Con không cần nói đâu!

          Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào một ngày đẹp trời tháng 8.  Băng ngang qua những dãy nhà cao tầng của một Seoul hiện đại, tôi gom hết tất cả bầu không khí trong lành của một buổi sáng với niềm tin rằng cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ rất tuyệt vời.   

Tiếng chuông điện tử vang lên, cánh cửa tự động mở chầm chậm, đâu đó trong căn phòng  âm thanh của hai đứa trẻ đang cãi nhau, một trai và một gái.   Vài giây sau, tôi gặp chúng, Don 9 tuổi và Jin 6 tuổi.  Cả hai đứa trẻ đều có khuôn mặt rất đậm nét Châu Á và khá thông minh, nhưng tôi để ý Jin có gì đó hơi e ngại khi giao tiếp với tôi.   

Sau khi kết thúc buổi học thử (trial lesson) với Don, tôi biết mình sẽ phải đối diện với Jin ngại-ngùng trong 30 phút tới.  Tôi nhanh chóng chuẩn bị tâm lý của mình và cũng chuẩn bị tất cả những tư liệu giảng dạy đã mang theo, một bản nhạc con bé có thể tự sáng tác mà tôi đã cất công chuẩn bị cả hai tiếng đêm hôm trước , một tập sticker dày cộm và một cái Ipad.  Tôi tự tin với sự chuẩn bị kỹ càng này, con bé sẽ có một tiết học thử đầy thú vị.  

Mười phút đã trôi qua, Jin vẫn không muốn rời mẹ để đến chỗ tôi và cây đàn Piano.  Cho đến khi mẹ cô bé dẫn cô đến tận nơi ghế đàn, Jin mới ngồi xuống, một cái ngồi hời hợt như mông của con bé không hề chạm mặt ghế và nó có thể bay đi khỏi nơi đó bất cứ lúc nào nó muốn.  

Tôi bắt đầu hỏi Jin những câu hỏi về sở thích, nó nhìn tôi, ánh mắt lạ lẫm, không trả lời một từ nào.  Tôi hỏi một câu dễ hơn, lần này Jin từ chối luôn ánh mắt của tôi, nó chỉ nhìn xuống những phím đàn trắng đen, mười ngón tay buông thõng.  Mẹ Jin nói một chút gì đó bằng ngôn ngữ địa phương, rồi cô bé cũng đáp trả lại mẹ bằng một chút gì đó thì thầm trong miệng.  Mẹ Jin buộc miệng nói với tôi: “She just speaks a very tiny of English so…” 

Tôi hoang mang, tôi sụp đổ.  

Lúc đó vừa dở khóc vừa dở cười.  Bao nhiêu kế hoạch tôi vạch đã bể bụp bụp như những bong bóng xà phòng, tan vào không khí, không để lại dấu vết.  Tôi chỉ kịp thốt lên một câu tủn mủn: “Oh! Really?!?”

“Yes! And the old teacher of them was an old woman, she was almost 60 and she was very strict.  She always yelled at her and it made her scared…”

(Tạm dịch: Vâng! Và giáo viên trước của hai đứa là một người phụ nữ đã rất lớn tuổi, bà ấy dạy đàn rất là nghiêm khắc.  Bà ấy luôn la mắng Jin và làm cho con bé thấy sợ…)

Cứ những tưởng đến thế là hết rồi, cứ tưởng rằng tôi và Jin sẽ không biết làm sao để giao tiếp được với nhau nữa vì bức tường ngôn ngữ và tổn thương đã ngăn cách chúng tôi.  Nhưng những bữa học tiếp theo sau đó đã diễn ra rất ly kỳ và thú vị… 

Buổi học thứ 4, Jin được học về nốt đen bằng tiếng Anh.  Tôi chỉ vào một nốt đen trong sách bảo, “Repeat after me! Quarter note!” – Jin lắc đầu, nó không muốn đọc lại theo tôi.  (Thật lạ là Jin có thể hiểu được tiếng Anh nhưng lại không muốn đọc tiếng Anh). Tôi nhắc lại lần nữa, “Now! Let’s say it!” Quarter note!” – Jin cũng thể hiện y như lần trước, lần này lông mày nó nhíu lại như ra chiều rất căng thẳng… 

=> Với trẻ 6 tuổi ngại nói tiếng Anh như Jin, dường như tôi đã dùng sai phương pháp khi bắt con bé lặp lại theo mình.

Buổi học thứ 5, tôi chuẩn bị hai tấm thẻ Quarter note và Half note to cỡ một bàn tay trẻ con, chữ in rõ ràng, hình vẽ sáng sủa.  Đặt trước mặt Jin, tôi nói, “This is Quarter note and Half note.  Quarter note is a black circle and a line, Half note is a white circle and a line.”  Jin nhìn cả hai tấm thẻ được đặt trên đàn khoảng 2 giây, tôi nói tiếp “Ok! Now, show me which one is the Quarter note?”, Jin chỉ vào hình nốt đen.  Tôi lại hỏi tiếp, “And which one is the Half note?”, Jin chỉ vào hình nốt trắng.  “Amazing! Great! You got it!” – Tôi thốt lên. 

=> Thay vì yêu cầu con bé phải đọc, tôi khích lệ con bé giao tiếp với tôi bằng những cử chỉ.  

Cũng trong buổi học thứ 5, tôi yêu cầu Jin vẽ các nốt đen và trắng lên giấy, con bé làm rất tốt.  Tôi nói tiếng Anh, Jin chỉ hồi đáp bằng hành động.  Con bé không “yes” cũng không “no”.   

=> Jin không cần nói, vì tôi có thể giao tiếp với nó bằng những cách khác, như bằng một cái đập tay khi nó thực hiện chính xác một yêu cầu, hoặc là một cái gật đầu khi nó đồng ý với tôi về điều gì đó. 

Suốt hơn nửa tháng, chúng tôi chỉ giao tiếp với nhau như vậy, cho đến khi… 

Buổi học thứ 7, tôi biết đây có thể là thời điểm vàng để tôi thực hiện thuyết âm mưu của mình.   Vì đến lúc này, Jin đã bắt đầu cười và thể hiện sự thích thú khi học Piano với tôi, một trong những thứ vô cùng hiếm hoi trong những tuần trước.  Tôi cầm tấm thẻ nốt đen lên và hỏi, “What is this note, honey?”, “Quarter”, với chữ Q hơi lọng ngọng, “Wow! Excellent!” tôi thốt lên.  Và cứ như thế, Jin trả lời tôi lần lượt các hình nốt nhạc đã được học, cũng như là 6 tên nốt nhạc tôi đã dạy con bé cách trơn tru đến bất ngờ. 

=> Tôi nhận ra Jin đâu cần lặp lại theo tôi mà con bé vẫn có thể nhớ những âm thanh mà tôi đã nói.  Jin cần thời gian để mở lòng với tôi, để cảm thấy được thoải mái khi ở bên tôi.  Và thay vì bắt buộc Jin phải nói, phải “dạ” khi tôi hỏi hoặc là một cái gì đó khác, tôi vẫn có thể bước vào thế giới của nó thật nhẹ nhàng.  Càng ít cứng nhắc và bảo thủ bao nhiêu, tôi càng dễ đến gần Jin bấy nhiêu. 

“Tạm biệy Jin, hy vọng những gì đã xảy ra trong các buổi học Piano sẽ luôn ở lại trong tâm trí con như là những kỷ niệm thật đẹp…”

                                                                                             Nhật ký của một cô giáo dạy Piano.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!