4 bài học không thể quên khi dạy trẻ đọc nốt

Khoảng vài năm gần đây, hộp thư của tôi thường xuyên nhận được rất nhiều những câu hỏi xoay quanh chủ đề: “VÌ SAO TRẺ KHÔNG THỂ THUỘC NỐT NHẠC?” 

Trước khi phân tích về những lý do cho câu hỏi trên.  Hãy để tôi nói cho bạn nghe một bí mật: Người lớn cũng không thể thuộc nốt nhạc, chứ không phải chỉ có bọn trẻ.  

… 

Mùa hè năm 2014, lần đầu tiên tôi nhận dạy một cô bé người Đức tên là Sray.  Sray năm ấy vẫn chưa đến tuổi đi học và cũng chỉ vừa lên lớp lá được khoảng vài ngày.  Chúng tôi gặp nhau vào một ngày mưa rào trời mát rượi.  

Cách đây 5 năm, thị trường giáo dục âm nhạc không có nhiều sách vở và giáo trình đa dạng như ngày nay.  Hiếm hoi lắm chỉ có Việt Thương là được đầu tư hẳn một bộ giáo trình Music Tree và Hello Music từ Nhật Bản, còn đại đa số các trung tâm âm nhạc trên địa bàn thì vẫn sử dụng Methode Rose để dạy Piano cho học viên đủ cấp độ từ già đến trẻ.  Vì thế, khi đến gặp Sray lần đầu tiên, tôi cũng chẳng có gì trong tay ngoại trừ cuốn “Phương pháp hoa hồng”.

Buổi thứ nhất, sau khi giải thích đầy đủ về các khái niệm con số và nốt nhạc xong, tôi loay hoay mãi vẫn không thể giúp Srey có thể chơi được một bài nào ra hồn ra dáng.  “Thực sự nó rất dễ, vô cùng dễ, con bé không thể chơi được chỉ vì nó không muốn, chứ không thể còn lý do nào khác!” – Tôi đã nghĩ như vậy trong khoảnh khắc đó.  

Buổi thứ hai, vẫn đến lớp với Methode Rose, tôi tin rằng mình cần thử lại và nỗ lực hơn nữa.   Nhưng kết quả chẳng có gì khá hơn, còn Srey thì đã tấm tức khóc cả buổi khi con bé cảm thấy như đang bị ép buộc một thứ mà được hứa hẹn là sẽ rất giải trí và nhẹ nhàng.  

Buổi thứ ba, mẹ Srey trao vào tay tôi một cuốn sách in bìa rất đẹp với dòng chữ to rõ “Little Mozart” cùng một vài lời dặn dò trước buổi học hôm đó.  Tôi mừng như bắt được vàng.  Quyết định thử luôn với niềm tin rằng “Little Mozart” sẽ là một bước ngoặc cho những tháng ngày tăm tối vừa qua. 

Nhưng buổi học hôm ấy vẫn diễn ra như thế.  Rồi đến những buổi học sau…Một năm trôi qua từ ngày Srey học Piano với tôi buổi đầu tiên, con bé cũng chỉ đọc được lòng vòng những nốt nhạc trong khu vực quãng tám khoá Sol và chơi được vài bài hát trẻ con đơn giản. 

Chuyện gì đến cũng đến.  Sáu tháng sau đó, chúng tôi chia tay nhau với lý do Srey không có khả năng để học chơi Piano.  

Câu chuyện này có lẽ rất quen thuộc.  Nó không lạ và cũng không có gì là mới. Ngay cả ở thời điểm này, năm 2019, với rất nhiều những giáo trình phong phú trên thị trường, những ứng dụng công nghệ thông tin phát triển rộng rãi, vấn đề vì sao trẻ không thuộc được nốt nhạc vẫn chưa hề giảm nhiệt với cả giáo viên lẫn phụ huynh.  

Cô bé Srey năm nào nay đã có thể sắp bước vào trường trung học và bắt đầu học chơi một nhạc cụ trong band nhạc của trường.  Riêng với bản thân tôi, trải qua nhiều đau thương và kinh nghiệm, sau hơn 10 năm, 3 bài học lớn nhất tôi rút ra được khi dạy cho trẻ đọc nốt đó là: 

1. Phát triển kỹ năng cảm âm lắng nghe là đầu tiên và trước hết

Thật khó để hình dung việc một người học chơi nhạc lại không thể hình dung ra được hình ảnh của nét nhạc khi nghe một câu giai điệu. Và có đôi khi, họ hiểu rằng hướng của câu nhạc là lên cao, nhưng lại không thể điều chỉnh cao độ giọng hát của mình cho tương ứng. Hệ quả này xảy ra một phần không nhỏ là vì họ đã thiếu hụt quá trình luyện tập kỹ năng cảm âm có trong các lớp học Cảm Thụ Âm Nhạc Vận Động.

