“Nơi nào chỉ dành cho hai người?” (done)

Một chiều thứ hai cuối năm, tôi vội vã rời khỏi nhà để bắt chuyến tàu đến Sinchon cho kịp tiết dạy Piano lúc 3 giờ 30. Trời mùa đông lạnh tê tái, hai bàn tay của tôi nằm gọn lỏn trong túi áo phao. Những gương mặt xa lạ dần lướt qua, bước chân tôi mau chóng chìm vào dòng chảy siêu tốc của những chuyến tàu trong lòng thành phố Seoul. Trong cái rãnh khoét túi hôm ấy có một cây Kẹo KitKat và hai quả quýt nhỏ anh để vào sáng hôm nay. Riêng cái ba lô đeo lưng thì chẳng có miếng bánh kẹo nào vì bên trong chỉ toàn đồ chơi cho buổi dạy Piano với bọn trẻ. Tôi miên man nghĩ đến chúng khi mắt treo trên những cửa sổ kính đang ào ào vụt qua, Julius và Wies, xém một chút là nhỡ ga. Khoảng hơn một giờ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, trạm dừng chân cuối cùng của tôi là một con dốc dài và thoai thoải cao dẫn đến “Forest Hill” thơ mộng. Những ngôi nhà nằm trong khu khuôn viên này đều mang một vẻ đẹp rất cổ điển của vùng ngoại ô nước Pháp. Với mảnh vườn nhỏ của những bụi hoa li ti, những ô cửa sổ rèm buông hững hờ khuất sau hàng dây leo. Hàng tá những chi tiết mỹ miều ấy có thể làm siêu lòng bất kỳ vị lãng khách nào chợt ghé ngang “Forest Hill”. Rẽ trái, tôi bước vào khoảng sân nhỏ với chung quanh là đủ thứ các đồ chơi bằng nhựa nhiều màu nằm cỏ. Góc phải sân là một chiếc cầu tuột be bé, bên dưới chân cầu tuột là một pháo đài được đóng từ những chiếc hộp cạc – tông tái chế. Gần phía tay trái của tôi là một ụ cát có hình như toà lâu đài cao vút của cô công chúa tóc vàng. Bước gần hơn phía cánh cửa kính, có một nàng công chúa bằng người thật đang ngồi bệt trên sàn nhà. Khuôn mặt nàng chăm chú nhìn vào tác phẩm hội hoạ của mình, ngón tay bé xíu của nàng đang cầm một lúc 2 cây chì màu. Trầm ngâm, dường như một ý tưởng nào đó vừa rời nàng mà bay đi mất… Nàng vô tình nhìn thấy tôi, một kẻ hèn mọn đang lén nhìn từ xa. Đôi mắt nàng bỗng rạng rỡ. Rồi nàng nhoẻn mỉm cười. Nàng đưa tay đẩy lên một lọn tóc vàng xoăn tít vừa rớt xuống chán và đứng dậy. Chạy đến chỗ cánh cửa kiếng, bàn tay bé xíu của nàng đẩy cánh cửa, và nàng cất tiếng: -Hi!… Đó chính là em gái của Wies, một trong những thiên thần nhỏ nhất của tôi.

        Wies – cái tên thật đẹp.  Nghe như cách người ta gọi vì sao lấp lánh nào đó trong dãy ngân hà.

Wies chỉ cao cỡ bằng một cái bàn máy may, con bé năm nay tròn ba tuổi.  Tất cả về nó đều đáng yêu và dễ thương đến kỳ lạ.  Đôi mắt, mái tóc, những ngón tay nhỏ, và cả tiếng cười giòn giã ấy mỗi khi chúng tôi làm gì đó hài hước với nhau.  Tôi thực sự phải lòng con bé.

Những lúc tôi dạy cho anh hai, Wies hay ngồi chơi ngoài sân với đất cát và với vô số các thứ đồ chơi bằng nhựa lăn lóc trên sân.  Hai anh em chúng cũng tạo một nơi ẩn náu bí mật bằng các tấm mút sofa lắp dọc cầu tuột như một pháo đài đồ chơi hệt như trong các bộ phim hoạt hình của Walt Disney.  Trước buổi học hôm qua, Jun dắt tay tôi ra chỉ cho tôi thấy nơi ẩn náu bí mật của chúng.

Tôi và Jun ngồi với nhau một buổi học 45 phút, chốc chốc, Wish lại chạy vào nhà.  Con bé lướt ngang chúng tôi, xòe mười ngón tay ra và cười nắc nẻ:

– Nhìn nè! Con có cát trên tay nè!

