Sáng hôm nay là một buổi sáng yên bình. Những tia nắng của một ngày chớm đông đi qua khe cửa sổ căn phòng nhỏ và nằm yên vị trên cái bệ gỗ, rất điềm nhiên và bình yên.
Thứ tư tuần trước là một ngày khác thường. Buổi chiều hôm ấy, tôi hối hả với những chuyến tàu trễ và đông nghẹt người. Tôi muộn tiết dạy Piano của mình gần 30 phút, điều mà chẳng mấy khi xuất hiện…
Đón tôi ở cửa, người phụ nữ xinh đẹp với giọng điệu thân quen chào hỏi tôi lịch sự và sau đó là Jean cũng chào tôi với cái cách ngọng ngịu không nói được tiếng Anh của con bé. Căn phòng nhỏ ấm cúng sáng trưng đèn, bước vào bên trong, tôi đặt túi xách và các thứ lỉnh kỉnh xuống ghế sofa rồi quay ra rửa tay, người phụ nữ nhìn tôi và bắt đầu cất lời:
– Đã lâu quá rồi nhỉ?
– Vâng, đúng là rất lâu. Hình như đã hai tuần rồi thì phải…
– Vâng. Mấy bữa trước, tôi và chồng tôi có nói chuyện với nhau về việc học Piano của hai đứa nhỏ…
– Ồ vậy à!?! Tuyệt!
– Và chúng tôi thấy rằng, lũ trẻ không thường xuyên tập luyện Piano tại nhà. Nên chúng tôi nghĩ rằng, có thể chúng không thích Piano. Vì thế đây sẽ là buổi học cuối cùng của chúng.
– Ồ. Vâng. Vậy cũng được.
– Cô không sao chứ?
– Không…Tôi bình thường.
Đúng thật là tôi thấy rất bình thường, đến mức trống rỗng. Tôi nên cảm thấy gì? Hụt hẫng? Buồn? Suy sụp? Thất vọng? Bởi vì tôi mất một chỗ dạy? Hay vì lũ trẻ không dành nhiều thời gian cho việc tập luyện?
Nếu như là Ngân 3 năm về trước, có lẽ tôi sẽ oán trách ông bà Sang rất nhiều vì họ không thực sự có trách nhiệm với việc học Piano của con họ. Làm sao đứa trẻ có thể tự tập luyện mà thiếu đi sự giúp đỡ, động viên hay hỗ trợ của cha mẹ?
Nhưng lần này, tôi – trách – mình.
…
Hơn 10 năm đi dạy đàn, tôi ngộ ra rằng có quá nhiều thứ mình chẳng hề biết, và giá như có ai đó nói với mình những điều đó trước khi mình bắt đầu chuyến hành trình dài này, thì có thể rất nhiều sai lầm đó đã được tránh khỏi.
1. Bắt đầu trước hết bằng niềm vui.
Tôi đã từng phạm sai lầm rất lớn vì nghĩ rằng trẻ em ngày nay học Piano cũng giống như cách mình từng được học trong trường chuyên ngành. Điều này hoàn toàn sai, đặc biệt với lứa tuổi mẫu giáo 3 đến 6 tuổi. Nếu như không có niềm vui trong học tập, trẻ sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái trong buổi học và từ đó ấn tượng về những buổi học Piano trong tâm trí chúng là vô cùng tồi tệ, chúng có thể sẽ chẳng bao giờ muốn tiếp tục nữa ở những buổi tiếp theo.
2. Dùng phương pháp đúng đắn hơn là cố gắng hết mình.
Nỗ lực và cố gắng hết sức là điều tốt, nhưng trong giảng dạy Piano, nó sẽ vô dụng nếu chúng ta không dùng đúng phương pháp. Ví dụ như lần đầu tiên dạy một bạn 4 tuổi người Đức cách đây 6 năm, tôi đã sử dụng sách Method Rose và tôi thật sự đã rất cố gắng và kiên trì với bạn nhỏ ấy. Nhưng tôi đã không biết rằng, phương pháp này hoàn toàn không phù hợp.
3. Không phải lúc nào ngồi đàn cũng là tốt.
Bài học lớn nhất tôi nhận được khi dạy Piano cho trẻ mẫu giáo chính là: Điều kỳ diệu xảy ra khi chúng tôi có những hoạt động cùng nhau, xa khỏi chỗ cây đàn Piano. Trẻ học được nhiều hơn khi chúng tham gia các hoạt động “hands on” (tạm dịch là “chạm tay”) cùng với sự hướng dẫn của giáo viên. Mãi đến sau này, tôi mới bắt đầu nhận ra điều này…
4. Không được bỏ lỡ môn xướng âm.
Xướng âm trong các trường nhạc chuyên nghiệp là một bộ môn bắt buộc và rất quan trọng, vì nó phát triển rất nhiều những kỹ năng cần thiết cho những người chơi nhạc. Trong các buổi học Piano, giáo viên cần chú trọng việc dạy xướng âm cho trẻ dần dần sau mỗi buổi học, trẻ có thể nhận được nhiều lợi ích hơn thông qua âm nhạc.
5. Tập luyện cũng cần phải được dạy.
Vai trò của giáo viên trong việc này là rất cần thiết. Chúng ta hay mong đợi về việc này nơi học sinh, nhưng lại không hướng dẫn và không tạo động lực để học sinh tập luyện. Và tôi đã trả nghiệm được sai lầm này rất thường xuyên trong những năm giảng dạy Piano cho trẻ. Hơn nữa, tập luyện cũng không hẳn chỉ là “tập và luyện”, chúng ta cũng có thể hướng dẫn phụ huynh tham gia một hoạt động nào đó với trẻ tại nhà, đó cũng là một cách tập – luyện.
6. Hỏi ý kiến phụ huynh về buổi học.
Các ý kiến khách quan của phụ huynh sẽ giúp giáo viên trong việc nâng cao và cải thiện các phương pháp giảng dạy. Tất nhiên giáo viên sẽ cần cân nhắc và chọn lọc những điều phụ huynh nói, không phải ý kiến nào cũng phù hợp với việc học của trẻ nhưng từ những cảm nhận khách quan này giáo viên sẽ nhìn thấy “mình” rõ hơn và biết nên tiếp tục khắc phục và phát huy điểm nào.
…
Năm 16 tuổi, tôi bắt đầu nhận những học sinh đầu tiên của mình và trở thành một giáo viên Piano bán chuyên nghiệp. Mọi thứ lúc đó xảy ra khá bất ngờ, tôi cũng không được trang bị và được chỉ dẫn từ một anh chị nào đi trước.
Công việc này, có lẽ với bạn hay với tôi, đều là một hành trình cô đơn. Vì thế, mong rằng những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ đem đến cho bạn một chút gì đó hữu ích trong hành trình mà bạn đã chọn.
Chúc cho tất cả chúng ta sẽ có những ngày làm việc cuối năm thật nhiều niềm vui!
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.