Điều kỳ lạ nhất tôi cảm thấy về mình khi giảng dạy Piano cho trẻ em đó là: Có thể dạy môn cảm nhận âm nhạc tốt hơn dạy về nhạc cụ. Cảm giác này mơ hồ hết sức và chỉ thể hiện rõ rệt nhất khi các học trò của tôi thường xuyên cảm thấy áp lực nếu như tôi ngồi bên cạnh chúng trong một thời gian dài để hướng dẫn chúng tập chơi một bản nhạc mới. Vì thế, chủ đề tip số 17 này tôi quyết định chia sẻ một cách đơn giản để chúng ta có thể bắt đầu dạy về cảm âm cho các học viên nhỏ tuổi của mình.
Trong môn cảm nhận âm nhạc, có một kỹ năng đó là kỹ năng cảm âm mà thường được nhiều người biết đến giống như là một khả năng “thần thánh” mà chỉ những người chơi nhạc chuyên nghiệp mới có thể có được. Tuy nhiên, phần nhiều mọi người không biết rằng, để một nhạc công có thể cảm âm được tốt như vậy, từ thời ấu thơ, họ đã được đào tạo rất bài bản và tập luyện cực khổ. Nếu như tính tỉ lệ, thì chỉ 1/10 người là được trời phú cho đôi tai tuyệt vời như một món quà quý của thượng đế, còn 9 người còn lại, đều phải trải qua một giai đoạn dài rèn luyện cho đôi tai của mình.
Nếu vậy, những học viên Piano nhỏ tuổi có cần được học để cảm âm hay không? Theo quan điểm của cá nhân, câu trả lời của tôi chắc chắn là “Có”. Vì để có thể chơi các âm thanh hỗn độn vang lên thành một bản nhạc hay, trẻ sẽ phải bắt đầu trước từ sự NGHE của mình. Khi ngồi yên lặng và lắng nghe dòng chảy của các nốt nhạc, hoặc tiết tấu của chúng, những giác quan của trẻ sẽ được kích thích tột độ để tìm cho ra được cách giải quyết những “thử thách” mà chúng ta đã mang lại đó. Chúng ta càng bắt đầu dạy cho trẻ cảm âm sớm chừng nào, sự phát triển về khả năng NGHE của trẻ sẽ mạnh mẽ đến chừng đó. Tôi từng thử nghiệm trên các học viên có độ tuổi rất nhỏ (4 tuổi), tập luyện cho chúng nghe cao độ của 5 nốt nhạc đầu tiên: C D E F G sau khoảng 4 tuần chúng học Piano, kết quả chúng mang lại thường đáng kinh ngạc hơn là những đứa trẻ bắt đầu tập luyện cảm âm khi đã ở lứa tuổi tiểu học.
Dưới đây tôi sẽ chia sẻ một trò chơi mà học viên các nhỏ tuổi thường rất thích chơi với tôi. Nó chưa được đặt tên nên nếu như bạn có thể gợi ý một cái tên nào đó cho nó sau khi đọc xong bài viết này, hãy comment bên dưới cho tôi nhé!
Chuẩn bị:
– 6 chiếc lá được cắt từ giấy cứng
– Mặt sau của lá ghi các chữ cái tên nốt nhạc
– Một hình chụp 6 chiếc lá (bạn sẽ giữ)
* Về hình thức, các hình ảnh hoa hay lá, bánh kẹo, trái tim, ngôi sao…chủ yếu chỉ là để tạo hứng thú cho trẻ và không nhàm chán, vì thế hãy thoải mái sáng tạo.
* Về nội dung, hãy tập trung vào các nốt nhạc trẻ mới học như là C D E và sau đó tăng dần lên 5 nốt C D E F G sau đó sẽ tiếp tục tăng thêm nhiều hơn nhưng phải phù hợp với năng lực của trẻ. Cách viết nội dung các nốt nhạc cũng phải tuân theo trình độ từ dễ đến khó, dễ là các nốt gần nhau, sau đó sẽ là các nốt cách xa nhau. Độ khó của trò chơi nếu như phù hợp với trẻ, sẽ khiến trẻ chơi rất thoải mái và vui vẻ.
Cách thực hiện:
B1: Đặt úp mặt có các chữ cái của chiếc lá xuống dưới và đặt chúng trong một khu vực cố định. Rải đều chúng ra xung quanh khu vực đó.
B2: Bạn sẽ chơi ba nốt nhạc đã được viết trong một chiếc lá nào đó, trẻ sẽ không được nhìn tay bạn chơi nốt gì (tôi thường hay bảo các học viên của mình hãy nghiêng tai về cây đàn Piano mỗi khi tôi đánh, như vậy, trẻ không thể nào nhìn được tay tôi đã đánh những gì).
B3: Trẻ sẽ phải hát lên các nốt nhạc đã được bạn chơi và trong 10 giây phải tìm chiếc lá có chứa các nốt nhạc đó rồi mang về cho bạn.
B4: Khi mang lá về cho bạn, trẻ chỉ được tính điểm nếu như chơi đúng các nốt nhạc được viết trên chiếc lá đó.
* Khi bạn chơi các nốt nhạc trên đàn cho trẻ nghe, chơi thật chậm và rõ ràng.
Các học viên nhỏ tuổi của tôi rất dễ thương trong trò chơi này và chúng chơi rất xuất sắc. Chúng luôn chiến thắng với những số điểm rất cao và thể hiện khả năng NGHE cực kỳ tốt của chúng. Mong rằng, với trò chơi đơn giản này, bạn cũng sẽ có những giờ học thật vui vẻ và thoải mái bên các học trò nhỏ thân yêu của mình.
* Nếu như bạn là một phụ huynh và cũng muốn thực hiện trò chơi đơn giản này với con của mình tại nhà nhưng còn nhiều câu hỏi thắc mắc. Hãy liên hệ với tôi qua địa chỉ email toidaypiano@gmail.com nhé! Tôi luôn luôn sẵn lòng chia sẻ với bạn nhiều hơn nữa.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.