8 Tiêu chí để lựa chọn giáo viên cho con bạn!

        Cách đây khoảng hơn 20 năm về trước, tôi nhớ như in cảm giác lần đầu tiên được đi học đàn Organ tại nhà của một thầy giáo già gần nhà.  Bởi vì sự lựa chọn này không đến từ cá nhân mình, mà là từ mẹ,  (như bao đứa trẻ khác) nên việc đến lớp lúc đó với tôi thật không có gì là vui.   Thời điểm đó, khoảng năm 1997, để tìm được một nơi gửi gắm con cái mình được học đàn, học nhạc là cái gì đó rất xa hoa với người dân thành phố tôi sống.     

Hơn 2 thập niên sau, Sài Gòn im ắng ngày xưa của tôi nay đã trở thành trung tâm của sự giao thoa văn hóa và sự hội nhập của biết bao con người đến từ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.  Những trung tâm âm nhạc, những lớp học đàn, các học viện nghệ thuật, các câu lạc bộ với đầy đủ các tên gọi vv…vv…sinh sôi và nở rộ ồ ạt như nấm mọc sau mưa. Vậy nên, rất nhiều những môi trường học tập âm nhạc khác nhau mà phụ huynh có thể lựa chọn cho con mình theo học, cũng như sự phong phú đa dạng trong lực lượng giáo viên giảng dạy các bộ môn năng khiếu âm nhạc cũng mang lại cho phụ huynh nhiều đắn đo với một câu hỏi:

“Làm thế nào để tìm được giáo viên tốt cho con ?” 

Tìm giáo viên cho con là một chủ đề rất rộng và trong bài viết hôm nay, tôi sẽ nêu lên quan điểm của mình về các yếu tố cần có của một giáo viên dạy đàn.  Những ý kiến dưới đây được tích góp lại từ kinh nghiệm của cá nhân tôi sau một thời gian giảng dạy rất dài, một số sẽ đứng trên phương diện khách quan và chỉ mang tính tương đối.  

A – Yêu trẻ

Lòng yêu mến trẻ em là yếu tố không thể thiếu của một người giáo viên.  Nếu thiếu đi tình thương dành cho trẻ, người giáo viên sẽ không thể nào làm tròn được vai trò của một người giáo viên thực sự.   Nhưng “yêu trẻ” có chỉ đơn giản là những cái nắm tay, ôm hôn thông thường? Hay còn cần gì đó khác nữa? Dưới đây là các yếu tố, mà theo tôi sẽ thể hiện một người giáo viên có sự quan tâm sâu sắc đến trẻ. 

1. Tìm hiểu về đối tượng học sinh:

– Giáo viên cần hiểu về mỗi cá nhân đứa trẻ để có thể có một phương pháp giảng dạy phù hợp.  Đầu tiên và trước hết khi bắt đầu một mối quan hệ với trẻ lâu dài, việc tìm hiểu ưu điểm, nhược điểm, sở thích và tính cách của trẻ rất quan trọng.  Giáo viên cần có một hồ sơ cá nhân của trẻ và có thể nhờ phụ huynh ghi lại một số những thông tin cần thiết như là màu sắc trẻ ưa thích, hoạt động trẻ có hứng thú nhiều nhất, ưu điểm của trẻ là gì…vv…vv… Những thông tin này đặc biệt rất cần thiết cho những giáo viên mới khi bắt đầu công việc giảng dạy của mình.  

2. Thấu hiểu và cảm thông: 

– Mỗi lứa tuổi trẻ cần được thấu hiểu và cảm thông khác nhau.  Ở độ tuổi nhi đồng, từ 4 đến 5 tuổi, trẻ rất năng động và chỉ có thể tập trung trong một quãng thời gian ngắn.  Độ tuổi lớn hơn 11, 12 tuổi thì trẻ lại bị phân tâm nhiều vào bạn bè và mong muốn được chứng tỏ bản thân.  Một số trẻ có thể có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, có thể đến từ gia đình (cha mẹ hay nuông chiều; chưa có đàn để tập luyện vv….vv…) hoặc từ chính bản thân chúng (tự kỷ, khó tập trung, tăng động vv…vv…).  Vì thế, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần thấu hiểu để có thể cảm thông cho những hành vi bất thường của trẻ. 

3. Luôn khuyến khích: 

– Mục đích cuối cùng của học tập đó chính là tìm ra chính mình.   Học tập phải đem lại niềm vui và sự hân hoan cho cá nhân đó khi đang dần khám phá ra kiến thức mới, chứ không phải là sự mệt mỏi và khắc nghiệt đến từ những lời phê phán chỉ trích.  Một lời khen chính xác của giáo viên cũng nên đặt vào đúng nơi, đúng lúc và đúng chỗ sẽ khiến cho trẻ có nỗ lực và cố gắng nhiều hơn trong quá trình học tập lao động của mình.  Và những lời khen sáo rỗng, dư thừa, không đặt đúng trọng tâm cũng đem lại những hiểu lầm cho nhận thức của trẻ. 

4. Luôn xem lại mình: 

– Giáo viên có thể là người biết tất cả nhưng không hẳn là người hiểu tất cả.   Khi giảng dạy về một kiến thức trong âm nhạc cho trẻ,  giáo viên cần lựa chọn phương pháp có thể phù hợp nhất với trẻ chứ không nên chỉ dùng các phương pháp mình đã được học hoặc mình đã từng sử dụng.  Khi trẻ vẫn không hiểu được, khoan hãy kết luận là trẻ chậm, kém, “ngu” (như một số giáo viên trước đây của tôi sử dụng), nhưng có thể là do chính cách giảng dạy của giáo viên đã không phù hợp với trẻ.  

