Sài Gòn một buổi chiều cuối tuần hơi lất phất mưa, tôi ngồi trên xe để đi đến điểm hẹn buổi offline đầu tiền ở quán Lookinside số 121 đường Cù Lao mà lòng thấy chộn rộn đủ thứ cảm giác. Im lặng hồi lâu, tôi hỏi “tài xế” đang chở mình: “Anh nghĩ em có làm được không…?”, “Được! Em sẽ làm được!”. Anh vẫn luôn như vậy, luôn xô tôi về phía trước, chạy tới những hoài bão và đạt được những ước mơ hão huyền của mình.
2h45: Phương đã có mặt ở quán trước tôi vài phút. Em điềm tĩnh, nhưng có phần hơi ngại ngùng và lo lắng vì chưa từng thử qua bất cứ cái gì như một buổi offline thế này. Chúng tôi gọi vài món nước và ngồi xuống trò chuyện với nhau đôi câu và chờ đợi…
3h05: Từ trong quán, tôi nhìn thấy một cô gái vừa chạy đến giữa cái nắng trưa, cô đỗ xe rồi mở cửa bước vào trong. “Ngân phải không?!?”, cô gái nhìn tôi cười rất tươi và hỏi. Lúc ấy, trong bụng tôi lục sục như đủ thứ đồ ve chai đang lỉnh kỉnh va vào nhau , “Ừ ừ đúng rồi! Bạn là…”, “Kim Ánh nè!”. À ồ, đó là Kim Án, người thứ hai viết cho tôi những dòng động viên và khích lệ khi vô tình đọc được blog của tôi trên mạng. Kim Ánh đã xuất hiện.
3h10: Kim Hằng đến sau chị mình khoảng 5 phút. Hai người giống nhau đến độ cứ ngỡ là sinh cùng một trứng.
3h15: Khuôn mặt vẫn còn lấm tấm mồ hôi, những sợi tóc bết trên đôi gò má cao, không thể nào không nhận ra cô gái này với vóc dáng người mẫu của em. Ngọc Anh lúng túng tìm cho mình một chỗ ngồi và xin lỗi vì đã đến trễ, em ngồi kế bên tôi.
3h20: Chàng trai duy nhất của nhóm (ngoại trừ anh tài xế ra) cũng đã đặt chân trước cửa quán. Mang trong mình dáng vẻ của một nghệ sỹ trẻ, nhưng đã qua một lò nhào nặn một giáo viên, Long điềm tĩnh ngồi xuống và dõi theo buổi trò chuyện vừa mới bắt đầu nóng hổi của chúng tôi. Không quên nở một nụ cười lãng tử.
Ở mục đầu tiên, chúng tôi dành nhiều thời gian để giới thiệu và tán gẫu với nhau. Tán gẫu – đây cũng là hoạt động chính chúng tôi thực hiện nhiều nhất trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này. Những câu hỏi được đặt ra để brainstorm và gợi mở nhiều vấn đề từ mọi người. Những chia sẻ phong phú ở những mảng màu khác nhau đã góp phần tạo nên một phần mở đầu thân thiện mà vẫn rất chân thành. Khi được hỏi: “Theo bạn, việc tập luyện ở nhà của trẻ nên là một hành động chịu sự kiểm tra nghiêm khắc hay là một việc được tự nguyện thực hiện?”, Kim Ánh đã chia sẻ việc cả hai khái niệm này phải được cân bằng 50/50 với một sự đồng cảm rất “cô giáo” với học viên nhỏ tuổi của mình. Long cũng đồng tình với ý kiến đó, tuy nhiên bạn còn đề cập đến việc môn Piano là một bộ môn năng khiếu và để giải trí, vì thế việc tự nguyện tập luyện của học viên sẽ đến khi học viên đó thực sự yêu thích môn học này.
Phần nội dung chính được mở màn bằng chia sẻ từ trải nghiệm thực sự của cô gái sôi nổi Kim Ánh xoay quanh việc một học viên nhỏ tuổi của mình mong ước được đi Hàn Quốc sau lời hứa của mẹ cô bé nếu như cô có thể chơi Piano bài Hungary Sonate. Sau đó là chia sẻ của mình về cách mình tạo động lực cho học viên bằng cách cho học viên xem những video clip của những thiên tài Piano nhỏ tuổi và đặt những câu hỏi để tạo nên ý thức. Tiếp theo là một chia sẻ thú vị từ Kim Hằng khi bạn ấy nhắc nhở học sinh tập đàn bằng cách nhắn tin cho học sinh vào một khung giờ cố định mỗi ngày và cậu bé này đã dtập bản nhạc đó tốt hơn cả mong đợi của Kim Hằng.
Chia sẻ của Kim Ánh và Kim Hằng về câu chuyện hai cô bé hỏi ba mình vì sao mình phải học đàn và học đàn có thực sự tốt không đã để lại nhiều suy nghĩ trong tôi. Phải chăng khi mang âm nhạc đến với con trẻ chúng ta đã thiếu đi định nghĩa đầy đủ và những gì chúng ta làm chỉ là áp đặt và ép buộc? Có bao nhiêu học viên của bạn thực sự yêu thích âm nhạc và nhận thấy âm nhạc là một cứu cánh cho mình? Tôi tin rằng, khi là một giáo viên tâm huyết thật sự, bạn sẽ luôn muốn học sinh đem lại nhiều ích lợi cho học viên của mình, không chỉ là về khả năng chơi đàn, khả năng trình diễn, mà còn là về tình cảm và tâm hồn của chúng.
