Phương pháp Suzuki – Làm thế nào để thực hiện hiệu quả?

Phương pháp Suzuki đặc biệt chú trọng khai triển một ý niệm cho rằng tất cả mọi trẻ em đều có tài năng, và tài năng này có thể được phát triển và nâng cao thông qua một môi trường khuyến khích và bồi dưỡng.  Không ai có thể định trước tài năng của một đứa trẻ mà chỉ có thể nhận biết được tài năng của nó trong khuôn khổ là tài năng ấy có cơ hội để phát triển hay không, hay là lại để hao phí. Thế nên, trong mỗi đứa trẻ (nếu nó không bị ngăn trở bởi khuyết tật về cơ thể hoặc về tâm thần) đều có một “thiên tài tiềm ẩn” hoặc khả năng “lĩnh hội tối đa” sự vật. .

(giaidieuxanh.com)

Khoảng nửa năm về trước, mỗi buổi chiều tôi thường dành rất nhiều thời gian để ở lại trường và soạn giáo án cho lớp 1.  Đôi khi tôi tự đóng vai mình là các em, ngồi ở hàng ghế dưới và tưởng tượng ra cô giáo (cũng là tôi) đang hoa tay múa chân trên bảng.  Đôi khi tôi tự nghĩ mình là các em và chơi trò chơi mình sáng tạo ra, rồi ngồi xuống rút kinh nghiệm xem cần hoàn thiện cái gì nữa để nó tốt hơn và hấp dẫn hơn.  Đến một ngày…

Tuần lễ đó trong kế hoạch học tập, học sinh lớp một của tôi sẽ học một bài hát kèm theo động tác múa đội hình vòng tròn.  Mặc dù đã vận động hết năng suất cho sự sáng tạo của mình, nhưng tôi vẫn bị kẹt trong lối mòn đó là sử dụng phương pháp trình bày để hướng dẫn các em các động tác múa, và phương pháp truyền thống này đã phát huy tối đa tính tiêu cực vốn có của mình.

Một buổi học ở lớp khác, khi dần cảm thấy không khí lớp học bắt đầu vuột xa khỏi tầm tay của mình, tôi chợt nghĩ đến một cách – Trẻ em có khả năng quan sát và cảm thụ sự vật, sự việc rất tốt, vậy tại sao không yêu cầu chúng quan sát các chuỗi động tác và đưa ra nhận xét? Ý nghĩ thoáng xuất hiện rất nhanh trong đầu và tôi đã chớp lấy chúng.  Nhanh chóng, cả lớp được tôi đặt ra một thử thách (vì chúng rất yêu thích các thử thách) đó là: Quan sát các động tác múa tôi thực hiện và trả lời các câu hỏi của tôi sẽ đưa ra ngay sau đó.  Căn phòng với 20 cặp mắt yên lặng dõi theo tôi, không một tiếng động nào vang lên.  Khi vừa kết thúc, tôi bắt đầu đặt các câu hỏi và chính các câu hỏi này đã vô tình giúp chúng vừa hình dung lại mọi thứ trong não bộ, vừa tác động đến trí nhớ của chúng.  Cuối cùng, khi hỏi bạn nào có thể múa làm mẫu lại cho cả lớp xem các động tác như cô vừa làm, rất nhiều học sinh đã xung phong giơ tay và trong vòng 1 tuần sau, tất cả đều đã có thể múa bài hát tương đối khá tốt.

6 tháng sau, khi vô tình nghĩ đến buổi học đó, tôi đột nhiên nhớ đến phương pháp của Shinichi Suzuki.  Với quan điểm âm nhạc phải được cảm thụ trước khi được thực hành, tôi và người nghệ sỹ quá cố đó dường như đã vô hình kết nối được với nhau trong một khoảnh khắc nào của các ý niệm.  Theo tôi, phương pháp Suzuki chủ yếu tập trung vào sự phát triển tính nhạc bên trong một đứa trẻ và từ đó nuôi dưỡng những khả năng liên quan điến âm nhạc như là nhịp phách, cao độ, âm sắc….cho đứa trẻ đó một cách tự nhiên và thuần túy nhất.  Phương pháp này có thể là con đường tốt nhất giáo viên có thể lựa chọn để thực hiện môn Cảm thụ âm nhạc, nơi những tâm hồn trẻ thơ được dẫn dắt bằng âm nhạc.  Phương pháp Suzuki cũng rất lý tưởng để sử dụng cho việc giảng dạy môn Âm nhạc cho cấp bậc Tiểu học.  Nhưng, để sử dụng sao cho phát huy được hết tính hiệu quả của nó, giáo viên cần kết hợp một số phương pháp khác và thực hiện theo một số bước căn bản sau:

