Điều gì khiến cho học sinh có thể thực sự “lắng nghe” chúng ta?
Nếu như bạn là một đứa trẻ 5 tuổi và lần đầu tiên gặp một người lạ mặt, sau vài lời giới thiệu từ một bên “trung gian”. Tuy rằng bạn biết đây sẽ là người dạy bạn chơi đàn Piano này, dạy bạn học hát, học nhạc. Nhưng liệu tâm lý của bạn có sẵn sàng để “tiếp nhận” người đó vào thế giới của bạn không?
Chúng ta không bao giờ nhớ được ngày đầu tiên đến lớp tâm trạng bối rối và hoang mang như thế nào. Thầy cô như những kẻ khổng lồ, ta không biết họ từ đâu đến, những đứa trẻ xung quanh thì trông thoạt nhìn như lũ khỉ trong vườn sở thú.
Thứ duy nhất khiến ta thích thú nhất là những cây đàn Piano, chúng thật là mới lạ làm sao…những thanh màu trắng, màu đen khi nhấn vào có tiếng vang lên, thậm chí nhấn nhiều nhiều thì sẽ thành một bản nhạc.
Quay trở lại với chủ đề: Làm sao để trẻ có thể “lắng nghe” chúng ta? Điều gì khiến chúng cảm thấy hạnh phúc “nhai nuốt” từng lời giảng trong suốt 30 phút? Điều kiện nào giúp chúng ta có thể dễ dàng bước vào thế giới của trẻ?
Với tôi, điều đầu tiên hết để bắt đầu cho một chuyến hành trình mới đó chính là: Trở thành một người bạn đường đáng tin cậy.
Do ảnh hưởng của Nho giáo, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn đề cao cương vị của một người thầy. Trong các phòng học ở những ngôi trường phổ thông, nơi bục giảng của giáo viên lúc nào cũng được xây cao hơn nơi học sinh ngồi. Bàn của giáo viên cũng ở một vị trí trên cao, nơi học sinh phải ngước đầu lên thì mới có thể nhìn thấy giáo viên đang chễm chệ ở đó. Hãy tưởng tượng xem, vị trí của giáo viên về mặt vật lý cũng đã vô hình tạo ra một bức tường ngăn cách với học sinh, thì để một tình bạn giữa họ có thể nảy nở cũng khó như trên một bức tường đá mọc lên một chồi cây non vậy…
Tôi nhớ khoảng thời gian học cấp II khủng hoảng của mình. Thứ duy nhất để bạn bè nhớ đến tôi là sự vắng mặt của tôi trong các giờ thể dục, vì với lịch học dày đặc hai ba trường, tôi phải xin học thể dục chung lớp kế bên lớp mình. Ngoài ra, tôi không nổi trội ở bất kỳ môn học nào. Các môn vật lý, hóa học, toán học thời điểm đó là nỗi ám ảnh của tôi. Thầy cô giảng gì, thật sự tôi không hiểu…nhưng đã đành là thế, thầy cô dường như chưa bao giờ nhìn vào mắt tôi để có thể nhìn thấy một trời hoang mang trong tâm trí tôi đang như một đám mây mù đặc quánh che lấp hết tất cả những tri thức đang được rót vào…
Tôi cũng e ngại lên sửa bài tập. Vì cứ hễ bị sai là sẽ bị mắng rất nặng, và thường là mắng trước cả lớp, các bạn hoặc sẽ bụm miệng cười hoặc sẽ thở phào vì thấy phận mình may mắn vì không bị rơi vào cảnh như thế. Từ đó, tôi sợ tự làm bài vì không bao giờ tôi tin vào bản thân, cứ nghĩ rằng mình đã làm ắt hẳn sẽ sai, nên thôi, quay cóp bài của bạn thì lại an toàn hơn…
Chúng ta có khi nào tự hỏi, vì sao trẻ thích chia sẻ với bạn bè chứ không bao giờ thích tâm sự gì với ta cả? Cả các bậc phụ huynh cũng vậy. Đôi khi họ không hiểu vì sao con trẻ lại hành xử như vậy, rồi tự vấn chính mình, rồi đi vào ngõ cụt.
Điều khác biệt giữa CHÚNG TA và BẠN BÈ của trẻ có lẽ chính là: SỰ LẮNG NGHE
Sự lắng nghe sẽ được hình thành khi hai đối tượng thiết lập một mối quan hệ sâu sắc – bạn bè thân thiết. Khi chúng ta có thể mở một cánh cửa vào thế giới của trẻ bằng cách trở thành một người bạn của chúng, cánh cửa còn lại là việc truyền đạt tri thức sẽ vô cùng đơn giản, bởi vì lúc này, bất cứ thứ gì bạn nói với trẻ đều là một điều thú vị. Nhưng đôi khi nó còn phụ thuộc việc bạn nói như thế nào.
Điều trong tâm nhất ở đây là theo tôi nghĩ là: MỐI QUAN HỆ. Để tạo được một sợi dây liên kết giữa ta và học sinh, mỗi chúng ta phải có một tình yêu thật lớn dành cho chúng.
1.Luôn đặt học sinh là trọng tâm, chứ không phải kiến thức.
2.Khuyến khích học sinh nói lên ý kiến của mình.
3.Đừng phê phán mà hãy hướng dẫn và giúp đỡ.
4.Luôn nhìn thẳng vào mắt học sinh khi giảng.
5.Khen đậm đà, chê qua loa.
6.Hài hước luôn luôn và cứng rắn khi cần.
7.Lấy bản thân làm một tấm gương sạch.
8.Quan tâm đến những hành vi nhỏ của học sinh.
9.Đừng đứng giảng bài một chỗ.
10.Yêu thương tất cả giống nhau.
Trong một dịp được gặp và nói chuyện với nhà giáo ưu tú thầy Nguyễn Bác Dụng, tôi thấm thía một câu của thầy: “Nghề giáo là một cái nghề đặc biệt lắm con ạ!”…quả lúc đó, tôi cũng hiểu sơ sơ được ý thầy, nhưng mãi đến sau này, những buổi chiều sập tối chạy xe một mình về nhà trên đường Lê Duẩn, tâm trí mới phần nào hình dung được điều thầy nói ở buổi gặp mặt đầu tiên đó.
Trong cuốn sách tựa như một cuốn hồi ký, “Tâm huyết trao đời”, thầy Nguyễn Ngọc Ký cũng để lại một câu có đại ý như thế này.
Người giáo viên đôi khi đứng trên bục giảng là phải quên đi những giọt nước mắt của mình, những vui buồn thường ngày của mình để có thể dành hết tất cả nhiệt huyết cho một tiết học hiệu quả.
Hy vọng với một bài viết có vẻ hơi dài thế này, bạn cũng có thể phần nào nhìn thấy một chút bản thân của mình trong đây và tìm thấy điều gì đó thật sự hữu ích để tiếp tục làm hành trang cho chặng đường làm…nghề giáo.

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.