Nhật ký 14 – Hãy thử cách này xem?

Một chiều cuối năm 2016, tôi ngồi xem vở kịch Cô bé quàng khăn đỏ được dàn dựng bởi bốn đứa trẻ lớp ba. Đến đoạn thợ săn đuổi theo con sói để giải cứu cô bé quàng khăn đỏ, hai diễn viên nhỏ tuổi chạy tràn xuống chỗ ghế khán giả đang ngồi bên dưới. Trong cái không khí nháo nhào, thợ săn trượt chân té cái oạch trên sàn, cả lớp được một trận cười nắc nẻ. 

Alan ở cách tôi hai dãy ghế, anh trông thấy toàn bộ sự việc nhưng không nói gì cho đến khi vở kịch kết thúc.  Tôi cũng chỉ là phụ tá nên quyết định ngồi yên chờ đợi, mặc dù bụng dạ đang sôi trào phẫn nộ. 

-Các bạn thấy vở kịch thế nào? 

Alan cất tiếng hỏi sau khi các diễn viên đã cúi đầu chào hạ màn. Một cậu bé tóc vàng trong nhóm nhanh nhảu đáp: 

-Khá tốt ạ!

-Vậy lúc các bạn chạy ào xuống dưới đây thì thế nào? – Alan hỏi

-Nó vui lắm ạ! 

-Nhưng con có nghĩ, lúc đó, các khán giả ngồi đằng trước đây sẽ không thể theo dõi được các con đang diễn gì không ? Các chuyển động của các con đều xảy ra sau lưng khán giả, đó chính là vấn đề. Khán giả muốn nhìn thấy diễn xuất trên khuôn mặt của các con, chứ không muốn nhìn thấy những cái lưng động đậy – Bóp bóp hai bàn tay vào nhau, Alan nói tiếp. 

Không ai đáp lời anh. 

Rồi Alan cũng hỏi về việc gã thợ săn đã bị ngã khi diễn trò đuổi bắt. Bọn trẻ im thin thít. Bàn chân chúng di di những hình ảnh hư ảo trên sàn nhà bóng loáng màu cánh gián. Mặt chúng lấm tấm nét xấu hổ. Tiếng cây bàng đang xào xạt bên ngoài cửa sổ cũng tự dưng nín bặt. Không khí trong căn phòng treo lưng chừng ngột ngạt, cho đến khi Alan cất tiếng: 

-Thầy biết là rất vui khi được chạy nhảy rượt đuổi nhau. Lúc bằng tuổi các bạn, thầy cũng nghịch ngợm như thế! Nhưng lúc chúng ta đóng kịch thì khác các bạn ạ! Khán giả muốn có thể hiểu được câu chuyện một cách rõ ràng. Thầy rất thích nguồn năng lượng của các bạn cho vở kịch này.  Vậy bây giờ, hãy thử cách này xem.  Hãy chạy thật hăng say như thế, nhưng chạy tại chỗ trên sân khấu.  Như vậy thì tất cả khán giả đều có thể nhìn thấy những gì các bạn biểu diễn và không ai té ngã khi chạy nhảy trên sàn nhà trơn trượt.  Như thế thì vở kịch của các con sẽ hay hơn đấy! 

Alan khuyên bọn trẻ, một lời khuyên rất khẳng khái và tập trung. Tôi bất ngờ vì những gì đang diễn ra khác xa những gì mình đã tưởng tượng. Mười phút trước, tôi còn hình dung bọn trẻ sẽ bị phạt đứng riêng một góc lớp vì hành vi tinh nghịch của chúng. Nhưng thực tế lại thay đổi mười phút sau, Alan đã định hướng tình huống trở nên tươi sáng hơn bằng việc gợi ý cho bọn trẻ một giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề thay vì trách phạt và xoáy sâu vào lỗi lầm của chúng. 

Buổi tập được thực hiện lại.  Những chi tiết và hành động của các nhân vật trau chuốt hơn và bối cảnh cũng được sắp xếp hợp lý hơn.  Phân đoạn chạy nháo nhào xuống chỗ khán giả cũng không còn. Các nhóm kịch sau cũng lần lượt áp dụng cách diễn chạy rượt đuổi tại chỗ trên sân khấu và nhận được những tràn pháo tay từ phía khán giả.

Toàn bộ sự việc đã xảy ra vào buổi chiều hôm đó đã neo lại trong lòng tôi một cái gì đó, thật khác. 

…. 

Sáng thứ bảy, một đợt nắng hiếm hoi xuất hiện ở quận Dongjak sau chuỗi ngày mùa đông dài đằng đẵng. Nắng tham lam nằm ườn trên đường trông như một mảng phô-mai béo ngậy khổng lồ. Phòng tôi có một ô cửa sổ lớn nhìn ra đường cái, thời tiết thay đổi thế nào, tấm kính đều hiện lên rất rõ. 