Blog.Uhm.vNBước 1: Chia bố cục bài giảng làm ba phần gồm: Làm mẫu – Đặt câu hỏi/Trả lời – Thực hiện

Nếu thiếu một trong ba mục này, phương pháp Suzuki không thể hoàn thiện. 

Blog.Uhm.vNBước 2: Chọn nội dụng thực hiện.

Blog.Uhm.vNBước 3: Soạn khoảng 3 đến 5 câu hỏi cụ thể xoay quanh nội dung đó.

Đây là bước “đinh” của toàn bộ phương pháp.  Nội dung các câu hỏi phải thể hiện được tối đa thông điệp giáo viên muốn truyền đạt đến học sinh.  Nếu như tác phẩm đó thể hiện một con mèo, thì câu hỏi nên hướng đến cảm nhận về con vật này.   Tránh các câu hỏi ngoài luồn, ít liên quan, vô tình dẫn học sinh đi sai hướng. 

Blog.Uhm.vNBước 4: Tập luyện việc thực hiện nội dung chính xác và đầy đủ nhạc cảm. 

Mấu chốt quan trọng của phương pháp này là thời điểm học sinh lắng nghe, cảm nhận, quan sát nội dung bài học từ phía giáo viên.  Giáo viên thực hiện càng chính xác bao nhiêu thì học sinh càng cảm thụ sâu sắc bấy nhiêu. 

Blog.Uhm.vNBước 5: Thực hiện toàn bộ quá trình

Ở mục làm mẫu, giáo viên nên thực hiện ít nhất 2 lần.  Lần đầu học sinh cảm nhận bằng thính giác và lần thứ hai học sinh cảm nhận bằng cả tri giác, thính giác và thị giác.

Ở mục hai, giáo viên đặt ra các câu hỏi liên qua đến cảm nhận thính giác như: Nhịp điệu bài nhanh hay chậm, âm điệu buồn hay vui, giai điệu có chỗ nào đặc biệt, vv….vv…. Cũng ở mục hai, giáo viên có thể chơi mẫu một câu nhạc đặc biệt trong bài và yêu cầu học sinh chơi lại giống như vậy (câu nhạc thể hiện ý nghĩa nào đó của cả tác phẩm) mà không cần phải đọc nốt nhạc.  Đây là điểm đặt biệt của phương pháp Suzuki.

Ở mục thực hiện, tùy theo trình độ học sinh giáo viên có thể cho học sinh đọc nốt hoặc không đọc nốt để tập luyện.  Nếu như đã đọc được nốt, học sinh nên bắt đầu tập từ đoạn KHÓ NHẤT với cách truyền thống là đọc nốt và tập từng tay.  Nếu học sinh chưa học đọc nốt, giáo viên có thể chia ra bài hát ra từng câu và tập theo kiểu học vẹt với học sinh.  Giáo viên không nên lo lắng kiểu học này sẽ khiến học sinh mất đi khả năng đọc của mình, bởi vì phương pháp Suzuki chú ý hướng tới việc phát triển tính nhạc cảm, nhân cách của trẻ chứ không phải phát triển về kỹ thuật trong âm nhạc. 

Mặc dù còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên thế giới về cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em, nhưng phương pháp Suzuki trong nhiều năm qua đã cống hiến cho xã hội và nền giáo dục âm nhạc rất nhiều những thành quả tốt đẹp.  Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều hơn nữa những phương pháp giáo dục âm nhạc được ra đời với mục đích đem lại một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc cho trẻ em như phương pháp của nhà giáo dục âm nhạc Shinichi Suzuki đã từng làm. 

Trên đây là những quan điểm của tôi được rút ra từ chính các trải nghiệm của mình trong quá trình giảng dạy.  Tôi rất mong được lắng nghe những ý kiến từ các bạn đồng nghiệp đã có kinh nghiệm trong giảng dạy phương pháp này. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!