Phụ huynh của tôi, họ là những người khá kỳ lạ.
Một năm trước, tôi có một học sinh 9 tuổi. Ngay buổi học đầu tiên, mẹ cậu đã hỏi rằng tôi sẽ dạy những gì và sử dụng giáo trình nào. Tôi thấy thú vị lắm vì hiếm có ai quan tâm đến việc học Piano của con mình nhiều đến như vậy. Nhưng sau đó không lâu, người mẹ hay hỏi han bắt đầu lơ đễnh việc tập luyện của cậu bé. Tôi đã thật sự nản lòng khi cậu bé thường xuyên quên mở tập ghi chép để kiểm tra bài tập đã được giao ở buổi học trước. Còn mẹ cậu thì luôn luôn than phiền với tôi con mình rất lười tập luyện…
Trường hợp khác xảy ra với một gia đình người Đức có hai cô con gái cùng là học sinh của tôi. Sau mỗi buổi học, người mẹ luôn hỏi thăm tôi rất cặn kẽ về những gì con mình được học. Bản thân tôi cảm thấy rất vui vì không phải phụ huynh nào cũng có sự quan tâm sâu sắc như vậy đến con cái. Nhưng kỳ lạ là lịch tập đàn của hai cô bé rất ít ỏi. Lúc nào chúng cũng sẽ có một sự kiện gì đó để bận rộn và không thể tập luyện.
Phụ huynh thật sự không hiểu rằng họ là người nắm trong tay chìa khoá để giúp con mình tiến bộ trong quá trình học chơi nhạc. Nếu là một phụ huynh, chắc chắn tôi sẽ tránh làm những điều dưới đây:
1. Giao hết cho giáo viên
Cha mẹ thường hay có xu hướng giao hết toàn bộ trách nhiệm giảng dạy cho nhà trường nói chung và giáo viên nói riêng. Đây là sự thiếu sót nghiêm trọng. Đặc biệt trong lĩnh vực rèn luyện các môn năng khiếu, trẻ rất cần sự hỗ trợ của ba mẹ trong việc tập luyện của mình. Đối với những trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, cha mẹ phải cùng với trẻ học và tập luyện. Nhà sư phạm âm nhạc Shinichi Suzuki đã đưa ra một yếu tố quan trọng trong phương pháp của ông đó là: Phụ huynh tham gia vào mỗi buổi học của trẻ và cùng thực hành trên nhạc cụ với trẻ khi ở lớp cũng như ở nhà.
Tôi luôn khuyến khích các ba mẹ nên có thời gian tập luyện với con, và một tuần khoảng hai ba lần là đủ. Tập luyện được tôi đề cập trên đây mang cả ý nghĩa vật lý chứ không chỉ là về tinh thần. Hãy ngồi cùng với con trên đàn, hãy gợi ý chúng chơi cho bạn nghe những gì chúng đã được học ở buổi học trước, hoặc một bản nhạc nào đó chúng thích nhất…Nếu như con bạn nhỏ hơn 5 tuổi, hãy yêu cầu giáo viên chỉ cho mình những bài tập cơ bản để có thể tự tin hướng dẫn con tại nhà. Giáo viên chỉ đến gặp con bạn khoảng 60 phút một tuần, còn lại tất cả thời gian trong tuần là chỉ có bạn ở bên chúng.
2. Lơ là trong việc tập luyện của con
Chờ đợi con sẽ tập đàn khi có thời gian rảnh? Không bao giờ có chuyện đó, chúng không bao giờ rảnh. Cũng giống như chúng ta, trẻ có rất thứ muốn làm và không thường xuyên nghĩ đến những việc chúng cần phải ưu tiên để làm. Vì thế, hãy giúp con lên lịch tập luyện. Những thời điểm lý tưởng nhất là buổi tối trước khi đi ngủ, hoặc buổi tối sau khi ăn cơm xong. Gắn lịch tập đàn với một hoạt động thường nhật nào đó trong ngày sẽ giúp con nhớ đến thói quen đó dễ hơn. Tuỳ thuộc vào lịch trình sinh hoạt của con mà bạn có thể giúp trẻ lên lịch tập luyện linh động mỗi ngày. Bắt đầu bằng 5 phút đầu tiên mỗi ngày là điều cần thiết nhất.
Hãy chắc chắn rằng lúc trẻ tập luyện Piano, chúng đang trong tình trạng khoẻ mạnh, minh mẫn và tỉnh táo. Nếu chúng đói bụng, hoặc mệt mỏi vì có một ngày dài, đó có thể không phải là điều kiện lý tưởng.
