Hansa của tôi là một cô bé Ấn Độ rất dễ thương và thông minh. Chúng tôi thường hàn thuyên với nhau đủ thứ chuyện, dù có mấy chuyện chẳng liên quan gì đến âm nhạc và đến đàn. Trong những câu chuyện Hansa kể với tôi, trí tưởng tượng của cô bé là thứ gì đó khiến tôi luôn tò mò và thích thú. Gặp nhau tại buổi học đầu tiên, tôi đã ghi chú đặc biệt trong phần tính cách của Hansa là: Khả năng sáng tạo rất phong phú.
Bởi vì thế, tôi muốn Hansa sẽ thể hiện được nhiều hơn nữa khả năng đang tiềm ẩn của mình và một trò chơi nhỏ kích thích cho sự sáng tạo đã ra đời.
Trước đây tôi từng nghĩ, với những người học nhạc lâu năm, sáng tác nhạc sẽ không có gì là khó, nó chỉ phức tạp với những người vừa mới bắt đầu chơi nhạc. Nhưng sau này khi đọc nhiều tài liệu về giảng dạy Piano cho trẻ em của các giáo viên nước ngoài, rất nhiều ý tưởng khuyến khích nên cho trẻ học cách sáng tác nhạc và tập luyện làm điều đó từ khi còn nhỏ. Một trong nhiều người đã tổ chức rất thành công các buổi trại – sáng tác mà tôi biết là chị Joy Morin, một giáo viên dạy Piano ở Mỹ . Các bạn có thể tham khảo bài blog của chị về trại – sáng tác năm 2016 ở đây: Composition Summer 2016
Một nhạc sĩ hiện đại rất nổi tiếng với những ca khúc nhạc phim bất hủ của ông đã khiến tôi mê mẩn khi còn bé và cho đến bây giờ vẫn còn say mê, Alan Menken, người đứng đằng sau hầu hết những ca khúc viết cho các phim hoạt hình nổi tiếng của Disney , đã bắt đầu thực hành việc sáng tác nhạc năm ông mới 9 tuổi.
Tôi trộm nghĩ, có phải chăng nhà chính trị gia nổi tiếng Benjamin Franklin đã nói rằng: “Nói tôi nghe, tôi sẽ quên. Dạy tôi biết, tôi có lẽ chỉ nhớ. Cho tôi làm, tôi chắc chắn sẽ hiểu.”, là rất chính xác về quá trình học tập của một con người chăng?
Mọi dẫn nhập ở trên nghe có phần đao to búa lớn còn chia sẻ của tôi trong tip số 21 này chỉ đơn giản là một trò chơi rất nhỏ chúng ta có thể sử dụng vào đầu buổi học với các bạn học viên nhỏ tuổi.
Cách thực hiện:
– Học viên và giáo viên cùng ngồi trên đàn. Giáo viên nên ngồi ở khu vực âm thấp và học viên ở khu vực âm cao.
– Giáo viên chơi một tiết nhạc hoàn chỉnh khoảng 2 ô nhịp 2/4.
– Học viên chơi lại tiết nhạc của giáo viên vừa mới chơi và chơi thêm một phần mới của học sinh.
– Giáo viên lặp lại phần học sinh vừa chơi và sau đó là một tiết nhạc khác.
– Quá trình sẽ tiến hành như vậy cho đến khi giáo viên thấy học sinh hết ý tưởng thì có thể dừng lại.
Lưu ý: Trò chơi nhỏ chỉ nên kéo dài trong khoảng 2 đến 3 phút tùy thuộc khả năng của học sinh.
Một trích đoạn từ trò chơi nhỏ tôi và Hansa cùng chơi vào đầu một buổi học…
Lợi ích đầu tiên của trò chơi có thể dễ dàng nhìn thấy nhất là rèn luyện khả năng ghi nhớ của học sinh. Lợi ích tiếp theo đó là củng cố khả năng nghe và bắt chước, một trong những kỹ năng cần có của những người chơi nhạc. Và lợi ích cuối cùng là phát triển khả năng tư duy sáng tạo của trẻ.
Mong rằng tip số 21 này cũng đã chia sẻ đến các bạn đồng nghiệp một số những thông tin hữu ích cho phương pháp giảng dạy của mọi người. Chúc cho chúng ta sẽ luôn có những tiết học thật vui, thật bổ ích và đầy sáng tạo.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Cảm ơn bài viết của Ngân. Hoạt động “ghi nhớ, lặp lại & sáng tạo” này rất đơn giản – giáo viên nào cũng có thể thực hiện được trong giờ học của mình em ạ. Hansa mấy tuổi rồi Ngân nhỉ? Ngoài áp dụng hoạt động này với Hansa, em đã thử áp dụng với các học viên khác chưa? 🙂
Ah! Em chào chị Hải Châu 😀
Trong thời gian sắp tới có thể em sẽ thử chơi với học viên mới em sắp nhận vào tháng 7. Hiện tại Hansa vừa 8 tuổi, cô bé rất thích lý thuyết âm nhạc và thích những cuộc thi. Cuối tuần sau cô bé sẽ thi chứng chỉ ABRSM Grade 1 ở Ấn Độ á chị. Chị Châu có kinh nghiệm nào giảng dạy về lý thuyết âm nhạc chỉ lại cho em với 😀