Tip #20: Cảm nhịp với những khối sắc màu

Một trong nhiều lý do tôi thích làm việc với trẻ em là vì chúng rất nhạy cảm, thông minh và thường chiến thắng tôi trong rất nhiều trò chơi.

Tuy là vậy, nhiều năm về trước, khi dạy âm nhạc cho trẻ, tôi mắc phải một sai lầm rất lớn mãi đến sau này mới nhận ra.  Sai lầm này khiến cho các phương pháp giảng dạy của tôi bị cứng nhắc và sách vở, làm cho quá trình tiếp thu kiến thức của trẻ bị trì trệ.

Sau này, khi đã biết mình đi sai đường, tôi nỗ lực để thay đổi.  Trong đó, cảm âm là kỹ năng được chú trọng dạy đầu tiên với trẻ độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi.

Mầm non là lứa tuổi rất nhạy cảm về màu sắc.  Trí não của chúng đơn giản song lại vô cùng thông minh.  Bởi vì những khái niệm về màu sắc và âm thanh với chúng chỉ vừa hình thành trong những năm đầu đời,  nên khi nhìn thấy những món đồ chơi màu sắc phát ra âm thanh, trẻ rất dễ chú ý.

Thế nên, khi bắt đầu giới thiệu về dạy về trường độ âm thanh cho lứa tuổi này, sẽ rất tuyệt vời màu sắc và âm thanh được kết hợp.  Trong bài  viết này, tôi sẽ chia sẻ một phương pháp hiệu quả đã được sử dụng để dạy cảm âm cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi.

Chuẩn bị:

1. Chọn hai trường độ sẽ dạy trong bài học (Vd: Nốt đen và nốt trắng)

2.Hai tấm giấy cứng khác màu. Cắt 4 hình vuông biểu trưng cho nốt đen và 2 hình chữ nhật chiều dài gấp đôi hình vuông biểu trưng cho nốt trắng. Lưu ý nốt có trường độ ngắn nên chọn màu sáng và trường độ dài màu đậm hơn. (Vd: 4 ô màu vàng cho nốt đen, 2 ô màu cam cho nốt trắng)

Thực hiện:

1. Giáo viên dạy về phách đều bằng việc cho trẻ vỗ tay/dậm chân/bước đều theo các bài hát. ( Bước này nên dạy ở các tiết học trước )

2. Giáo viên mô phỏng các phách đều trên giấy trắng bằng một hình yêu thích của trẻ.  (Ví dưới đây là hình tròn)

Bước 2

3. Giáo viên chơi nốt đen trên đàn tương ứng với số lượng phách đều trên giấy và đặt cho học sinh một số câu hỏi về cảm nhận của trẻ như âm thanh có độ dài như thế nào, ngắn hay dài vv…

4. Gọi tên âm thanh đó là NGẮN

5. Phát cho trẻ một số hình vuông để tượng trưng cho âm thanh ngắn và chơi lại một lần nữa, yêu cầu trẻ đặt các hình vuông dưới những chỗ có âm thanh ngắn.  Hỏi trẻ âm thanh ngắn có mấy phách?

Bước 5

6. Giáo viên thu lại các hình vuông, tiếp tục quay trở lại đàn và chơi các nốt trắng tương ứng với phách đều (như trên là có 3 nốt trắng).  Sau đó đặt cho trẻ các câu hỏi giống như trên.

7. Hỏi trẻ âm thanh đó sẽ có thể tên là gì, lúc này trẻ thông minh hoặc nhạy bén sẽ nói là âm thanh dài, (trong trường hợp nếu như trẻ không nói được, giáo viên hãy xác định, nhưng đa số trẻ đều nhận ra) – gọi tên âm thanh là DÀI

8. Phát cho trẻ các hình chữ nhật và yêu cầu trẻ đặt các hình chữ nhật bên dưới phách đều những chỗ có âm thanh dài.  Hỏi trẻ âm thanh dài có mấy phách?

Bước 8

9. Thử thách trẻ với tiết tấu NGẮN NGẮN DÀI, hoặc các tiết tấu khác có 4 phách, giáo viên chơi trên đàn Piano, trẻ nghe và sắp xếp các khối màu tương ứng với âm thanh đã nghe.

Bước 9

  10. Gọi tên âm thanh ngắn – ô vuông là NỐT ĐEN, giáo viên vẽ nốt đen,  âm thanh dài là NỐT TRẮNG, giáo viên vẽ hình nốt trắng. Sau đó chơi các tiết tấu dài hơn trên đàn để trẻ có nghe và sắp xếp các ô màu tương ứng những gì được nghe, đây chính là cảm âm.

“Mô hình hóa” trường độ là một hoạt động mới mẻ và đặc biệt khi giảng dạy về trường độ căn bản cho lứa tuổi nhi đồng.  Tuy nhiên, lợi ích phương pháp này mang lại là vô cùng lớn cho tai nghe của trẻ.

Hai chị em Coca và Nu dán các ô hình theo tiết tấu bài Hot Cross Buns

Hy vọng qua bài viết này đã đem đến cho các bạn đồng nghiệp một cách làm mới và thú vị khi dạy cảm âm cho trẻ nhi đồng.  Mong nhận được phản hồi từ các bạn.

Thân chúc các bạn thật nhiều niềm vui trong giảng dạy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!