5 sự thật về dạy Piano theo nhóm, có thể bạn chưa biết.

Một sáng mùa thu năm 2017, Sài Gòn nắng rất đẹp. Đứng trên lầu năm của WSSG và nhìn vào khoảng trời xanh ngát trước tầm mắt, tôi cảm thấy vô cùng hào hứng vì vài phút nữa thôi, tiết học đàn đầu tiên của lũ trẻ lớp 1 sẽ được bắt đầu.

Ngày đầu tiên, chúng tôi đã chẳng học gì nhiều ngoài trò chuyện và trò chuyện. Những tưởng trò chuyện là đơn giản lắm nhưng để các cuộc trò chuyện diễn ra theo đúng mục đích thì hẳn phải có nghệ thuật. Ban đầu, tôi không biết trò chuyện đúng mục đích lại là thách thức đến thế, nhưng sau đó tôi đã học được cái nghệ thuật ấy khi trong một tuần đầu tiên, tôi có cơ hội được “trò chuyện” một nội dung y hệt cho 7 lớp một.

Tuần tiếp theo sau, chúng tôi lại tiếp tục chẳng học gì nhiều. Những cây đàn Organ được xếp im lìm quay mặt vào tường. Giữa phòng, các chiếc ghế đàn được để theo hình chữ U, ở giữa chữ U là một cây đàn Organ nằm ngay ngắn. Gần phía bàn giáo viên là một cây đàn to hơn một chút dành cho tôi.

Buổi học thứ 5 của lớp 1.5

Các tuần lễ tiếp theo, chúng tôi vẫn giữ mô hình cũ. Cho đến ngày nào đấy tôi không nhớ rõ, cô bạn đồng nghiệp vô tình nhìn thấy tiết học đàn của các bạn lớp một diễn ra như thế liền nhắc khéo tôi: “Chị không cho các bạn ấy học đi, gần đến hết học kỳ I rồi đấy!” – Tôi cười và cảm thấy hạnh phúc, vì tôi tin những gì mình làm là đúng.

Đa số giáo viên và phụ huynh thường có quan điểm rằng: Học đàn là phải ngồi vào đàn và tập đàn. Cho là buổi học đầu tiên sẽ chưa cần phải ngồi ngay, thì các buổi còn lại, 99% thời gian là phải ngồi vào đàn để tập đàn. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc với các bạn lớp một trong 6 tháng đó, tôi đã khám phá ra rất nhiều sự thật.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ 5 sự thật mà đa số các giáo viên, (ngay cả chính tôi tôi) thường hay bỏ lỡ khi giảng dạy Piano tập thể cho trẻ em.

1. Chú trọng vào giai đoạn chuẩn bị hiệu quả hơn là chỉ tập trung vào thực hành.

Mọi sự khó khăn ban đầu đều bắt nguồn từ đây mà ít ai biết. Đối với lứa tuổi 4 đến 6 tuổi, trẻ mới bước đầu hình thành được khả năng liên đới giữa mắt và tay. Vì thế, để kết hợp được chuỗi hành động nhìn nốt + đọc nốt + chơi nốt đòi hỏi trẻ có một thời gian tập luyện tương đối dài trước khi chúng có thể thực sự làm được điều đó trên đàn. Một trò chơi rất hiệu quả giáo viên có thể sử dụng cho quá trình này là: Chú nhện tàng hình. 

2. Phát triển kỹ năng đọc nốt thông qua trò chơi/hoạt động hiệu quả hơn khi chỉ dạy lý thuyết.

Trẻ em thời kỳ tiền tiểu học có rất nhiều năng lượng và chúng khó có thể ngồi yên suốt trong 15 phút để nghe giảng. Việc bắt buộc trẻ phải ngồi yên trong một khoảng thời gian quá lâu sẽ gây ra ít nhiều những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của chúng. Vậy nên, để những kiến thức lý thuyết quan trọng được lưu giữ lại trong tâm trí của trẻ, giáo viên cần khéo léo và cân bằng tiết học bằng việc tổ chức các trò chơi hoặc hoạt động để trẻ tiếp thu được tốt hơn. Hãy dẫn đường cho Chuột Mickey là một trò chơi khá phù hợp giúp trẻ củng cố kỹ năng đọc nốt trên dòng kẻ khoá Sol, chơi chính xác cao độ và nhận biết ký hiệu nốt.

3. Ứng tấu làm giảm áp lực học tập hơn là khi chỉ học độc tấu.

Ứng tấu (improvising) là phần luôn bị bỏ qua trong một tiết học đàn, song ít ai biết rằng ứng tấu đem đến nhiều lợi ích về cả tính sáng tạo lẫn sức khoẻ tinh thần của một đứa trẻ. Bên cạnh đó, việc lồng ghép những phần ứng tấu vào trong buổi học giúp buổi học nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn và cũng thoải mái hơn.

4. Phân loại năng lực với các nhiệm vụ phù hợp hiệu quả hơn là giao bài tập như nhau cho tập thể.

Trong một nhóm học sinh, giáo viên nên đa dạng nội dung phần thực hành trên đàn để các thành viên trong nhóm có cơ hội thể hiện đúng với khả năng của chúng. Giáo viên cần nhạy cảm và tìm hiểu ưu điểm của các học viên để giao đúng nhiệm vụ sẽ hiệu quả hơn là giao một bài tập như nhau cho tất cả và yêu cầu sự đáp ứng giống nhau của các thành viên, điều này có thể gây ra sự khó khăn đối với tâm lý của một số trẻ đặc biệt.

5. Tổ chức lớp hoạt động theo nhóm/theo cặp hiệu quả hơn là cá nhân đơn lẻ.

Khi hoạt động theo cặp, hành động của trẻ dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau và đây là một ưu điểm vô cùng thuận lợi cho giáo viên trong quy trình tổ chức, quản lý lớp học. Với lứa tuổi 5, 6 tuổi, đa số trẻ thích được chơi cùng với bạn bè đồng trang lứa và có xu hướng hoà mình vào tập thể. Vậy nên, để tiết học đàn có thể diễn ra cách hiệu quả và có tổ chức, giáo viên nên lựa chọn việc sắp xếp học sinh theo từng cặp hơn là để trẻ hoạt động một cách cá nhân.

6 tháng ngắn ngủi trôi qua, tôi được học rất nhiều bài học lớn khi giảng dạy Piano cho các bạn lớp 1, chứ không chỉ đơn thuần là về việc khám phá về 5 sự thật ở trên. Tuy nhiên, nhờ áp dụng những điều trên đây một cách hài hoà, các tiết học của tôi đều luôn được bọn trẻ đón nhận thích thú.

Còn bạn thì sao? Có điều nào trong 5 điều ở trên đây bạn đã biết trước đây chưa?

2 Replies to “5 sự thật về dạy Piano theo nhóm, có thể bạn chưa biết.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!