6 cách giúp bạn dùng “cà rốt” thật hiệu quả!

– Cô ơi…vậy tuần sau cô nhớ mang cây bút chì màu hồng cho con nha, cái bấm bấm giống của cô đó cô. 

– Ừa, cô nhớ rùi, sẽ mang cho con cái giống vậy, được chưa?  Yên tâm nha! 

– Tuần trước cô hứa là con học giỏi là cô cho con…con…con…mà cô quên đó. 

Tiger trên miệng vẫn còn đang ngậm cây kẹo mút tôi vừa đưa cho cậu bé, vừa hỏi tôi về món quà tôi nợ từ tuần trước, đó là một cây bút chì bấm có vỏ ngoài màu hồng bắt mắt.   Thật ra, món quà đó, cũng chỉ là một trong nhiều thứ tôi thưởng cho Tiger sau mỗi buổi học tốt của thằng bé.  Khi thì là cây kẹo mút, khi thì là những cái sticker nhiều màu, khi thì là một bịch kẹo M & M, có lúc lại là mười phút chơi game trên Ipad của tôi.  

Và những phần thưởng đó, chúng có một tên gọi chung là “củ cà rốt”.  

Có lẽ bạn đã từng nghe về định luật “cây gậy và củ cà rốt” được dựa trên thuyết operant conditioning của nhà tâm lý học Skinner.  Đây là một thuyết  về tâm lý học giáo dục được Skinner đưa sau khi ông và các cộng sự thực hiện thành công thí nghiệm Skinner’s Box trên loài chuột.  Bạn có thể xem qua ví dụ so sánh về Classical Conditiong và Operant Conditioning qua video ngắn này.  Bấm subtitle để đọc Tiếng Việt nha 😀 

Giáo viên là một công việc không dành cho những kẻ nhát gan.  Mỗi ngày gặp gỡ và làm việc với hàng trăm tính cách và tư tưởng khác nhau, người giáo viên phải suy nghĩ đủ cách để làm sao cho mỗi buổi đến lớp đều là một buổi học hiệu quả.  Giáo viên dạy Piano cũng không nằm ngoài câu chuyện này.  Với số lượng gần mười học viên trong một tuần, tôi đều phải dành thời gian để viết giáo án, nghiên cứu phương pháp, lục lọi tìm tòi và khám phá thêm những cách giảng dạy mới, nhiều trò chơi mới.  Công thêm, mỗi cá tính học sinh lại là một cách hành xử riêng biệt, đôi khi tôi cảm giác như mình đã mắc bệnh đa nhân cách chỉ vì đi dạy Piano.  

Chúng ta thường luôn mang theo “cây gậy” bên mình khi đến gặp trẻ.  Đó là một sự thật rất thật.  Và điều đúng ngay cả trong tâm lý học giáo dục.  “Cây gậy” giúp người giáo viên kiểm soát những hành vi chưa đúng đắn của trẻ và cũng giúp khuyến khích trẻ phát triển nhiều hơn những hành tốt trong suốt buổi học.

Nhưng! Như một bản năng, và như một sự ảnh hưởng từ chính quá khứ, chúng ta luôn nghèo nàn những lời khen dành cho trẻ và thường xuyên bới móc những lỗi sai của chúng rồi bắt chúng đánh đi đánh lại từ đầu đến cuối.  Chúng ta thích chỉ trích, hay dọa nạt, và có xu hướng đánh đập trẻ (đánh lên tay)…mà ít khi nào dành những lời khen chân thành hay những món quà khích lệ cho mỗi nỗ lực của trẻ.  Đó là một sự thật rất thật.  Và đó là những “‘cây gậy” rất đau chúng ta đã thu nhận được từ quá khứ.  

Về phần “củ cà rốt”.  “Củ cà rốt” – thứ mà chúng ta không khó để tìm nhưng lại không dễ để cho.  Nếu như cho nhiều quá, trẻ sẽ nhanh chán rồi dần dần mất đi sự mong đợi và lòng trân trọng, nếu như đặt tiêu chuẩn quá cao với trẻ, thì lại dễ dẫn đến việc trẻ nản lòng mà mất đi hứng thú.  Vậy thì nên làm thế nào để việc cho “cà rốt” thực sự hiệu quả và tác động mạnh mẽ trên học viên?  

