Một ngày tháng tư năm 2018, tiết trời Seoul se lạnh. Cách đây chừng hơn ba tuần trước, tôi còn mới chuyển đến Seoul để bắt đầu một cuộc sống mới thì hôm nay đã bắt một chuyến tàu xa để gặp mặt học sinh đầu tiên của mình tại nơi xứ sở xa lạ. Ngày nhận được tin nhắn hỏi thăm về quảng cáo dạy Piano tại nhà đăng trên một trang điện tử, tôi gật đầu đồng ý ngay, dù vẫn chưa hình dung được điều gì đang chờ đợi mình phía trước.
Khoảnh khắc ngồi trước màn hình máy tính đang mở sáng choang đó, tâm trí tôi chỉ có hai dạng suy nghĩ. Một là tiếp tục ở nhà, nhàn rỗi, tu luyện thêm anh văn và tìm kiếm một hình thức du học nào đó để chắp cánh tiếp ước mơ được khám phá. Hai là đón nhận công việc này, nhiều thử thách, song cho tôi một tinh thần thép để vượt qua những giới hạn trong giảng dạy âm nhạc. Nhìn chung cả hai lựa chọn ấy đều có thể giúp tôi bức phá để đi đến những chân trời mới, nhưng chẳng hiểu thế nào, tôi lại gõ vào phím “đồng ý” cho cái thứ hai.
Vì có lẽ…những tiết dạy, luôn là lúc tôi học được nhiều nhất.
Trưa hôm ấy chúng tôi ăn uống giản dị với canh đậu hủ và nấm. Rồi đi.
Ga Chemyoung nằm cách trung tâm thành phố Suwon khoảng hai ga tàu. Tiết trời của một mùa xuân muộn thổi lất phất những cơn gió se lạnh trên má tôi. Thức dậy sau giấc ngủ chập chờn trên băng ghế, tôi vẫn cảm giác như mình sắp phải bắt đầu tiết dạy vào lúc 12:30 như khi còn trở Wellspring.
chúng tôi vội vã đi về hướng cửa ra số hai để lên trên mặt đất của trạm dừng tàu điện. Tôi hồi hộp một chút, nhưng tự nhủ mọi thứ sẽ ổn thôi. Vừa bước ra khỏi trạm dừng, một người phụ nữ Ấn Độ đi về phía tôi, dáng người dong dỏng cao, mái tóc cắt chấm vai, cô cất tiếng hỏi:
– Em có phải là NaNa không?
– Đúng rồi. Là em đây! – Tôi mỉm cười trả lời.
– Ồh may quá! Tôi sợ em bị lạc…
Bên phải người phụ nữ là một cô bé khoảng 7 tuổi đang nhìn tôi với cặp mắt đẹp như những minh tinh màn ảnh Bollywood, đó là Hansa – định mệnh của cuộc đời tôi. Và người phụ nữ đang nắm tay Hansa chính là Mansi, một người phụ huynh rất đặc biệt.
…
Nếu như phải nói đến những yếu tố đã giúp Hansa đạt được thành quả trong học tập ngày hôm nay , tôi nhất định phải nói đến Mansi.
Trước đây tôi từng tiếp xúc với rất nhiều những phụ huynh khác nhau. Người khó chịu, người dễ dãi, người tính toán, người khắt khe…còn Mansi, tôi nghĩ đó là một người mẹ, một người phụ huynh lý tưởng.
Sáng thứ ba tuần trước, đang nấu ăn, tôi nhận được tin nhắn có vẻ vội vàng từ cô:
– NaNa ơi, em có máy in không?
– Không, nhưng chị muốn in gì? Tôi có thể in giúp chị…
– À, em có thể in những file hình bài thi thử ABRSM lý thuyết này được không?
Tôi đồng ý.
Chiều hôm ấy, vừa đặt chân vào phòng khách của Mansi, tôi thấy Hansa đang ngồi trên ghế sofa và cặm cụi làm gì đó với một sấp giấy A4. Tôi hỏi, con bé chìa ra những tờ giấy kín bưng toàn là chữ viết tay:
– Mẹ con viết lại từ trên mạng một bài thi thử để con làm, con đang làm nè.
Tôi nhìn tờ giấy trên tay Hansa rồi nhìn xuống những tờ còn lại đang nằm ngay ngắn trên đùi nó, tôi choáng váng. Vì không kịp in, Mansi đã viết tay cả một đề thi lên giấy để Hansa có thể tiếp tục luyện tập. Tôi cầm xấp giấy lên, lật ngược, lật xuôi, lòng thầm thán phục việc mà Mansi đã làm cho cô con gái.
Hai ngày sau, quay lại cho tiết dạy, tôi vẫn thấy Hansa đang ngồi giải đề. Dưới đất là các câu hỏi đã được Mansi tìm trên các kênh Youtube và “screen shot” (chụp màn hình) lại rồi in ra. Cả xấp đề từ năm 2015 cho đến 2018 không thiếu một bài nào.
Hôm thứ bảy, đi đón con bé về từ phòng thi ABRSM, ngồi kế bên Hansa trong xe ô tô, tôi hỏi vui:
– Vậy con đã làm được tổng cộng bao nhiêu đề thi rồi, nhớ không?
– Khoảng 13 cô ạ… 13 hay 15 gì đấy… Con nghĩ là 13.
Vậy là ngoại trừ 4 đề có trong sách, 9 đề thi còn lại Hansa đã thực hiện, đều do Mansi viết tay và “screen shot” lại từ các trang web và Youtube. Thật đáng nể.
…
Trong đời đi dạy của mình, tôi từng gặp rất nhiều phụ huynh. Có người khó tính, hay ngồi ngay chỗ con học để quan sát. Có người dễ chịu, cô giáo dạy gì cũng ít thấy có ý kiến. Có người hay la mắng con, hễ cứ chuyện gì là lại bảo rằng tốn tiền nuôi ăn nuôi học. Cũng có người hay chiều chuộng, luôn tin tưởng là con mình số một, con mình giỏi…
Nhưng chưa bao giờ tôi gặp một người như Mansi – luôn hỗ trợ cho con hết mình. Nhờ những gì Mansi đã và đang làm, Hansa sẽ luôn vững vàng để tiến lên phía trước vì biết rằng con bé đã có một hậu phương thật chắc chắn đằng sau.
…
“Hansa, con thật may mắn vì đã có một người mẹ như thế…”
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
06.11.2018
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.