Hôm nay tôi gặp Floris là buổi thứ ba.
Tiết trời Seoul tháng 1 lạnh âm ỉ. Ngồi trong xe buýt, tôi thả mình lên chiếc áo khoác to sụ, nhìn miên man ra cửa sổ và nghĩ đến cậu bé.
Khu phố Tây của Seoul đầu giờ chiều vắng vẻ, những cà phê xinh đẹp nho nhỏ vẫn chưa lên đèn, nhưng dưới cái nắng chiều hoàng hôn, nhìn từ bên ngoài các khung cửa sổ, chúng thật sự vô cùng quyến rũ.
Tản bộ và chìm đắm vào cảnh vật tuyệt đẹp của Iteawon khoảng độ 5 phút, tôi chạm ngõ nhà Floris. Đó là một khu căn hộ nằm sâu bên dưới các con dốc. Nhanh nhẹn mở cửa cho tôi, người phụ nữ cao lớn hào hứng khoe với tôi bằng giọng Hà Lan của cô:
– NaNa, tôi đang thấy mắc cười lắm đây, thật hay khi em vừa tới! – Cô xoa hai tay vào nhau vì cơn gió lạnh vừa tràn vào nhà, song miệng cười toe toét.
– Vậy à? Chuyện gì hay ho thế? – Tôi tò mò.
– Chắc là Floris sẽ nói em nghe ngay bây giờ đấy, vào trong đi!
Trong căn phòng nhỏ, ở bức tường bên phải là một cái tủ gỗ đựng đồ chơi Lego cao đến ngang ngực tôi. Các mô hình Lego khác được bày biện dưới nền nhà rất ngăn nắp. Về phần còn lại của căn phòng, không chỗ nào là không có món đồ chơi này xuất hiện.
Ngay cả ở trên cây đàn Organ, tôi cũng nhìn thấy những viên gạch Lego đủ màu sắc. Chúng được đặt trên các phím trắng và đen không theo một quy luật nào, nhưng dường như, chúng ở đó là có lý do.
– Floris ơi! Con kể cho cô NaNa con đã làm gì đi! Cô ấy đang đợi trong phòng con đấy!
Giọng người phụ nữ vang vọng từ đâu đấy trong căn phòng sát bên. Cậu bé mở cửa bước vào nhìn tôi, nói lời chào và nở nụ cười gần gũi. Đó là Floris, cậu bé năm nay 10 tuổi, đôi mắt thằng bé xanh ngắt màu đại dương, dáng người cao dong dỏng và mái tóc óng ánh vàng ánh kim thơ mộng.
– Hey! Em thế nào? –
– Tốt ạ!
Đột nhiên thằng bé làm tôi nhớ đến hai đứa cháu trai ở quê nhà. Chúng cũng trong sáng, cũng đầy thiện cảm, và cũng yêu âm nhạc.
Floris bắt đầu trình bày với tôi những gì cậu đã làm với những viên gạch Lego. Cây đàn Organ có chức năng phát nhạc thu sẵn, nên cậu đã thu hình bản nhạc ở chế độ tốc độ chậm, rồi lần lượt đặt các viên gạch Lego lên các phím đàn để đánh dấu. Tất cả là để cậu có thể chơi được đoạn đầu tác phẩm For Elise của Beethoven.

Tôi phì cười mặc dù vẫn chưa hiểu những viên gạch Lego ấy đã được xếp theo concept như thế nào, nhưng đúng như lời mẹ cậu nói: Floris rất mong mỏi được học Piano và thằng bé muốn học nhiều nhất có thể.
Buổi thứ ba hôm đó, chúng tôi học đến 5 dòng kẻ và cách cao độ di chuyển lên xuống, cũng như về khoảng cách các quãng 2, 3 và 4. Trước đây khi nói đến chủ đề này ở trường Nhạc, tôi đã luôn cảm thấy khó khăn khi phải nhớ các khoảng cách cung và nửa cung rất nhập nhằng này. Nên, khi bắt đầu với Floris về bài học từng gây ám ảnh với tôi một thời, tâm trí bên trong tôi có gì đó hơi e ngại.
Tôi đứng gần cây đàn Organ và bắt đầu thuyết giảng về quãng. Cả hai chúng tôi đều chìm vào trạng thái lơ mơ của tri thức, chung quanh chúng tôi, các ngôn từ chuyên môn như skip, step, leap, second interval, third interval quện vào nhau đặc quánh như kẹo mạch nha.
Tôi biết mình không thể để việc này xảy ra, nhưng trong tay tôi hôm ấy, lại chẳng có gì nhiều ngoại trừ một vài tấm flash card tiết tấu, và cây bút bảng trắng. Bâng quơ nhìn xuống đất để tránh đi sự chán nản, tôi bắt gặp các mô hình Lego cũng đang nhìn tôi. Chúng cười thân thiện, bỗng dưng tôi thấy tim mình rung động.
– FLORIS! Mình chơi trò này đi! Cô có trò này vui lắm! – Tôi reo lên mừng rõ.
– Vâng vâng! Trò gì hã cô?
Bằng một linh cảm nào đó, tôi cảm nhận rằng bọn Lego này có thể đem đến cho chúng tôi một trò chơi hay ho trong buổi học hôm nay.
Và đúng thật là như vậy.
Trong giây phút, tôi đã nghĩ ra một trò chơi có đặc tính như là một cuộc đua giữa hai nhân vật Lego. Nói chính xác hơn đó là cuộc đua 5 dòng kẻ. Hai nhân vật sẽ thi đua xem ai sẽ là người leo lên trên đỉnh của 5 dòng kẻ trước và giành lấy cỗ máy robot trước, đó sẽ là người chiến thắng.

Floris thích trò chơi này, tôi cũng vậy. Chúng tôi hào hứng chơi 4 vòng, rồi 5 vòng. Cứ như thế, hai nhân vật di chuyển liên tục di chuyển lên xuống 5 dòng cho đến khi các tờ giấy ghi quãng đã bắt đầu nhàu nhĩ.
Nhưng hơn cả thế, tôi nhận ra rằng:
Giáo viên có thể sử dụng bất cứ thứ gì để truyền đạt tri thức, ngay cả khi đó không phải là một công cụ giảng dạy chuyên môn.
Càng giải phóng tâm trí mình khỏi những khuôn khổ, giáo viên càng có nhiều cơ hội để được sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.
Trong trường hợp này, tôi đã dùng món đồ chơi Lego như một trợ thủ đắc lực cho tiết dạy của mình. Và dù chiều hôm ấy, chẳng có ai là người thắng cuộc, nhưng trong căn phòng nhỏ ấm cúng, chúng tôi đã cười rất nhiều và học được rất nhiều thứ.
Và ở một góc của căn phòng, tôi tin là những mô hình Lego vuông vức góc cạnh đó, cũng đã cười với chúng tôi.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano.
16.01.2019

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.