– Tuyệt! Con có định đi rửa sạch tay mình không nhỉ?

– Vâng…Con có bánh kem cho cô ấy! Nó ở ngoài sân ấy!

– Oh, thật chứ! Điều đó nghe ngọt ngào làm sao.  Một lát nữa con dẫn cô ra xem nhé!?

– Vâng ạ!

Đến lượt Wish và tôi.  Mười lăm phút chú tâm ngồi với nhau nhanh như một màn lướt điện thoại.  Cách đây bốn tuần, chúng tôi học hai phím đen và ba phím đen, nhưng không thành công.  Đơn giản là vì con bé không phân biệt được.  Với nó, hai phím đen nằm kế nhau cũng như hai phím đen nằm kế một phím đen.  Có gì khác? Vậy là, tôi thua trận trở về.

Tuy nhiên, ý chí mong muốn có thể giúp Wish phân biệt được hai phím đen của tôi thì lại nổi như cồn lềnh bềnh trên nước.  Vì thế tôi không muốn bỏ cuộc.  Sau hôm đó, tôi về nhà và tìm đọc rất nhiều tài liệu về dạy Piano cho trẻ mầm non.  Tôi đọc khi ngồi trên tàu điện ngầm, đọc lúc đứng trên xe bus và đọc ngay cả khi rảnh.  Rồi cái gì đó cũng đâm chồi, từ nơi sâu thẳm.

Hôm ấy trong túi đi dạy của tôi có ngựa và hưu cao cổ.  Chúng được mua tại một cửa hàng văn phòng phẩm gần khu chợ Dongdeamun.  Đôi bạn này nằm chung một nhóm với các bạn gấu trúc, voi con, heo con…được đóng gói sản xuất để làm đầu gôm Iwako của Nhật Bản.  Tôi mang ngựa và hưu cao cổ ra, đặt chúng trên các phím trắng của đàn, rồi bắt đầu câu chuyện với Wies:

Bé con à, hôm nay chúng ta có hai người bạn mới là ai đấy nhỉ?

– Ngựa và gà…

– À không phải, đây là hưu cao cổ.  Nói lại theo cô nào, hưu cao cổ.

– Hưu cao cổ!

– Tuyệt lắm! Con biết không, ngựa và hưu là hai người bạn chơi rất thân với nhau, vì thế lúc nào chúng cũng muốn ở bên nhau.  Con có thể đặt chúng gần nhau được không?

Wies từ tốn đặt hai con vật lại gần nhau.

– Con giỏi quá! Xem nào…để cô kể tiếp câu chuyện nhé! Một ngày nọ, ngựa và hưu muốn dọn về ở với nhau, vì thế chúng muốn tìm một ngôi nhà chỉ đủ cho hai người thôi….Ừm…khó nhỉ? Con có thể tìm một nơi nào đó trên các phím đen, một nơi chỉ đủ cho hai con vật này thôi không?

Wies cũng không nói gì, cầm hai con vật lên bằng những ngón tay bé xíu xiu, suy nghĩ một lát rồi để chúng lên hai phím đen Đô thăng và Rê thăng.

– Tuyệt vời quá! Con thật giỏi Wies ơi! Đập tay cô một cái nào!

Lúc này có lẽ tôi đã thấy lòng dạ rất sung sướng vì mục tiêu đã được bắn trúng đích, nhưng vì chắc chắn rằng con bé thật sự hiểu, tôi tiếp tục:

– Ừm…Tuy là vậy, Wies à, nhưng hai bạn ấy dường như không thích căn nhà này lắm.  Con có thể giúp ngựa và hưu muốn tìm một căn nhà khác, cũng là nơi đủ chỗ cho hai bạn ấy, con có thể giúp các bạn ấy tìm được một chỗ khác không?

Wies cũng vẫn không nói gì, con bé cầm hai con vật lên đặt vào nhóm ba phím đen.

Đúng như dự đoán của tôi, Wish vẫn nhập nhằng giữa hai phím đen và ba phím đen.  Nhưng thay vì bảo rằng con bé đã sai, tôi hướng cho nó nhìn sự vật theo một cách khác, một góc nhìn có thể cho nó động cơ để tư duy tốt hơn.

