Khi còn là một đứa trẻ 6 tuổi, tôi rất thích nghe chuyện cổ tích. Sau vài năm đã quen với mặt chữ, tôi bắt đầu say mê đọc sách. Lớn thêm chút nữa, Disney cuốn tôi vào thế giới của các công chúa, hoàng tử, và của những bà tiên có đũa thần phép màu. Cho đến bây giờ, khi nghe lại những bản hit của Alan Menken như “A whole new world”, “Beauty and the Beast”, “Part of your world”, tôi vẫn tưởng mình là đứa trẻ ngày nào, vẫn tin vào những điều thần tiên kỳ diệu.
Chắc có lẽ đó cũng là lý do vì sao tôi thích làm việc với lũ trẻ.
Bọn trẻ rất thích chuyện cổ tích. Trí não của chúng không bị ảnh hưởng nhiều bởi những định kiến và giới hạn vì thế mỗi khi được nghe kể về những người anh hùng dũng cảm, những chàng hoàng tử gan dạ, những cô công chúa xinh đẹp, chúng thả hết trí tưởng tượng để mơ mộng.
Vì thế, dẫn dắt bọn trẻ bằng những câu chuyện là một phương pháp được tôi sử dụng rất nhiều khi dạy Piano cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
Với những cô giáo mầm non, phương pháp này rất quen thuộc. Nhưng trong giảng dạy Piano, áp dụng như thế nào còn là điều rất mới mẻ.
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ chia sẻ một vài cách giáo viên có thể thực hiện với story telling:
1. Phân biệt 2 phím đen
Chuẩn bị:
- 2 đến 3 con thú nhỏ bằng nhựa (có thể để trên phím đàn)
- Đàn Piano
- Nội dung về chuyện hai con thú (ba con thú) muốn tìm một nơi ở chung với nhau.
- (GVkể chuyện) Ngày xửa ngày xưa, hưu và lừa chơi rất thân với nhau vì thế chúng muốn tìm một nơi để ở, nhưng không biết ở đâu có chỗ vừa cho cả hai. Con hãy giúp hai bạn tìm chỗ chỗ nào vừa cho cả hai bạn nhé?
Trẻ có thể tìm được hai phím đen để đặt vào, hoặc không. Giáo viên/phụ huynh hướng dẫn trẻ.
- (GV kể chuyện) Một ngày kia, có cơn bão đi qua, làm cho nhà của ba người bạn thân bị sập mất (giáo viên lấy tây đẩy ba con thú ngã xuống phím trắng), họ quyết định đi tìm nhà mới. Con có thể tìm giúp các bạn ấy không?
Trẻ tìm một chỗ khác có ba phím đen đặt vào.
Làm tương tự với hoạt động tìm hai phím đen.
2. Nhận biết các phím đàn
Chuẩn bị:
- 5 đến con thú nhỏ bằng nhựa
- Phím đàn chiều dài 4 quãng 8 bằng giấy kích thước lớn
- Đặt rải rác các con thú trên các vị trí khác nhau trên đàn
Câu chuyện: Nhà bạn ở đâu?
Nội dung về các con thú đi lạc trên các phím đàn và chúng không biết mình đang ở đâu. Bắt đầu bằng đoạn hội thoại sau:
- Heo ơi, cậu đang ở đâu đấy? – Voi hỏi (giáo viên)
- Mình đang ở phím nốt Đồ! – Heo trả lời (học sinh trả lời)
- Ồ, vậy để mình đi đến chỗ cậu nhé! – Voi nói – GV di chuyển voi đến nốt Đồ
- Mà bạn Heo ơi, tụi mình phải đi tìm bạn Khỉ nữa, bạn biết bạn ấy ở đâu không?
