lạc đường.
Nhiều bạn trẻ được học Piano từ nhà thờ nhưng chuyên môn lại rất vững vàng, nhiều thầy cô cũng không đến từ ngôi trường danh tiếng ấy mà vẫn có thể giảng dạy rất tâm huyết. Vì thế, Nhạc Viện hay không, không quan trọng mà hãy xem cách họ chắp đôi cánh cho con bạn bay lên dải ngân hà âm nhạc như thế nào mới là điều điều quan tâm.
Có thể khi đứng ở vị trí là phụ huynh, tôi có nhiều suy nghĩ và nhiều đắn đo như vậy. Nhưng những gì tôi biết và tôi nghĩ, cũng chỉ có thể là một hạt cát trong hàng triệu hạt cát của sa mạc nghề giáo viên dạy Piano. Lựa chọn một giáo viên với những yếu tố trên theo quan điểm cá nhân tôi có thể là vừa đủ, còn nhiều khía cạnh khác nữa mà bản thân tôi có thể vẫn chưa nhìn thấy, vì thế sự đóng góp của bạn vào bài viết này luôn được chào đón và mong đợi. Hy vọng, những chia sẻ này sẽ mang đến cho các anh/chị phụ huynh một cái nhìn cơ bản trong việc lựa chọn người giáo viên Piano phù hợp cho con em mình.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Cám ơn Bạn đã có một bài viết thấu hiểu nỗi lòng của những phụ huynh khi tìm thầy dạy piano cho con. Bài này sẽ giúp cho các phụ huynh định hướng tốt hơn khi chọn thầy dạy piano cho con mình
Hi Anh Nhân!
Rất vui khi nhận được comment của anh. Anh đã liên hệ được nơi học Piano chưa ?
Tôi ở Q4;Tôi có bé trai 6 tuổi muốn học piano Bạn có thể tư vấn cho tôi được không?
Xin chào anh Tuấn.
Bé trai 6 tuổi con anh chắc chưa biết gì về Piano đúng không anh?
Vậy bé sẽ cần đi học Piano căn bản, và theo mình thời gian này anh có thể đăng ký cho bé học tại trung tâm này
http://suoinhac.edu.vn/tin-tuc/suoi-nhac-khanh-hoi/54/truong-suoi-nhac-khanh-hoi.aspx
Bên cạnh đó, anh cũng có thể giúp cho bé làm quen dần với âm nhạc bằng việc cho bé nghe những thể loại Piano từ Cổ Điển cho đến Hiện đại. Thói quen nghe nhạc này sẽ giúp bé từ từ có sự cảm nhận gần gũi hơn với Piano và từ đó mà Piano trở nên quen thuộc với bé hơn. Học để chơi được Piano sẽ hơi khó khăn và chán nản thời gian đầu, nếu như có thời gian, anh có thể đăng ký học chung với bé để khi tập luyện ở nhà bé có động nhiều hơn cũng như là anh có thể hướng dẫn cho bé tập luyện.
Một vài dòng tư vấn cho anh.