B – Yêu nghề 

Chắc chắn bất cứ ai khi trở thành giáo viên giảng dạy âm nhạc cũng đều có một tình cảm đặc biệt dành cho công việc này.   Nhưng tình yêu nghề phải chăng chỉ là việc giáo viên đến lớp thường xuyên, không nghỉ buổi nào hay là còn những yếu tố gì khác?  

1. Tìm tòi và học hỏi: 

– Sự tìm tòi và học hỏi giúp giáo viên luôn vững vàng và tiến bộ.  Xã hội 20 năm về trước của tôi không giống với xã hội của thế kỷ XI này.  Trẻ em của thời tôi sinh ra cũng khác hoàn toàn với trẻ em thời nay.  Những phương pháp giáo dục ngày xưa tôi đã được học có thể không phù hợp để giảng dạy cho thế hệ ngày nay.  Vậy nên, giáo viên cần tìm tòi để luôn học hỏi được những cái hay, cái mới, cái tiến bộ, bởi vì, khi họ giảng dạy, là họ đang chuẩn bị cho một thế hệ trong tương lai, thế hệ của xã hội hiện đại trong 20 năm, 30 năm tới.

2. Tương tác với phụ huynh: 

– Mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên phải được thắt chặt và có sự hỗ trợ.  Phụ huynh luôn sai khi đặt hết tất cả vào giáo viên và ngược lại, giáo viên đã rất thiếu sót khi không nhờ đến sự hỗ trợ từ phụ huynh.  Làm sao để giữ được nhịp độ tập luyện hàng ngày cho trẻ, làm sao để động viên trẻ và giúp trẻ sửa sai khi tập luyện ở nhà vv…vv… Những điều này, nếu như không phải là phụ huynh thì không ai khác có thể thực hiện được.   Ở một số các trung tâm giảng dạy âm nhạc nước ngoài, phụ huynh được yêu cầu đến lớp chung và dự vào giờ học của con để nắm được những yêu cầu từ giáo viên rồi có thể hướng dẫn cho con tập luyện ở nhà.

3. Sử dụng giáo trình phù hợp:

– Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, giáo viên cần có các giáo trình phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau.  Methode Rose có lẽ là cuổn bí kíp kinh điển nhất được sử dụng rất rộng rãi trong cộng đồng giáo viên giảng dạy Piano tại Việt Nam nhưng chắc ít người biết rằng, nó không thực sự phù hợp cho lứa tuổi nhi đồng từ 4 đến 6 tuổi.   Để đạt hết hiệu quả của giáo dục âm nhạc trong lứa tuổi này, giáo viên cần nghiên cứu nhiều hơn về các giáo trình khác và các phương pháp đặc biệt khác cho trẻ.  Cụ thể là nên cho trẻ học về cảm thụ âm nhạc trước khi bắt đầu vào học chơi đàn. 

4. Trình độ chuyên môn và có sư phạm: 

– Trình độ chuyên môn là điều mà đa số các bạn giáo viên trẻ đều có, ngược lại trình độ sư phạm là yếu tố còn rất thiếu trong hấu hết lực lượng giáo viên trẻ tại thành phố HCM.  Một nghệ sỹ Piano xuất sắc không hẳn là có thể giảng dạy được tốt.  Ngược lại, một người giáo viên giỏi cũng không hẳn là người chơi Piano quá tuyệt vời.  Nhưng khi đã lựa chọn việc đi dạy, giáo viên cần hiểu và biết cách truyền đạt kiến thức đến đối tượng sao cho trôi chảy và dễ dàng.  Vì cách giáo viên học và hiểu sẽ không giống với cách học sinh hiểu.  Trình độ sư phạm còn phụ thuộc vào các phương pháp của giáo viên có tính khoa học và rõ ràng cụ thể hay không. 

Cách đây 1 tuần, tôi nhận được chia sẻ từ một bạn đồng nghiệp.  Bạn kể rằng phụ huynh đã kỳ kèo với bạn về giá học phí Piano hơi cao khi bạn lấy 150.000 VNĐ/60 phút trong khi có một bạn khác chỉ lấy 100.000 VNĐ/60 phút.   Cô bạn đồng nghiệp này sau khi giải thích vì sao lấy giá như vậy thì chỉ nhận lại được một câu ngắn ngủi đại loại như, “để chị tính xem thế nào!”.   Sau một tuần suy nghĩ, cô bạn đồng nghiệp của tôi đã nhận lời dạy với mức giá 100.000/1h30 phút….

Nhận được một câu chuyện như vậy từ bên kia bờ đại dương, tôi chỉ biết suy nghĩ.  Phải chăng phụ huynh đặt nặng vấn đề tiền bạc đến như thế khi cho con cái mình đi học Piano? Phải chăng giáo viên phải dạy ở mức giá 100.000 như thế để cạnh tranh với nhau sao? Phải chăng chất lượng của buổi học và cái tâm của người thầy không còn là điều quan trọng trên hết nữa sao? 

Mong rằng bài viết này có thể đến được với các bạn phụ huynh.  Hy vọng qua bài viết này mọi người sẽ có một cái nhìn tổng thể hơn về việc tìm kiếm giáo viên phù hợp cho con em mình. 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!