“Tất cả những người thông minh không nhất thiết phải là những người chơi nhạc, nhưng tất cả những người chơi nhạc rõ ràng là những người rất thông minh.”
Chúng ta đều biết âm nhạc đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển trí não của trẻ em. Các công trình nghiên cứu từ Âu đến Á đều chứng minh một quan điểm: Giáo dục âm nhạc từ những giai đoạn thơ ấu góp phần cho sự phát triển trí não của trẻ em ở giai đoạn trưởng thành.
Bên cạnh khả năng tư duy nhạy bén, chỉ số thông minh vượt trội, những đứa trẻ khi tiếp xúc với âm nhạc từ 3 tuổi đều nhận được những kết quả học tập tương đối khá tốt ở trường cũng như có một cuộc sống vui vẻ và tích cực khi trưởng thành.
Trong nội dung bài viết hôm nay, tôi sẽ giải đáp một trong rất nhiều câu hỏi từ các phụ huynh: “Vì sao trẻ nên học nhạc?”
1. HỌC TỐT TIẾNG ANH
1.1 Khả năng đọc và nhận định
Trong quá trình học chơi một nhạc cụ, đọc là một hoạt động lập đi lập lại trong suốt thời gian học tập. Đọc nốt nhạc, đọc tiết tấu, đọc lời hát và ngay cả đọc các phím đàn, những hoạt động này đều mang tính thúc đẩy trẻ phát triển khả năng đọc hiểu, nhận định – điều cần thiết cho những trẻ bắt đầu bước vào đổi tuổi đến trường. Có thể nói, đọc là một trong những yêu cầu cần phải có khi trẻ bắt đầu học một ngôn ngữ, kể cả Tiếng Anh hay Tiếng Việt.
1.2 Khả năng lắng nghe
– “Bởi vì âm nhạc là sự lắng nghe, giáo dục âm nhạc nên bắt đầu bằng sự trải nghiệm với những âm thanh.” – Professional Piano Teaching Vol.1. Để chơi một bản nhạc thật chính xác và thật hay, lắng nghe là một trong những hoạt động đòi hỏi trẻ luôn phải thực hiện không ngừng. Không nhiều phụ huynh biết rằng, nhờ thói quen lắng nghe cẩn thận từ trong quá trình học chơi nhạc cụ, khả năng lắng nghe những “nhịp điệu” từ một ngôn ngữ mới của trẻ sẽ được hình thành. Có thể nói, cảm nhận được “nhịp điệu” của một ngôn ngữ, chính là một trong các bước đầu tiên để học tốt được ngôn ngữ đó.
Video nhàm chán 2 phút này sẽ cho bạn thấy hai “nhịp điệu” khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Nhật.
1.3 Khả năng ghi nhớ
– Học chơi một nhạc cụ là một trong những lựa chọn tuyệt vời nhất để cải thiện khả năng ghi nhớ của con người, đặc biệt với độ tuổi trẻ em và người lớn tuổi. Sự ghi nhớ có chú ý này diễn ra đặc biệt trong khoảng thời gian trẻ em học chơi Piano hoặc Guitar, quá trình này cũng diễn ra tương tự trong thời điểm trẻ em sử dụng khả năng ghi nhớ cho các môn Tiếng Anh và Toán Học. Trong đó, Tiếng Anh là một môn học mà trẻ cần rất nhiều bộ nhớ cho rất nhiều thứ ví dụ như từ vựng, ngữ pháp, vv…vv….
2. CẢI THIỆN ĐIỂM SỐ MÔN TOÁN HỌC
– “Sự ảnh hưởng của Mozart” là một công trình nghiên cứu được nhiều nhà khoa học trên thế giới chứng minh rằng: Điểm số bài thi môn Toán của trẻ sẽ cao hơn khi chúng nghe nhạc Mozart trong quá trình làm bài. Nếu vậy, khi học chơi một nhạc cụ, trẻ có nhận được lợi ích tốt như vậy không?
2.1 Khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề
– Tư duy logic là một hoạt động trí não được sử dụng thường xuyên trong quá trình tập luyện một nhạc cụ, đặc biệt là đàn Piano. Sự chuyển động phức tạp của các thế bấm ngón tay trong các bài luyện gam, sự chính xác trong cao độ nốt nhạc của hai khóa nhạc khác nhau, hay độ rơi hoàn hảo của một tiết tấu từ hai bàn tay sao cho âm nhạc vang lên thật vừa vặn, vv…vv… rất nhiều những rắc rối phát sinh trong quá trình học tập này đòi hỏi trẻ phải tập luyện khả năng tư duy logic của mình để có thể giải quyết từng vấn đề một. Khi mâu thuẫn thật sự xuất hiện, thì sự phát triển mới có thể xảy ra. Đây là cách con người lớn lên.
