Phụ huynh.
Ngày đầu năm, tôi muốn viết về các bạn phụ huynh, những người thứ ba quan trọng trong mối quan hệ thầy – trò chúng tôi.
Với những đứa trẻ đang độ tuổi đang trưởng thành, 80% sự thành công trong học tập của chúng tuỳ thuộc vào người nuôi dưỡng chúng, trong đa số trường hợp là cha mẹ. Như ba cái chân để giữ cho cái kiềng đứng được vững chắc, GIÁO VIÊN – HỌC SINH – PHỤ HUYNH khi được liên kết với nhau chặt chẽ, có thể tạo ra những thành tựu, kết quả rất đáng mong đợi trong học tập.
Giáo dục Piano cũng không ngoại lệ. Phụ huynh càng quan tâm đến việc học, việc tập luyện của trẻ bao nhiêu thì sự tiến bộ của trẻ trong việc chơi Piano càng nhanh bấy nhiêu. Nhưng, làm sao và làm thế nào để sự quan tâm đó có thể tạo ra những giá trị cho việc học đàn của con em với nhiều phụ huynh Việt Nam ngày nay vẫn là một khái niệm xa vời.
Trong bài viết hôm nay, tôi muốn chia sẻ 4 điều phụ huynh có thể bắt đầu thực hiện trong năm nay để có thể tạo ra những sự khác biệt trong việc tập luyện Piano tại nhà của trẻ.
1. Sử dụng bảng tập luyện
Với những bảng – biểu đồ tập luyện, trẻ tập luyện được thói quen ngồi vào đàn Piano hằng ngày, cũng như giải quyết các nhiệm vụ/bài tập được giao một cách rõ ràng. Hơn thế nữa, khi theo dõi qua bảng – biểu đồ tập luyện, trẻ có thể biết được mình đang đi đến đâu trong quá trình tập luyện, cũng như phụ huynh cũng dễ dàng khuyến khích trẻ bằng các phần thưởng nho nhỏ cho mỗi nhiệm vụ được hoàn thành theo tuần hoặc theo tháng.
Tham khảo bảng tập luyện theo thời gian – Mục tiêu giúp trẻ đạt được thời gian tập luyện cố định trong hàng tuần: https://toidaypiano.com/2019/12/31/the-tap-luyen-piano-theo-thoi-gian-hoc-piano-vui/
Tham khảo bảng tập luyện kẹo gôm 50 lần – Mục tiêu khuyến khích trẻ tập luyện một tác phẩm, một bài tập, chuẩn bị cho buổi trình diễn: https://toidaypiano.com/2019/07/09/freebies-the-keo-gom-tap-luyen-50-lan/
Tham khảo bảng tập luyện hoạt hình – Mục tiêu giúp trẻ theo dõi tiến trình tập luyện theo các nhiệm vụ được giao: https://toidaypiano.com/2019/04/02/freebies-bang-tap-luyen-hoat-hinh/
2. Bổ sung các hoạt động âm nhạc
Tập luyện tại nhà sẽ hứng thú hơn khi phụ huynh có nhiều hoạt động hoặc trò chơi với trẻ. Đối với lứa tuổi từ 4 đến 7 tuổi, các trò chơi âm nhạc liên quan đến tiết tấu, cao độ hoặc nốt nhạc giúp phát triển tư duy âm nhạc cho trẻ nhiều hơn là chỉ ngồi tại chỗ và tập luyện trong một thời gian dài. Phụ huynh nên tham khảo giáo viên để có thể thực hiện nhiều trò chơi âm nhạc tại nhà với trẻ.
Chơi các trò chơi đọc nốt với thẻ que kem khoá Sol khoá Fa: https://toidaypiano.com/2019/04/17/the-que-kem-khoa-sol-khoa-fa/
Chơi các trò chơi về hợp âm với thẻ que kem hợp âm: https://toidaypiano.com/2019/06/11/freebies-que-kem-hop-am/
Chơi các trò chơi về tiết tấu với thẻ tiết tấu Lego: https://toidaypiano.com/2019/12/31/the-tiet-tau-lego-hoc-piano-vui/
3. Thay đổi tư duy
Thay vì hỏi trẻ “Con tập đàn chưa?” hãy nói “Mẹ nghe cô nói hôm nay con chơi bài rất tốt, con có thể chơi cho mẹ nghe không?”, vv…vv…. Hoặc phụ huynh cũng có thể thay cụm từ “tập luyện” bằng các cụm từ khác, ví dụ như: “10 phút âm nhạc trước khi ngủ”, “5 phút Piano vui vẻ”. Với các cụm từ thay thế này, giờ tập luyện sẽ dễ chịu và thoải mái hơn cho lứa tuổi từ 4 đến 7 tuổi.
Xem thêm video cách phụ huynh hướng dẫn trẻ tập luyện Piano: https://toidaypiano.com/2019/12/31/huong-dan-tre-tap-luyen-piano-tai-nha-video-danh-cho-phu-huynh-hoc-piano-vui/
4. Tạo điều kiện biểu diễn
Cho trẻ nhiều cơ hội biểu diễn Piano giúp ích rất nhiều trong việc tạo động lực tập luyện. Hãy để cho trẻ biểu diễn tất cả những gì trẻ có thể, ngay cả khi không phải là một bản nhạc hoàn hảo. Càng biểu diễn và càng nhận được khuyến khích, sự tự tin bên trong trẻ ngày càng tăng cao, từ đó, trẻ sẽ tập luyện nhiều hơn để có cơ hội được biểu diễn.
5. Khơi gợi cảm hứng và Xây dựng thẩm mỹ âm nhạc
Cảm hứng học và chơi Piano của trẻ có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu được, hãy dẫn trẻ đến những buổi biểu diễn âm nhạc, hoặc có thể xây dựng cho trẻ thói quen nghe nhạc từ nhỏ. Đối với trẻ em lứa tuổi tiểu học, niềm cảm hứng chưa được hình thành rõ rệt, vì thế ở độ tuổi từ 2 đến 7 tuổi, khi phụ huynh quan tâm đến thói quen nghe nhạc của trẻ từ sớm sẽ dễ dàng giúp trẻ hình thành những sở thích âm nhạc âm nhạc về sau này trẻ sẽ theo đuổi. Và khi được chơi âm nhạc mà mình yêu thích, trẻ sẽ rất say mê tập luyện mà không nghĩ đến thời gian. Vì thế, nghe nhạc là hoạt động đầu tiên nhất khi phụ huynh muốn trẻ bắt đầu học chơi Nhạc tốt.
Năm 2020 đã đến với nhiều niềm tin và hy vọng. Mong rằng trong năm mới này, các bạn phụ huynh sẽ có những thay đổi tích cực để có thể đồng hành cùng các bạn nhỏ trong một chặng đường mới với nhiều điều bất ngờ đang chờ đón phía trước.
Chúc mừng năm mới! Happy New Year!
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.