5 hoạt động Cảm thụ Âm nhạc cho học sinh lớp 1

          Sáng thứ sáu, các bạn nhỏ lớp Một rồng rắn lên mây từ thang máy đến hành lang. Những bộ quần áo lấp lánh dưới ánh nắng nhấp nhô nhịp nhàng như đàn chim nhỏ.  Các bạn nhìn thấy cô giáo từ xa thì đua nhau gọi lớn vọng cả hành lang: “Cô Kim Ngân! Cô Kim Ngân” và cô giáo cười, và các bạn cười, và cô chơi đàn, và các bạn hát.  Tất cả tiến vào lớp học, căn phòng nhộn nhịp không khí vui vẻ trong tiếng hát trong trẻo của các bạn và tiếng đàn ấm áp của cô.  

Có thể cảnh tượng đẹp như mơ thế này chỉ xuất hiện trong các bộ phim dàn dựng kỹ lưỡng.  Nhưng, nó thực sự ĐÃ TỪNG tồn tại ở lầu năm của trường WSSG, hay cụ thể hơn, nó là một phần trong tiết học Nhạc của các bạn học sinh lớp một.

5 phút đầu tiên của mỗi buổi học có thể quyết định rất nhiều thứ.  Theo quan sát của tôi trong 6 tháng vừa qua, các tiết học Nhạc luôn thành công hơn khi học sinh được thực hiện các hoạt động khởi động với 5 phút đầu giờ.  

Trước khi đến với một tiết học, bọn trẻ đã tham gia rất nhiều các hoạt động khác trước đó.  Ví dụ như: Vừa kết thúc giờ ra chơi, vừa học xong môn Toán hoặc có thể là vừa thức dậy sau một giấc ngủ trưa…vv….vv… Để chuyển tiếp từ hoạt động đang thực hiện sang một hoạt động mới, tâm trí trẻ cần một khoảng thời gian chuyển giao để lập trình sẵn sàng cho các hoạt động mới đó.  

Chúng ta đều biết bộ não là nơi điều khiển tất cả những hoạt động của cơ thể.  Nếu trẻ phải bắt đầu học hát ngay sau khi vừa kết thúc việc giải một bài Toán, não của chúng sẽ không kịp đưa ra tín hiệu để cơ thể đáp ứng với điều kiện bên ngoài đang đòi hỏi.  Tương tự như vậy, một đứa trẻ vừa mới thức dậy sau giấc ngủ trưa có thể sẽ không đủ tỉnh táo để nghe  giảng dài dòng về lý thuyết trường độ các nốt nhạc.

Vì thế, khởi động đầu giờ là một lựa chọn rất hợp lý cho những tiết học bộ môn đặc biệt, trong đó có Âm Nhạc.  Vốn là người ưa thích sự sáng tạo và không khí vui vẻ vì thế tôi luôn muốn các bạn nhỏ khi đến với tiết học của mình thật thoải mái và sẵn sàng.  Các hoạt động cảm thụ âm nhạc cho phần khởi động đầu giờ của tôi cũng được dựa trên tiêu chí như vậy.

Trong bài viết này, một số các hoạt động warm – up trong giờ Nhạc cho học sinh tiểu học sẽ được tôi chia sẻ thật cụ thể đến với các bạn.

Hoạt động 1: Hello class! Hello miss!

Mục đích: Học sinh luyện hát đúng cao độ và khởi động giọng theo 4 cao độ Đồ Mi Sol Lá.  Ổn định học sinh đầu giờ và thu hút sự tập trung của học sinh vào giáo viên.  Tạo không khí âm nhạc và phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên với học sinh.

Cách thực hiện: Giáo viên hát câu nhạc với một cao độ liên quan các nốt Đồ Mi Sol Lá.  Học sinh lặp lại cao độ giống như vậy nhưng với lời khác.

Hoạt động Hello class! Hello miss!

*Hoạt động này ban đầu chiếm nhiều thời gian của giáo viên để tập luyện cho học sinh, song hiệu quả về sau của nó là vô cùng lớn.  Mỗi khi học sinh nghe giáo viên hát: “Hello class…” học sinh sẽ tự động hát theo:  “Hello miss….”, gián tiếp dẫn đến việc khiến chúng phải hướng sự tập trung về giáo viên. Các biến thể của hoạt động này có thể được cải tiến như sau: Hát tiếng mèo, hát tiếng chó, hát giọng ồm ồm hoặc hát giọng bè bè đều có thể gây được sự chú ý cho học sinh và khiến trẻ thích thú.

Bạn có thể tham khảo thêm cách giáo viên người Mỹ này đã sử dụng hoạt động đó như thế nào qua video bên dưới.

Hoạt động 2: Ai giống cô nhất?

Mục đích: Tập luyện cho học sinh khả năng vỗ tiết tấu và cảm nhịp.  Điều khiển nhịp điệu của tiết học và điều khiển độ tập trung của học sinh. Khởi động cơ thể và giọng hát của học sinh.

