Tip #28 : Đánh thức bằng sự sáng tạo

Những mùa hè tháng 7 tháng 8 tôi có nhiều tiết dạy vào buổi sáng vì lúc ấy bọn trẻ được ở nhà và không phải đến trường học.  Với tôi, điều này thật lý tưởng bởi niềm hạnh phúc của tôi là đắm mình vào phố phường nhộn nhịp của những buổi sáng sớm.  Nhưng, bọn trẻ thì ngược lại… 

Chúng không thích học Piano vào buổi sáng, vì chúng không thể vượt qua được cơn buồn ngủ.   

Viết đến đây, chợt nhớ đến tôi khi còn là một thiếu nhi cắp sách đi học Nhạc.  Hầu hết những buổi sáng, chúng tôi đều có các tiết học rất khô khan.  Không rõ đó là vì môn học gây buồn ngủ hay là bởi vì chúng tôi học nó vào buổi sáng nên chúng tôi thấy buồn ngủ.  Nhưng cũng không cần nói đâu xa, chính tôi bây giờ, khi phải ngồi vào đàn lúc 9 giờ sáng đôi khi cũng là một thử thách khó khăn cho đôi mắt.

Về góc độ y học, não bộ của tôi bị buồn chán không phải bởi vì tôi không thích tập luyện, nhưng nó buồn chán bởi vì nó không được thật sự hoạt động. Một nghiên cứu của giáo sư Cable tại đại học Bắc Carolina cho thấy rằng, hệ thống “tìm kiếm” là một phần ở trong não bộ của chúng ta có chức năng đón nhận những thông tin mới và tiết ra chất dopamine như là một phần thưởng cho việc đón nhận đó.  Khi chúng ta thực hiện một hành động giống nhau 502 lần, phần não này sẽ tắt đi tín hiệu đó và đây chính là lý do đó khiến chúng ta cảm thấy hào hứng và sống động hơn không phải bởi vì việc gì đó thật sự hay ho nhưng chỉ bởi vì nó thật sự mới mẻ.  

Xem thêm bài viết tại đây

Tôi đoán là não bộ của bọn trẻ cũng thế khi chúng phải thức dậy lúc 8 giờ và có một tiết học Piano buồn chán vào một tiếng sau đó.  

Tình cờ, sau hơn hai tháng học Piano về hoà âm Jazz, tôi không còn cảm thấy buồn ngủ mỗi khi tập luyện vào buổi sáng như trước đây.  Sau khi thực hiện một cuộc nghiên cứu nhỏ trên chính mình, tôi nhận thấy rằng, tôi thấy tỉnh táo hơn hẳn khi có cơ hội được sáng tạo ra cái gì đó mới. 

Vì thế, tôi không ngần ngại thử áp dụng một hoạt động sáng tạo cho bọn trẻ vào đầu mỗi buổi học và mong chờ điều kỳ diệu xảy ra.  Thật tuyệt vời, rất nhiều những sự thay đổi tích cực đã diễn ra tại nơi cây đàn Piano chỉ với hoạt động này.

Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ lại một hoạt động kích thích sự sáng tạo, giữ cho trẻ được tỉnh táo vào mỗi buổi học, tôi nghĩ có thể bạn cũng muốn thử ứng dụng cho mình.  

Chuẩn bị: 

  1. Các flash card âm hình tiết tấu szie lớn ép plastic hoặc in trên giấy cứng. Xem thêm kho flash cards của tôi tại đây 

Thực hiện:

  1. Cho trẻ lựa chọn tự do các hình nốt với tổng trường độ là 8 phách 
  2. Cho trẻ sắp xếp tự do thứ tự các hình nốt theo ý thích
  3. Giáo viên/phụ huynh chọn cho trẻ (hoặc có thể cho trẻ chọn) 3 cao độ trong vị trí năm ngón tay (vd: Do Mi Sol, hoặc Do Fa Sol) 
  4. Trẻ chơi ứng tấu trên đàn các cao độ đã chọn tương ứng với tiết tấu 
  5. Giáo viên/phụ huynh chơi lặp lại câu nhạc trẻ đã chơi 
  6. Trình tự lặp lại như vậy khoảng 4, 5 lần sau đó có thể thay đổi cao độ hoặc tiết tấu khác.
Xem video hướng dẫn cách thực hiện tip #28

Tôi rất thích hoạt động này, đây chính là tiền thân của kỹ năng improvisation (ứng tấu), có thể nói ích lợi của hoạt động này không chỉ ngừng lại ở việc giúp cho não bộ của trẻ được hoạt động để sản xuất ra những “sản phẩm” mới mà còn đem đến niềm vui và niềm hạnh phúc cho trẻ khi ngồi tại đàn Piano tập luyện.

Hy vọng tip #28 này đã đem đến một chút gì đó sáng tạo cho những tiết dạy Piano buổi sáng của mọi người.

Gửi cảm nhận của bạn vào hộp thư toidaypiano@gmail.com nếu như bạn có áp dụng vào tiết dạy của mình nhé!

Chúc cho tất cả chúng ta sẽ có những giờ tập luyện thật tỉnh táo 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!