Chiều thứ hai cuối năm, tôi vội vã ra khỏi nhà để bắt chuyến tàu đến Sinchon cho kịp tiết dạy Piano lúc 3 giờ 30 chiều. Trời mùa đông lạnh tê tái , tôi đút vội hai tay vào túi áo phao, bước nhanh qua những gương mặt xa lạ và mau chóng chìm vào dòng chảy siêu tốc của những chuyến tàu trong lòng thành phố Seoul.
Trong túi áo khoác bên phải hôm ấy tôi có một cây Kẹo KitKat, túi kia thì có hai quả quýt nhỏ anh để vào sáng hôm nay. Riêng chiếc ba lô đeo sau lưng thì chẳng có miếng bánh kẹo nào vì bên trong chỉ toàn là đồ chơi cho buổi dạy Piano với bọn trẻ. Tôi miên man nghĩ đến chúng, Julius và Wies, xém một chút là xuống trễ ga tàu.
Khoảng hơn một giờ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, trạm dừng chân cuối cùng của tôi là một con dốc dài và thoai thoải cao dẫn đến “Forest Hill” đầy thơ mộng. Những ngôi nhà nằm trong khu khuôn viên này đều mang một vẻ đẹp rất cổ điển của vùng ngoại ô nước Pháp. Với mảnh vườn nhỏ của những bụi hoa li ti, những ô cửa sổ rèm che hững hờ nằm khuất sau hàng dây leo đã làm tôi thoáng chút xiêu lòng.
Rẽ trái, tôi bước vào khoảng sân nhỏ với chung quanh là đủ thứ các đồ chơi bằng nhựa nhiều màu nằm trên cỏ. Góc phải sân là một chiếc cầu tuột be bé, bên dưới chân cầu tuột là một pháo đài được đóng từ những chiếc hộp cạc – tông tái chế. Gần phía tay trái của tôi là một ụ cát có hình như toà lâu đài của cô công chúa tóc vàng. Bước gần hơn chỗ cánh cửa kính, tôi nhìn thấy có một nàng công chúa bằng người thật đang ngồi bệt trên sàn nhà, khuôn mặt nàng chăm chú nhìn vào tác phẩm hội hoạ của mình…
Nàng vô tình nhìn thấy tôi, đôi mắt nàng bỗng rạng rỡ và rồi khuôn miệng nàng cười rất tươi. Nàng ngồi dậy, chạy gần đến chỗ tôi, bàn tay bé xíu của nàng đẩy cánh cửa ra, nàng cất tiếng:
-Hi!…
Đó chính là em gái của Julius – Wies, một trong những thiên thần nhỏ nhất của tôi.
…
Julius lớn hơn cô em gái 3 tuổi, thông minh, nhạy bén và là một đứa trẻ rất biết tư duy. Cậu thích kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện, kể là chuyện nhà hay chuyện lớp. Mỗi buổi chiều thứ hai tôi đến, Juilius đều có thứ gì đó để cho tôi xem. Hôm thì cậu khoe nơi ẩn nấp mới là một pháo đài cạc tông nằm bên dưới chân cây cầu tuột nhựa, có hôm thì cậu mang cho tôi cái kính vạn hoa tự chế trong tiết học thủ công ở trường. Với tôi, Julius là một đứa trẻ rất thú vị mặc dù có đôi lần bố cậu tỏ ra không tin tưởng lắm về khả năng học Piano của con trai mình.
-Cô thấy đó, chắc là cô dạy chúng thì cô cũng biết. Julius hiếu thắng lắm, nó chỉ muốn phải làm được cái này cái kia, còn về khả năng nhịp điệu âm nhạc thì chắc nó không tốt lắm đâu…Có thể là cũng không bằng Wies.
Vâng! Có thể là không ai hiểu về Julius như bố mẹ cậu. Nhưng, trong sâu thẳm trái tim của một người giáo viên, tôi luôn tin chỉ cần được tiếp cận với phương pháp phù hợp, thằng bé có thể làm được. Mặc khác, tôi cũng không muốn để những định kiến của người khác ảnh hưởng đến sự nỗ lực cố gắng của tôi và Julius.
-Hey, cô nhớ con quá! Thật vui khi gặp lại con – Tôi vòng tay ôm qua vai Julius một cái thật chặt khi vừa nhìn thấy Julius bước xuống phòng khách.
-Con chào cô ạ! Để con cho cô xem cái này hay lắm nè – Vẫn giọng điệu vui vẻ như cũ, Julius luôn có thứ gì đó để khoe với tôi vào trước mỗi buổi học chiều thứ hai.
…
Giờ học bắt đầu khi thằng bé đã nói chán chê đủ thứ về những gì nó làm ở trường ngày hôm ấy. Tôi vui lắm khi được ngồi nghe nó nói và cảm thấy thật may mắn khi thằng bé có thể thoải mái chia sẽ cùng mình mọi thứ.
Hôm ấy chúng tôi ôn tập tiết tấu nốt móc đơn và nốt đen. Bài hát “Are you sleeping brother John?” học từ tuần trước, nhưng Julius không có nhiều thời gian tập luyện nên cậu vẫn thấy chật vật với những nốt nhạc. Tôi kiên nhẫn ngồi kế bên và chờ đợi, có lẽ cậu cần được yên tĩnh để tập luyện và tự sửa sai, tôi nghĩ.
Được một lúc sau, hơi có phần mất bình tĩnh nên tôi quyết định mình phải làm gì đó. Không khí bó hẹp giữa tôi và thằng bé co lại và căng phồng lên, một nốt nhạc bấm sai,
-Ồ…không sao đâu cô nhỉ? Đó chỉ là một tai nạn thôi. – Julius nhanh nhảu nói.
Tôi sững người. “Tai nạn” ư? Một từ ghép thật hoàn hảo. Tai nạn là cách chúng ta dùng để ám chỉ đến một việc xảy ra ngoài mong muốn. Trong trường hợp này, Julius gặp “tai nạn” với những nốt nhạc không phải bởi vì thằng bé cố tình, nhưng là vì điều đó xảy ra ngoài sự mong muốn của nó.
Ôi… tôi hổ thẹn. Có bao giờ tôi nhìn về việc học sinh đàn sai như là một tai nạn không mong muốn? Hay tôi đã nghĩ rằng học sinh đã không thực sự cố gắng để thực hiện nó cách hoàn hảo như điều tôi muốn?
Cơ mặt tôi dãn ra. Julius vẫn ngồi đó, đôi mắt cậu tập trung cao độ bên các phím đàn và bản nhạc “Are you sleeping brother John?” thì vẫn đang mở ra ngay trước mặt. Các ngón tay cong cong bé xí nhấn xuống những phím đàn dài vô tận, môi cậu mấp máy thì thầm gì đó chỉ cậu nghe được.
Tiết học kết thúc, tôi chào tạm biệt gia đình và tản bộ xuống dốc. Một cơn gió lạnh thổi nhẹ qua đầu, tôi tìm trong túi áo thanh kẹo Kitkat còn dang dở và cắn lấy một miếng nhỏ, sô-cô-la tan chảy trong miệng tôi ngọt ngào.
Julius bé nhỏ ơi, con tuyệt vời lắm, đó chỉ là những tai nạn rất nhỏ thôi, thành công nằm ở hành trình con đang đi, chứ không phải là kết quả cuối cùng.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano.
11.03.2019
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.