Sau một vài cơn mưa bất chợt của Sài Gòn những ngày cuối tháng tư, thành phố này lại phơi mình ra dưới cái nắng gắt gỏng và khó chịu của sự biến đổi khí hậu. Tôi cũng như bao nhiêu người khác, trốn vào trong căn phòng nhỏ của mình để tìm nơi bình yên trước sự ngột ngạt và từng đợt nắng nóng cháy da cháy thịt. Nếu như hôm nay là thứ bảy, có lẽ tôi đang trên đường đến nhà của một học sinh nằm trong khu phố Phú Mỹ Hưng và mặc kệ nhiệt độ ngoài trời như một lò thiêu đang rực cháy trên đỉnh đầu, tôi sẽ vẫn đến dạy.
Có một bức ảnh chế vui tôi vô tìn thấy trên internet:” Nếu bạn ăn tối lúc 6 giờ, bạn ắt không phải là một giáo viên dạy Piano.” Chúng ta sẽ không bao giờ có được giờ ăn tối vào thời điểm đó vì chúng ta luôn luôn phải chạy “show”. Đối với những anh/chị đồng nghiệp đã dạy Piano lâu năm và công việc đó như một nghề nghiệp toàn thời gian của mình thì bữa cơm tối với gia đình là điều hơi xa xỉ.
Như một xu thế đang phát triển của thị trường giáo dục Việt Nam, nhu cầu cho con cái học chơi một môn nhạc cụ càng ngày càng trở nên rất phổ biến trong các gia đình trẻ. Dân số Việt Nam tăng lên nhiều hơn trong các năm qua, trẻ em đến trường đông đúc như những bầy kiến nhỏ. Các trung tâm dạy ngoại ngữ, trung tâm dạy kỹ năng sống, và cả trung tâm đào tạo âm nhạc được mọc lên khắp các nơi trong thành phố. Những phụ huynh có điều kiện mong muốn con em mình được cơ hội học tập tốt hơn sẽ tìm đến những trường đào tạo chuyên nghiệp hoặc sẽ mời giáo viên đến nhà để giảng dạy trực tiếp. Đội ngũ giáo viên dạy kèm Piano cũng được ra đời từ chính nhu cầu rất thiết yếu đó.
Trước khi bước vào giảng đường của một trường nhạc nổi tiếng trong thành phố, tôi đã được tầm sư đến bốn người thầy để được trang bị sẵn sàng cho chuyên môn của mình. Với mỗi tính cách và phong cách giảng dạy khác nhau, cả bốn người đều mang đến cho tôi những kho tàng tri thức quý báu. Đến ngày nay, chúng ta đều biết rằng khi một học viên mới toe đến chào chúng ta vào buổi học đầu tiên, có khả năng đến 70% học viên ấy đã từng được học một giáo viên khác. Điều này rất bình thường với một thành phố có mật độ dân cư đông đúc như thành phố Hồ Chí Minh, việc tìm kiếm một giáo viên dạy kèm Piano tại nhà sẽ vô cùng đơn giản.
Lực lượng và đội ngũ giáo viên dạy kèm đông đúc là vậy, nhưng khi đứng trước một xã hội đang phát triển vượt bậc và được ảnh hưởng bởi một thế giới tân tiến, chúng ta, những người làm nghề giảng dạy âm nhạc, phải đứng vững như thế nào trước một đứa trẻ có thể tìm thấy tất cả mọi thứ chỉ bằng một cú click chuột?
Anh/chị và các bạn đồng nghiệp thân mến. Tôi luôn quan niệm rằng, tri thức là thứ mà học sinh có thể tìm thấy, nhưng cách chúng tiếp cận và sàng lọc tri thức như thế nào là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi giáo viên. Chúng ta khi dấn thân vào nghề sư phạm là đã đặt bút ký vào một trong những bản hợp đồng khó thực hiện nhất của đời mình. Không giống như những công việc ở các lĩnh vực khác, giáo viên là người sẽ luôn luôn phải đối diện với một thực thể sống đang thay đổi từng ngày và tìm cách giáo dục nó hiệu quả. Nhưng một thì không đúng, phải là nhiều thực thể thì mới phải. Giảng dạy âm nhạc nói chung hay giảng dạy Piano nói riêng đều mang những thử thách nhất định trong thời buổi xã hội hiện đại. Nếu như may mắn, chúng ta sẽ gặp được những học viên ngoan ngoãn và siêng năng, nhưng nếu may mắn hơn một chút, chúng ta sẽ chạm trán với những cá nhân cực kỳ đặc biệt mà có lẽ chúng sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm không bao giờ quên được.
Sự thử thách sẽ không dừng lại ở cá tính khác biệt của học viên, nó còn được mở rộng đến chuyên môn, khả năng, nhu cầu và tỉ tỉ thứ khác. Hoặc nếu như không tồn tại một thử thách nào trong các số đó, anh/chị và các bạn cũng sẽ đứng trước câu hỏi làm thế nào để cho học viên có thêm nhiều động lực hơn trong việc học đàn trong khi 100% buổi học của chúng là xuất phát từ ý định của ba mẹ.
Nhưng nếu như chỉ để giải quyết những khó khăn và thử thách thì nghe qua sẽ thấy hơi thực dụng quá! Chúng ta chắc hẳn đều mong muốn được phát triển và hoàn thiện hơn từng ngày cả về phương pháp giảng dạy và chuyên môn. Tôi nghĩ rằng, điều này ai cũng đã nghĩ tới một vài lần khi chợt nhìn lại bản thân. Mặt khác, nếu như là một nghệ sỹ thực thụ, chúng ta sẽ không bao giờ muốn làm một thứ gì đó đúng hai lần giống y chang nhau. Nếu là một nhà sư phạm tâm huyết, chúng ta luôn muốn đến lớp với những buổi học thú vị, vui nhộn và hữu ích với một mục đích cao cả là giáo dục.
Vậy nên thưa các anh/chị và các bạn đồng nghiệp gần xa của tôi. Tôi xin được gửi lời mời đến tất cả các anh/chị và các bạn đồng nghiệp đã và đang hoạt động trong lĩnh vưc giảng dạy Piano một lời mời chân thành nhất từ “Nhóm Tôi Dạy Piano”. Đây có thể là điều mới mẻ và lạ lẫm với hầu hết mọi người, nhưng với một phương châm lớn nhất đó chính là cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ và cùng nhau phát triển tôi tin sẽ nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều đồng nghiệp gần xa của mình trong đó có các anh/chị và các bạn. Để đăng ký tham gia nhóm, mọi người click vào đây phiếu đăng ký và điền các thông tin sau đó nhấn nút SEND để gửi cho tôi.
Nhóm Tôi Dạy Piano sẽ được hoạt động dựa trên ba tiêu chí: Học Tập – Chia Sẻ – Phát Triển. Tất cả những thành viên đều có cơ hội được học tập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp của mình, có cơ hội chia sẻ trải nghiệm của chính mình và cùng giúp nhau phát triển hoàn thiện hơn. Tôi không dám hứa hẹn gì nhiều, vì chỉ khi bắt tay làm thì những mong muốn mới có thể thành hiện thực.
Lời mời tham dự nhóm đã được gửi đi với rất nhiều thông điệp tôi muốn nhắn gửi. Mong rằng sau khi đọc xong bức thư này, anh/chị và các bạn đồng nghiệp của tôi sẽ có thời gian suy nghĩ và quyết định. Dù anh/chị và các bạn có nhận lời tham gia hay không, tôi vẫn tin mỗi người đã lựa chọn một hướng đi tốt nhất cho mình.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.
Kim Ngân.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.