3. Lơ là thói quen nghe nhạc của trẻ
Có nhiều học sinh của tôi ngoài buổi học Piano trên lớp ra, chúng không bao giờ nghe nhạc ở nhà. Hoặc nếu có, chúng sẽ vô tình được nghe những thể loại âm nhạc không mấy tích cực và có ảnh hưởng tốt đến nhân cách. Hãy quan tâm đến thói quen nghe nhạc của con khi con bạn đang tham gia học Piano vì điều này giúp phát triển thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ. Một số nhạc sĩ Piano cổ điển nổi tiếng như Mozart, Schumann, Vivaldi, vv…đều có những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi mà bạn có thể tìm thấy ở dưới đây:
Album for the Young – Schumann
Trường phái hiện đại với tính chất âm nhạc mới mẻ hơn cũng có những dòng nhạc có thể phù hợp với trẻ, tác giả Yiruma rất nổi tiếng với các tác phẩm sáng tác trên đàn Piano được biết đến như Kiss The Rain, hoặc River Flow In You, vv…vv… Nhạc phim hoạt hình cũng là một mảnh đất màu mỡ cho những Pianist trẻ. Ghibli là bộ phim hoạt hình Nhật Bản được cover lại bằng Piano với rất nhiều nghệ sĩ. Âm nhạc Nhật Bản luôn mang màu sắc sống động và vui tươi, sẽ giúp con bạn có những cảm xúc tích cực cho một ngày mới. Một trong những album Piano nhạc phim hoạt hình yêu thích của tôi đó là tất cả những nhạc phim của Disney được sáng tác bởi Alan Menken, chúng đẹp và tinh tế và rất nhiều tính thơ. Chúng làm tôi mơ màng đến một thế giới cổ tích mà không bao giờ muốn tỉnh dậy.
Relaxing Piano Studio Ghibli Complete Collection
Bạn nên thử cho con nghe nhiều thể loại âm nhạc khác nhau để tìm ra sở thích của chúng và luôn giữ cho chúng có thói quen nghe nhạc.
4. Không giúp con tìm thấy động lực
Đáng ngạc nhiên là, ba mẹ luôn yêu thương con trẻ nhưng hành động của họ dành cho con trẻ lại dường như không đúng và không đủ. Chúng ta muốn con học thật nhiều thứ, biết thật nhiều kỹ năng, chạy theo kịp thời đại và đua kịp với con nhà hàng xóm. Nhưng chúng ta lại không quan tâm đến yếu tố quyết định chính của hành động là động lực từ sâu thẳm bên trong đứa trẻ. Hãy đưa con đến những buổi hòa nhạc nếu như có điều kiện, những buổi trình diễn dành cho lứa tuổi phù hợp với con, những tấm gương con có thể nhìn thấy và học hỏi. Nếu như không có thời gian, Youtube luôn rộng cửa cho bạn tìm thấy những buổi biểu diễn từ khắp nơi trên thế giới với các tài năng chỉ cỡ tầm con bạn. Hoặc hãy bắt đầu đăng ký học một môn nhạc cụ và đem âm nhạc vào chính ngôi nhà của bạn. Làm thế nào chúng ta có thể bảo con hãy siêng năng tập luyện nếu chính chúng ta không thể hiện sự kiên trì trong một lĩnh vực?
5. Bắt ép con học đàn
Chúng ta không thể bắt ép ai làm gì cả, ngay cả con em của chúng ta. Một cậu bé năm tuổi mỗi lần đến học Piano tại lớp nhạc của tôi luôn luôn tỏ ra chán chường, cậu ngồi nặng nhọc lên cây đàn Piano, đầu gục trên những phím đàn, hai cánh tay buông thõng như muốn nói : “Tôi bỏ cuộc”. Sáu mươi phút sau, cậu bé và giáo viên của lớp nhạc của tôi phải ngồi vật vã với nhau để chơi cho xong một đoạn nhạc chỉ có tám ô nhịp. Bà của cậu đứng kế bên, đôi mắt lo âu, bà thở dài mệt mỏi.
Thay vì ép buộc con học Piano, hãy thử nhiều cách để tạo động lực cho chúng. Ngoài ra, tác động bằng phương diện khách quan như nói chuyện với giáo viên về việc đổi mới phương cách giảng dạy cho con cũng là một ý hay. Trẻ em là con đẻ của thời đại. Đã không còn nữa cách dạy con truyền thống như là la hét, đánh đập hay ép buộc chúng. Xã hội chúng ta ngày càng văn minh và tiến bộ, hãy giáo dục chúng như những con người thuộc về một nền văn minh đang phát triển. Nếu sau mọi nỗ lực và cố gắng của bạn, trẻ vẫn không xoay chuyển, hãy chấp nhận điều đó. Bởi vì, một con cá sẽ biết rằng nó không không thể leo lên ngọn cây và một con mèo cũng không thể tự tin rằng nó sẽ có thể bơi tung tăng trên mặt nước.
Những quan điểm trên đây được dựa vào ý kiến của cá nhân tôi. Vẫn chưa có cơ hội để trở thành một người mẹ thật sự nên phần nào đó tôi sẽ không hiểu những gì phụ huynh đang trải qua. Nhưng hy vọng rằng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích một chút gì đó cho các bậc cha mẹ đang trăn trở với việc học Piano của con mình. Mong muốn thật hết lòng.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.