Quá trình rèn luyện tai nghe thông qua các hoạt động âm nhạc giúp người học phát triển về mặt tư duy âm nhạc thành hình ảnh một cách tự nhiên. Ở khía cạnh khác, nó đẩy mạnh và định hình hệ thống điệu thức chủ tính từ sớm của lứa tuổi mầm non. Những yếu tố này góp phần không nhỏ trong quá trình giảng dạy đọc nốt cho trẻ nhỏ. Vì nếu như không phát triển tai nghe trước, tất cả các ký hiệu nốt nhạc được phát lên cũng giống như những con chữ cái không có vần điệu.

Nếu bạn là giáo viên và mong muốn chuẩn bị nền tảng học đọc nốt thật tốt cho học sinh, cũng như phát triển kỹ năng cảm âm cho trẻ. Khoá học này sẽ dành cho bạn.

2. Phương pháp giảng dạy phù hợp lứa tuổi và có tính hệ thống

Với một đứa trẻ 5 tuổi như Srey, không biết đọc và cũng chẳng biết viết, lựa chọn cách dạy đọc nốt theo kiểu truyền thống “Phương pháp hoa hồng” là một quyết định vô cùng nguy hiểm. Sự thiếu hiểu biết về tâm – sinh – lý lứa tuổi trẻ mẫu giáo cũng như tư duy bảo thủ cứng ngắt của một sinh viên trường Nhạc đã đẩy hai chúng tôi vào một quãng thời gian vô cùng bế tắc.

Trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, từ 3 đến 6 tuổi có tâm sinh lý khá đặc biệt.  Bên cạnh đó, những khả năng cơ bản của trẻ vẫn chưa được hình thành đầy đủ. Vì thế, sự ảnh hưởng lớn hay nhỏ khi được tác động vào thời điểm này đều có thể vô hình tạo thành những kết quả vào những năm về sau của trẻ, kể cả tiêu cực lẫn tích cực. Vậy nên,  đối với giáo viên dạy Piano cho lứa tuổi mẫu giáo, những biểu hiện và phản ứng rất nhỏ của trẻ cũng cần được giáo viên nhạy cảm chú ý quan tâm để có thể điều chỉnh giáo án kịp thời phù hợp với cá nhân trẻ.

Về phương pháp dạy đọc nốt, các bước nên được chia nhỏ và thực hiện nhiều lần đi kèm với các trò chơi phù hợp lứa tuổi.  Những hoạt động như ca hát, nhảy múa, di chuyển xung quanh lớp học giữ cho trẻ được hoạt động và đồng thời giúp phát triển các cơ chế vận động đáp ứng cho buổi học Piano.  Ngoài ra, kỹ năng liên kết đọc bằng mắt và điều khiển ngón tay cần được rèn luyện thường xuyên và đều đặn. Trẻ sẽ đạt được kỹ năng thị tấu nhanh hơn khi hai yếu tố này khi được kết hợp với nhau thuần thục.  

3. Đọc nhạc, đọc nhạc, đọc nhạc

“Âm nhạc là ngôn ngữ chung của thế giới”, đúng là thế. Nhưng hầu hết, chúng ta đều không nhớ mình đã học một ngôn ngữ như thế nào.

Khi dạy Srey, thay vì tôi phải hướng dẫn con bé cách đọc nhạc, nhưng trái lại, tôi chỉ chú trọng đến việc đọc nốt. Và đọc-nốt cũng giống hệt như việc chúng ta tách riêng ra từng chữ riêng biệt của một câu văn và đọc chúng lên như là một từ đơn không có sự liên kết nào về nghĩa. Điều này dẫn đến những hệ luỵ xấu cho việc giảng dạy âm nhạc của chúng ta, khiến việc học đọc-nốt-nhạc của trẻ cũng đi theo chiều hướng tệ hại.

Khi các nốt nhạc được đọc lên một cách tách biệt và thiếu hụt sự liên kết ý nghĩa, trẻ chỉ đơn thuần nhấn xuống các phím đàn để tạo ra những âm thanh mã hoá các ký tự chúng nhìn thấy trên giấy. Dần dần, việc học chơi đàn mất đi vẻ đẹp thuần tuý vốn có của nó.