Về việc tạo động lực cho học viên bằng cách dựa vào sở thích âm nhạc của học viên cũng được mọi người bàn tán sôi nổi. Ai cũng nhận thấy rằng, 80% việc tạo động lực cho học viên hiệu quả nhất là tập trung vào sở thích âm nhạc của học viên đó.
Khi nói đến việc tạo động lực cho học viên bằng phần thưởng Phương đã chia sẻ việc tặng quà cần được song song với việc khích lệ và động viên. Có thể nói rằng, Phương, cô gái nhỏ nhắn trưởng thành từ một vùng ngoại ô, bước vào Sài Gòn với nhiều hoài bão về một tương lai tốt đẹp và đang làm việc tại một trường học dành cho trẻ em đặc biệt, sẽ là người biết cách động viên và khích lệ học viên hơn ai hết trong số chúng tôi đang ngồi ở đó. Tôi chưa tưởng tượng được ra việc mỗi ngày em phải đứng trên bục giảng với những khó khăn nào, nhưng tôi biết rằng cô gái đầy nghị lực ấy luôn luôn cố gắng để thực hiện tốt nhất những gì mà em có thể.
Cuộc trò chuyện sôi nổi hơn khi mọi người bàn về những cách để nhắc nhở học viên tập luyện. Viết giấy, viết bảng và cao trào nhất là cách in bảng tập luyện mỗi ngày đi kèm với chữ ký của phụ huynh cho học viên của chàng trai duy nhất – Long, đã đem lại những tràng cười sảng khoái cho mỗi thành viên. Nhân tiện nói đến vấn đề phụ huynh, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến nhân vật thứ ba này. Câu chuyện của Kim Ánh về một học viên 9 tuổi, vì mãi cố gắng để đạt được những kỳ vọng của mẹ mình trên lớp mà không có thời gian cho việc tập luyện đàn Piano hay câu chuyện của Long về một người bạn đồng trang lứa thời cấp II của mình từng phải uống thuốc trừ sâu vì thi Toán chỉ được 9 điểm đều đã đặt trong lòng chúng tôi những trăn trở về hai từ “phụ huynh” và ảnh hưởng từ đối tượng thứ ba này đến những học viên của chúng tôi cần phải được xem lại.
Khi bàn đến phần tạo động lực cho học viên bằng cách dạy thêm những kiến thức khác có liên quan chứ không chỉ là về Piano. Ngọc Anh đã chia sẻ một cách em từng dùng đó là cho học viên chơi tiết tấu bằng một số app trên điện thoại. Tôi nghĩ ý tưởng hay này nên được cân nhắc với mỗi giáo viên dạy Piano hay dạy các môn nhạc cụ khác. Thời đại công nghệ phát triển đến độ chóng mặt như bây giờ đang đem đến cho chúng ta rất nhiều những cơ hội sử dụng miễn phí các phần mềm phục vụ cho mục đích giảng dạy và học tập. Chơi và tập luyện tiết tấu, học đọc nốt nhạc hay là nghe cảm âm…vv…vv….hầu hết tất cả đều có trên các siêu thị phần mềm của Apple và Android, nếu có thời gian tìm tòi, bạn sẽ phát hiện ra nhiều thứ rất hay ho đấy! (Tôi sẽ dành một bài để viết tập trung vào mảng này trong tương lai!) Một ý kiến đóng góp khác từ Long cũng cần quan tâm, đó là dạy cho học viên đánh scale và nghe cảm âm từ đó tự học sinh mày mò ra các nốt nhạc của những bài hát học viên yêu thích. Đây cũng là một phương pháp tôi thường hay sử dụng cho các học viên ở độ tuổi THCS, đối với những em có khả năng cảm âm trời phú, phương pháp này sẽ củng cố và rèn luyện thêm cho kỹ năng đó ngày càng phát triển.
Thời gian trôi thật nhanh khi loáng một chút đã gần đến 5 giờ, ngoài trời những cơn gió mùa thổi qua các tầng lá khiến chúng đập nhè nhẹ vào cánh cửa kính của quán cà phê như muốn nói với chúng tôi rằng một cơn mưa chiều đang trên đường kéo đến. Buổi offline kết thúc với những nụ cười và những lời chào tạm biệt thật dễ thương từ các thành viên đầu tiên của nhóm. Đợi mọi người đã bước ra sau cánh cửa quán, tôi thở phù một cái rồi đập tay anh “tài xế” một phát rõ to giống như một lời reo lên chiến thắng: “Yeh! Tôi đã làm được!”
Xin cảm ơn tất cả mọi người đã đến và góp những tiếng nói của các bạn cho buổi gặp gỡ đầu tiên này. Xin gửi lời cảm ơn đến từng thành viên: Phương, Kim Ánh, Kim Hằng, Ngọc Anh, Long và anh Đăng Trình. Sự hiện diện và tiếng nói của các bạn là động lực rất lớn cho Ngân trong những chặng đường tiếp theo.
Nhật ký của một buổi offline chiều tháng 5.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Chúc mừng Ngân đã tổ chức thành công buổi off đầu tiên. Em đang truyền cảm hứng cho chị và nhiều giáo viên khác đấy. Tiếp tục em nhé, 🙂
Chị Châu ơi, em cảm ơn chị đã ủng hộ em. Em sẽ tiếp tục ạ. Mong một ngày ra Hà Nội gặp chị!