Oh…nhìn xem này, nơi này cũng tốt đấy, nhưng nó có đến ba chỗ, trong khi ngựa và hưu cao cổ chỉ cần 2 chỗ thôi…

Wies tự động cầm hai con vật lên và đặt vào một nhóm hai phím đen khác phía bên phải của đàn.

ngựa và hưu đã tìm được một căn nhà vừa vặn cho chúng
Tôi thể hiện sự mừng rỡ của mình mà chẳng hề muốn giấu giếm.  Cảm giác đó hệt như có hàng ngàn bông pháo nổ tưng bừng trong bầu trời đêm đen tối kịt.

Thay vì gạt tay và bảo rằng đó là đáp án không đúng, tôi đã đạt được mục đích học tập hữu hiệu hơn bằng cách đưa ra một vấn đề cho con bé giải quyết.  Đó là hình thức giảng dạy ứng dụng phương pháp giải quyết vấn đề, một phương pháp được sử dụng phổ biến trong dạy các môn khoa học.  Với tình huống này, phương pháp học tập bằng cách giải quyết vấn đề đã phát huy tính hiệu quả với Wies, khi con bé cần phải tư duy để tìm kiếm lời giải cho câu hỏi, làm sao để đặt hai con thú vào một nơi vừa vặn.

Nhưng câu chuyện vẫn tiếp diễn.

Tôi muốn kiến thức này sẽ in đậm vào trí nhớ của Wish, hai hoạt động khác đã được diễn ra đó là dán hình nhóm hai phím đen trên giấy và khoanh tròn nhóm hai phím đen.  Wish rất ngoan, con bé giúp tôi dán hai phím đen trên ba phím trắng để tạo thành các nhóm hai phím đen mặc dù hoạt động này cần nhiều sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.  Sau đó, tôi cũng “nhờ” con bé khoanh tròn các nhóm hai phím đen giữa các nhóm ba phím đen để kiểm tra khả năng nhận thức của nó đã thực sự phát triển hơn chưa.

– Đây là gì Wish? – Chỉ vào tờ giấy nhóm hai phím đen, tôi hỏi.

– Hai phím đen – Con bé trả lời nhanh như máy tự động.

– ….CÒN ĐÂY LÀ BA – PHÍM – ĐEN.

BA PHÍM ĐEN.  Ba từ đó bậc ra trên môi con bé.  Rõ ràng và rành mạc. Tôi đã bay vút lên cõi ngân hà với vận tốc của 1000 năm ánh sáng.

Ba từ này, tôi chưa từng gợi đến, song ở một chiều tư duy nào đó, Wish đã tự hình thành nên chúng từ sự tích góp những trải nghiệm con bé thu nhận được qua thông tin xung quanh.  Và đó là cách tri thức đã đi vào bên trong con bé.  Tự nhiên và cũng rất khoa học.

Về sau này, giảng dạy với phương pháp giải quyết vấn đề trở thành một trong những cách dạy mà tôi khá tâm đắt và sử dụng rất thường xuyên trong các tiết dạy.  Có một  lần trong một buổi hướng dẫn cho học sinh lứa tuổi trưởng thành về tư thế ngón tay để chơi điệu thức Đô Trưởng, thay vì đưa ra thứ tự ngón sẵn có, tôi chọn cách để cho các bạn ấy suy nghĩ một cách sắp xếp ngón mình cho là hợp lý nhất.  Khoảng thời gian tư duy đó đem đến cho tiết học một nguồn năng lượng sáng tạo vô cùng lớn.  Sau khoảng 10 phút, phải có ít nhất ba cách sắp xếp ngón tay để chơi điệu thức Đô Trưởng đã được đưa ra để bàn luận.  Tôi quan sát, lắng nghe các bạn trình bày, cũng như đưa ra những câu hỏi để giúp các bạn đối chiếu với nền tảng về kỹ thuật mà một cách xếp ngón cần phải có.  Cuối cùng, chúng tôi cùng nhau đi đến kết luận và ứng dụng ngay tại buổi học. Có lẽ, với cách tiếp cận này, thời lượng tiết học sẽ kéo dài hơn so với việc sử dụng cách thông thường và làm chậm tiến độ học tập.  Nhưng, lợi ích của nó đem đến cho người học lại là một món quà vô cùng giá trị cho cả về sau.   Đó chính là sự tư duy.   Trong học chơi Piano, thói quen tư duy trong quá trình tiếp nhận kiến thức không chỉ giúp người học có khả năng thực hiện được một khái niệm mà còn có khả năng làm chủ được nó.  Và học cách làm chủ, nghĩa là học cách để có thể tiếp tục tự dạy mình. Cảm ơn Wies, vì đã thôi thúc tôi tư duy, để có thể trở thành, một người học tập suốt đời.

08.10.2018

Nhật ký của một cô giáo dạy piano 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!