Cách thực hiện:  Giáo viên vỗ tay to, chậm và rõ ràng một số tiết tấu đơn giản sau đó học sinh vỗ lại giống như vậy.  Các tiết tấu giáo viên thực hiện nên là những tiết tấu có độ dài 4 phách và chỉ xoay quanh trắng, đen và đơn.  Ví dụ như sau:

* Những biến thể của hoạt động này rất rất phong phú.  Sau khi học sinh đã nhuần nhuyễn việc vỗ các tiết tấu rồi, giáo viên có thể bắt đầu thêm các động tác cơ thể vào tiết tấu đó như tiết tấu số 1, phách 1 và 2 có thể vỗ thực hiện bằng cách dậm chân xuống đất, phách 3 và 4 là vỗ tay. Để khởi động giọng hát, tôi cho thêm các từ như “Pa” “Ha” vào các tiết tấu, học sinh có thể vừa vỗ tiết tấu vừa khởi động giọng.  Nếu như chuyên sau hơn, giáo viên có thể sử dụng ký hiệu cao độ bàn tay ba nốt Do Mi Sol của Kodaly để hát với tiết tấu đó và học sinh nhái lại giống như vậy.

Hoạt động 3: Body Percussion 

Mục đích: Tập luyện cho học sinh khả năng vỗ tiết tấu và cảm nhịp.  Ổn định sự tập trung chú ý của học sinh đầu giờ.  

Cách thực hiện: Trước khi vào lớp, học sinh xếp một hàng và tạo ra tiết tấu bằng cơ thể để di chuyển vào trong lớp. Giáo viên đi trước làm mẫu cho học sinh hoặc nếu học sinh đã quen, giáo viên có thể dùng trống vỗ đệm theo.  Dưới đây là một tiết tấu ví dụ tôi đã từng thực hiện cho học sinh lớp 4: 

Hoặc bạn có thể tham khảo tiết tấu này qua video  trên đây.  

Hoạt động 4: I say a boom chicka boom 

Mục đích: Ổn định và tập trung sự chú ý của học sinh vào đầu giờ học.  Giải phóng cơ thể và đem đến năng lượng tích cực cho học sinh.  Đánh thức tâm trí và khởi động buổi học với không khí vui vẻ 

Cách thực hiện: Chỉ cần xem qua video dưới đây bạn sẽ biết cách thực hiện nó như thế nào.  Rất đơn giản!

* Trò chơi này khá phổ biến trong các buổi sinh hoạt tập thể.  Nhưng đồng thời nó cũng sẽ mang đến hiệu quả rất tích cực cho các bạn học sinh lớp 1 của tôi chỉ với 5 phút đầu mỗi tiết học. 

Hoạt động 5: Con ong 

Mục đích: Khởi động giọng cho học sinh.  Ổn định sự tập trung và chú ý của học sinh đến giáo viên.

Cách thực hiện: Giáo viên vừa thực hiện các chuỗi động tác vừa tạo ra các âm thanh như sau:

1. Con ong bay – âm thanh “Zzzzzz” (bay cao âm thanh cao, bay thấp âm thanh thấp)

2. Đập ong – “Slap”

3. Con ong bay trong lòng bàn tay – “Brrrrrrrrrr” (đánh lưỡi bên trong miệng) 

4. Kiểm tra con ong chết chưa – “Hở” (âm thanh cao tỏ ý ngạc nhiên)

5.Ăn con ong – “Opppp” (bỏ ong vào miệng) 

6.Nuốt ong – “Hà!” (tay xoa bụng) 

7.Nhỗ ong ra – ” Yuck!!!!” (âm thanh cao) 

Hoạt động này tôi đã học được từ một video của Artis Education và quả thật hiệu ứng của nó được các bạn học sinh lớp 1 đón nhận rất tích cực.  Bạn cũng có thể xem nó dưới đây: 

Tôi tin rằng các hoạt động khởi động đầu giờ cho học sinh là vô cùng đa dạng và phong phú mà hầu như bất kỳ giáo viên nào cũng có thể thực hiện được.  Hy vọng với bài viết này, các bạn giáo viên cũng có thể tìm được một số điểm hữu ích góp phần cho các tiết học Nhạc trở nên thú vị và sôi động.  

Khởi động tiết học ĐÀN như thế nào? 

 “Chú nhện tàng hình” – bài khởi động ngón đơn giản mà vẫn rất hiệu quả : https://toidaypiano.com/2018/06/28/chu-nhen-tang-hinh/

Chúc tất cả chúng ta sẽ có những giờ học Âm nhạc thật hấp dẫn và thú vị. 

Mong được gặp lại bạn vào những bài viết tiếp theo của tôi.

3 Replies to “5 hoạt động Cảm thụ Âm nhạc cho học sinh lớp 1”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!