1. Giao nhiệm vụ rõ ràng 

Hãy luôn luôn giao mục tiêu công việc rõ ràng của buổi học hôm đó cho trẻ.  VD: Bạn muốn trẻ sẽ tập được hết phần khóa Sol của bài 1, hãy nói như sau, “Con tập xong bài 1 không sai một lỗi nào cô sẽ cho con nghỉ 5 phút chơi game trên Ipad”.  Đừng mập mờ với chúng vì chúng sẽ không hiểu.  Bạn càng làm rõ vấn đề bao nhiêu, trẻ sẽ càng thấy mình có cái đích rõ ràng để nhắm tới khi tập luyện bấy nhiêu. 

2. Thưởng phạt phân minh 

Luôn luôn công bằng.  Đối với các buổi học cá nhân, yếu tố này có lẽ không cần lưu tâm nhưng trong trường hợp bạn dạy nhóm nhiều trẻ một lúc thì sự công bằng rất quan trọng.  Trẻ sẽ lấy đó làm gương mà tự biết điều chỉnh bản thân mình cho đúng đắn và phù hợp, song song đó, trẻ cũng sẽ tự có nhiều động lực hơn cho nỗ lực của mình.  

3. Phù hợp 

Mỗi phần thưởng mà trẻ nhận được phải thực sự tương xứng với nỗ lực mà trẻ đã cố gắng.  Hạn chế việc khen thưởng quá nhiều và dễ dãi vì cái gì nhiều quá đều không tốt.  Phù hợp và đúng lúc mới nên là điều phải cân nhắc.   

4. Thực hiện ngay lập tức 

Việc kéo dài hoặc để lùi lại sự thưởng phạt sẽ dần làm mất đi sự ảnh hưởng của quá trình này lên trẻ và về sau nay tâm lý  trẻsẽ không còn biết vui, hào hứng khi bạn đề cập đến phần thưởng hoặc không còn thấy sợ, dè chừng khi nói đến hình phạt nữa.  Về phần thưởng, theo tôi, các miếng sticker nhỏ nhỏ đáp ứng rất tốt tiêu chí.  Chúng nhanh, tiện lợi, dễ sử dụng và rất flexible.  

5. Tránh đặt áp lực 

Chúng ta hay đặt một áp lực vô hình khi so sánh gián tiếp trẻ với bạn bè đồng trang lứa.  Ví dụ như khi nói rằng bạn kia có được nhiều kẹo hơn, bạn kia học thật là giỏi; bạn kia thật thông minh, điều này rất ít khi có hiệu quả tốt.  Trái lại, chúng ta đã đặt một áp lực ganh đua về thành tích trong tâm trí trẻ và sẽ dễ dẫn đến những diễn biến tâm lý tiêu cực và  phát sinh những biểu hiện tiêu cực.  Dễ khiến trẻ chán ghét chúng ta và chán ghét cả việc học.

6. Tránh đặt nặng phần thưởng 

Đừng nên lấy phần thưởng ra làm thứ mà trẻ phải cố gắng để có được.  Điều này có lẽ thoạt nghe sẽ chống lại những gì đã được tôi đề cập đến trong bài viết này. Nhưng để cho dễ hiểu hơn, một ví dụ được đưa ra như sau, khi nói:”Nếu như con trả bài giỏi, không sai một lỗi nào, cô sẽ cho con một cái sticker!” chắc chắn sẽ tốt hơn là: “Không học đàng hoàng thì không được sticker đâu nha!”, “Vậy là hôm nay con chẳng được cái sticker nào cả!”, “Bạn A được nhiều kẹo ghê chưa, còn con thì chưa có cái nào, tại vì con có học tốt đâu?”

“Cây gậy và củ cà rốt” cần đi với nhau như một cán cân để giữ cho đều hai bên  thưởng và phạt cân bằng.  Tôi tin với một giáo viên Piano giỏi, họ sẽ luôn luôn biết cách khích lệ, động viên cũng như dạy dỗ những học viên nhỏ tuổi của mình một cách phù hợp nhất để chúng có thể được chắp đôi cánh bay tự do trên bầu trời âm nhạc.

Bài viết này được viết lại theo những kinh nghiệm thực tiễn từ cá nhân tôi, còn bạn thì sao? Trong quá trình giảng dạy Piano, bạn đã sử dụng những phương pháp nào thành công? Hãy chia sẻ ở phần bình luận bên dưới nhé! 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!