4. Luyện tập cần có sự kết hợp với phụ huynh

Trong câu chuyện về Srey, nếu để ý kỹ sẽ không tìm thấy chỗ nào tôi viết về việc giao bài tập về nhà.  Tôi đã không làm không phải vì quên, nhưng vì tôi cảm thấy trẻ chưa thực sự cần phải làm bài tập vì chúng quá nhỏ.  Nhưng, đây chính một trong những là sai lầm vô cùng lớn của.  

Khi nhắc đến hai chữ “bài tập”, giáo viên và phụ huynh thường nghĩ đến những trang câu hỏi lý thuyết dài rườm rà hoặc những bài luyện ngón/bài tiểu phẩm phải mất hàng giờ mới tập luyện xong.  Đối với các hệ thống giáo dục âm nhạc quốc tế, “bài tập” dành cho lứa tuổi này được bao gồm tất cả những hoạt động sáng tạo, ứng tấu, trò chơi tham gia cùng phụ huynh vv…vv… Trong đó, khuyến khích trẻ “dạy” lại phụ huynh khi ở nhà cũng là một cách củng cố kiến thức rất hữu hiệu cho trẻ.  

Ở độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi, phụ huynh là yếu tố lớn nhất góp phần quyết định cho việc học Piano của trẻ có thực sự được thăng hoa hay phải dừng lại.  Vậy nên, giáo viên cần trao đổi thẳng thắn với phụ huynh về chủ đề này cũng như trình bày, chia sẻ những cách thức phụ huynh có thể thực hiện tại nhà để hỗ trợ cho con em mình một cách tốt nhất.  Một sự tác động đúng mức của phụ huynh cùng với giáo viên trên quá trình học Piano của trẻ sẽ tạo ra những thành quả hơn cả sự mong đợi.

5. Niềm vui cũng cần thiết như phương pháp giảng dạy

Sự thật là, giáo viên và kể cả phụ huynh đã tạo ra những gánh nặng cho trẻ khi chúng ta tập trung hướng mục tiêu của việc học thuộc nốt nhạc chỉ là để chơi được những bản nhạc hoàn thiện hơn là để trẻ tìm thấy niềm vui thích trong âm nhạc.  Vì thế, khi bàn đến kỹ năng đọc nốt nhạc ở lứa tuổi trẻ tiểu học, giáo sư Fang Ting Huang đã nói trong bài nghiên cứu các phương pháp giảng dạy Piano cho trẻ em của cô rằng:

“Trẻ em chưa thể tự kiểm tra bài tập về nhà và thực hiện cách cá nhân cần được duy trì những trải nghiệm âm nhạc của chúng bằng ca hát, chuyển động, lắng nghe và chơi bản nhạc cách thuộc lòng hơn là học đọc nốt nhạc.” (2007, p.34) 

Fang Ting Huang (Preschool Piano Methods and Developmentally appropriate practice)

Đây có thể là điều gì đó rất lạ và rất mới so với quan điểm về giảng dạy Piano của giáo viên, phụ huynh tại Việt Nam.  Tuy vậy, nhà sư phạm âm nhạc Grunow đã nhận định: “Khi quá chú trọng trong việc tập luyện chính xác các nốt nhạc, trẻ bị mất đi tính nhạc cảm đã có từ bản năng bên trong của chúng và dần dần, suy nghĩ của trẻ về âm nhạc giống như là một môn nghệ thuật hữu hình chứ không còn là nghệ thuật của những âm thanh.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông.  Bằng việc khắt khe quá mức về kỹ năng đọc nốt, giáo viên và phụ huynh đã làm giảm mất đi niềm vui thích và sự hân hoan của trẻ khi tham gia vào buổi học Piano .  Điều này khiến chúng ta vô tình bỏ lỡ những cơ hội quý báu trong việc giúp trẻ nhận được những ích lợi to lớn thông qua những buổi học âm nhạc.  

June và tôi cùng chơi trò chơi “Elsa, where re you?”

Đôi khi ngồi ngẫm nghĩ trên những chuyến tàu, tôi thầm cảm ơn những thiên thần nhỏ đã bước qua đời những tháng ngày tuổi trẻ đời tôi.  Chúng mang đến những thông điệp, những bài học, những câu chuyện, mà nhờ đó, ngày hôm nay tôi đã được trưởng thành, và được hiểu rằng: Giáo dục âm nhạc không đem đến một khuôn mẫu hoàn hảo nhưng là đem đến sự tư do cho tâm hồn con người.

Cảm ơn Srey. 

*Photo by Finn Gross Maurer on Unsplash

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!