2.2 Khả năng tập trung cao trong thời gian dài
– Kiên trì là một đức tính không thể thiếu của những người chơi nhạc. Như những thói quen khác, trẻ em khi tập luyện khả năng tập trung trong quá trình học đàn dần sẽ có được tính cách kiên trì nhẫn nại trong cuộc sống. Khả năng tập trung còn giúp trẻ đạt được những kết quả tốt trong các môn học đòi hỏi khả năng tập trung cao như Toán học, Khoa học hoặc Hội họa.
3. HAM THÍCH HỘI HỌA
– “Cầm – Kỳ – Thi – Họa” là 4 chữ Hán đứng với nhau tượng trưng cho 4 thú vui tao nhã của người xưa. Trong đó “Cầm” ở đầu và “Họa” đứng cuối, như thể hiện rằng một người đã biết đàn thì ắt sẽ hay vẽ. Điều này đúng như thế nào?
3.1 Khả năng sáng tạo
– Sáng tạo là điểm đến cuối cùng của một người chơi nhạc thực thụ. Để thể hiện được một giai điệu vang lên từ bên trong mình, người chơi nhạc sẽ phải giải phóng hết tất cả những rào cản giới hạn tâm trí của họ để thoải mái nghĩ đến và đàn như những gì họ muốn. Khả năng sáng tạo này rất giúp ích cho trẻ trong các môn nghệ thuật khác như Kịch hoặc Múa. Tập luyện khả năng sáng tạo còn giúp trẻ phát triển tối đa khả năng tưởng tượng và hình dung, một trong các kỹ năng cần thiết cho bộ môn Hội họa.
KẾT
Bên cạnh những điều đã được trình bày ở trên, học chơi một nhạc cụ còn đem đến rất rất nhiều những lợi ích khác cho trẻ ở trường như là khả năng làm việc nhóm, tư duy nhạy bén, phản xạ nhanh trước tình huống, hoặc khả năng làm việc liên đới giữa mắt và tay, thói quen tuân thủ các nguyên tắc và giữ kỷ luật hay những lợi ích khác về mặt tinh thần như có một tâm trí tích cực, khỏe mạnh, vui vẻ, hạn chế sự tự ti, củng cố sự tự tin….vv…vv….Các lợi ích này đều được hình thành trong quá trình trẻ tham gia học một nhạc cụ ít nhất là hai đến ba năm đầu đời.
Ở điều kiện lý tưởng, các nhà nghiên cứu giáo dục đều nhận thấy đa phần số trẻ tham gia các lớp học nhạc ngoài giờ lên lớp đều có điểm số tốt hơn những trẻ không tham gia. Nhưng! Mỗi cá thể là một thế giới khác biệt. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, mỗi cá thể là một thế giới khác biệt. Một số trẻ sẽ nhận được rất nhiều ảnh hưởng tích cực từ việc tham gia học chơi một nhạc cụ, một số trẻ sẽ chỉ nhận được một chút. Một số sẽ rất phát triển về mặt nào đó, một số lại nổi trội về một lĩnh vực khác. Khi làm giáo dục với trẻ em, tất cả những định nghĩa đều mang tính tương đối.
Tuy là vậy nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của âm nhạc trong sự đóng góp cho sự phát triển trí não của con trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy tác dụng tuyệt vời trong việc sử dụng âm nhạc để chữa trị cho các bệnh nhi có dấu hiệu bệnh tự kỷ hoặc tăng động. Nếu như âm nhạc thực sự hiệu nghiệm đến vậy cho những đứa trẻ đặc biệt, nó không thể không có tác dụng gì cho con em chúng ta.
Hy vọng mỗi phụ huynh, khi dẫn trẻ đến trước cửa lớp nhạc, đều thầm nguyện và mong chờ sự phát triển tốt đẹp sẽ xảy ra bên trong trẻ, dưới những ngón tay bé nhỏ kia, chứ không chỉ chăm chăm vào những thành quả thể hiện ra bên ngoài mà vội vàng xét đoán.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.