- Mình biết, bạn khỉ đang ở nốt Fa (học sinh biết và trả lời)
- Mình cũng không biết nữa… (hoặc học sinh không biết)
- À…mình nhìn thấy từ xa đằng kia hình như bạn khỉ đang đứng. Tụi mình cùng đếm xem bạn Khỉ đang ở đâu nhé? (trong trường hợp học sinh không biết, giáo viên khéo lép hướng dẫn)
Câu chuyện có thể có nhiều biến thể khác nhau, nhưng chủ yếu là ôn luyện cho trẻ khả năng nhận biết phím đàn qua vị trí các con vật đang đứng.
3. Nhận biết các nốt nhạc trên 5 dòng kẻ
Chuẩn bị:
- 1 con thú nhỏ bằng nhựa
- 7 hình nốt cơ bản C D E F G A B in trên giấy cứng, có thể đứng được như chữ L, hoặc giáo viên/phụ huynh đặt trên giá để đàn. (tải tại đây)
- Xếp các tấm thẻ không theo thứ tự
Câu chuyện: Tìm nhà bạn thân
Nội dung về một con vật đi tìm một nốt nhạc. Bắt đầu như sau:
(Giáo viên/phụ huynh dẫn chuyện) Mèo có một người bạn thân là nốt Rê, hai bạn cùng học hát với nhau ở trường rất vui. Một ngày nọ, nốt Rê bị bệnh viêm họng, phải nghỉ ở nhà, không thể đến lớp. Mèo quyết định đi tìm bạn thân của mình. Mèo đi từng nhà gõ cửa, đến trước cửa nhà đầu tiên Mèo hỏi:
- Meo Meo Meo, xin chào bạn. Đây có phải là nhà nốt Rê không? (Giáo viên đặt con thú đứng trước thẻ nốt Sol)
- Không phải không phải, đây là nốt Sol. (trẻ biết và trả lời, đầu tiên giáo viên có thể mớm cho trẻ)
- Meo Meo Meo, cảm ơn bạn nhé!
Mèo tiếp tục đi đến một nhà kế bên nốt Sol, Mèo cất tiếng hỏi:
- Meo Meo Meo, xin chào bạn. Đây có phải là nhà bạn nốt Rê không? (giáo viên/phụ huynh)
- Không phải không phải, đây nốt La (trẻ biết và trả lời, nếu không biết GV/PH có thể mớm cho trẻ)
Mèo đi tiếp đến một nhà gần đó, dù đã rất mỏi chân nhưng cậu vẫn cố gắng, cậu cất tiếng hỏi:
- Meo Meo Meo, xin chào bạn. Nốt Rê ở đây phải không? (giáo viên/phụ huynh)
- Không phải không phải, đây là nốt Đô. (trẻ)
- Ôi… mình đi tìm nhà nốt Rê từ chiều đến giờ mãi mà không thấy? Cậu có biết nốt Rê ở đâu không? (giáo viên/phụ huynh)
- Nốt Rê ở dưới dòng kẻ thứ hai (trẻ)
- Ôi… cảm ơn bạn nhiều lắm nhé! (giáo viên/phụ huynh)
Thế là Mèo hớn hở chạy ngay đến chỗ đã được nốt Đô chỉ. Cậu cất tiếng gọi:
- Meo Meo Meo, nốt Rê ơi, đây có phải là nhà cậu không?
- Đúng rồi đúng rồi. Đây là nốt Rê. (trẻ)
- Yeah! Gặp được bạn rồi! Vui quá!
(Giáo viên/phụ huynh dẫn chuyện) “Vậy là nốt Rê mời Mèo vào nhà. Hai bạn ngồi nói chuyện ăn bánh rất vui vẻ với nhau… “
Thông qua những câu chuyện ngắn và nhỏ như vậy, buổi học Piano thêm gần gũi với trẻ. Xoá nhoà rào cản trong việc tiếp thu kiến thức mới cho trẻ em lứa tuổi ấu nhi.
Chúc cho chúng ta sẽ có những tiết học đầy kỳ diệu như những câu chuyện cổ tích.

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
One Reply to “Tip #24 : Những câu chuyện diệu kỳ”