Những buổi sáng thảnh thơi như thế, tôi thường dành khoảng một tiếng để chuẩn bị cho những tiết dạy Piano vào buổi chiều. Đó là quãng thời gian thú vị dù mất rất nhiều thời gian. Tuy vậy, sau hơn mười năm đi dạy, tôi học được một điều, chuẩn bị giáo án là bước quan trọng nhất cho cả quá trình giảng dạy. Một sườn giáo án phù hợp và vững vàng luôn là binh khí rắn chắc cho những chiến binh như tôi. 

Ba giờ chiều hôm là tiết dạy Piano cho các bạn sinh viên trường Soongsil. Sự phấn khởi nổ lốp bốp trong lồng ngực tôi như một chảo bắp rang bơ đang nóng trên lò. Sau khi lượt qua các mục tiêu của tiết học cũng như sắp xếp các hoạt động đâu ngăn nắp đâu vào đấy trong tâm trí, tôi thực hiện một buổi diễn tập ảo trước mặt mình. Thói quen này bắt đầu từ những ngày đầu tiên đi dạy ở Wellspring, nó giúp cho tôi rất nhiều trong việc bao quát toàn bộ diễn biến của buổi học và kịp thời chỉnh sửa nội dung cách nhanh nhất có thể. 

Trời mùa đông dù có nắng nhưng vẫn lạnh dù đã độn hai, ba lớp áo trên người. Nhưng chẳng hiểu thế nào, được đi dạy và được nói Tiếng Việt là trái tim tôi thấy ấm áp. 

Buổi học hôm ấy bắt đầu với phần trả bài cũ tuần trước. Lớp có 3 chàng trai, cả ba đều khác biệt theo một cách rất đặc biệt. Với người rụt rè ít nói, tôi sẽ nỗ lực để khơi gợi nhiều hơn. Với người tự tin thích chia sẻ, tôi chủ động lắng nghe để học hỏi. Giáo viên là thế, vì học trò, luôn có thể đóng những vai diễn khác nhau. 

Hoàng trả bài cho tôi. Chàng trai sinh năm 97 với vóc dáng to con ấy ngồi vào cây đàn với dáng vẻ dịu dàng và từ tốn. Hoàng hơi cao nên đôi khi hơi khó khăn để điều khiển những ngón tay của mình nhưng không bao giờ cậu chậm trễ trong việc tập luyện. Buổi học nào Hoàng cũng trả bài đầy đủ cho tôi, kể cả bài hôm nay. 

Tôi nghe Hoàng chơi đàn, một bản nhạc nhịp 3/4. Cơ thể cậu tĩnh lặng trên ghế, đôi mắt cậu không rời bản tổng phổ. Những ngón tay của cậu vẫn lúng túng như hôm nào nhưng xem ra vẫn chưa có ý định ngừng lại. Tôi đếm theo Hoàng, từng nhịp thở của cậu, cứ 4 phách Hoàng lại bắt đầu một nhịp thở. 

Có nghĩa là, Hoàng đang chơi 3/4 thành 4/4 mà vẫn không hay biết. Hoàng kết thúc bài nhanh chóng rồi nhìn sang tôi và hỏi: 

– Em tập như vậy có đúng không chị…? – Cậu hỏi với ánh mắt như thể đã biết câu trả lời. 

– Đúng chứ! Em chơi đúng nốt nhạc rồi đấy! Số ngón tay cũng đúng. Chỉ cần một chút đúng nhịp nữa sẽ rất hay… – Tôi đáp, vẫn tích cực như mọi khi. 

– Vâng! Chắc là thế… – Hoàng khẽ gật đầu – Như vậy có nghĩa là em sai nhịp phải không chị? – Cậu hỏi tiếp.

  • Chị không nghĩ vậy. Em có thể rất hiểu về nhịp 3/4, về quy luật và lý thuyết của nó. Nhưng sự hiểu nghĩa đó chưa đủ để giúp em thật sự thấu hiểu về nhịp 3/4 – Tôi nói với Hoàng. 
  • Nhưng tuần trước mình đã học về nhịp 3/4 rồi mà chị? Em nghĩ là em cũng hiểu sơ sơ rồi.  
  • Em nghĩ là em hiểu chúng, nhưng đó chỉ là em nghĩ thôi.   Trí óc có thể nghĩ những điều vượt xa với sự thật.  Suy cho cùng, âm nhạc thuộc về âm thanh chứ không phải những gạch đầu dòng và các con số. Chỉ là em chưa có cơ hội để cảm nhận nhịp 3/4 một cách âm-nhạc-tính thôi .  Bây giờ thì em đứng lên đi. Chúng ta thử làm cách này xem! – Tôi nói với Hoàng. 

Cả lớp cùng ngồi dậy và xếp hình vòng tròn. Tôi tin cả Hoàng và các thành viên còn lại trong lớp cũng cần phải cảm nhận được nhịp 3/4 dưới dạng thức của âm thanh, là điều cần thiết hơn tất cả, chứ không phải chỉ ở trên giấy. Những đoạn nhạc nhịp 3/4 vang lên từ phía cây đàn Piano tôi ngồi và lớp học bỗng chốc hoá thành một phòng khiêu vũ nho nhỏ. 

Đầu tiên, các bạn học cách cảm nhận phách mạnh của nhịp và chụp (vỗ) vào các phách mạnh. Sau đó, các bạn di chuyển quanh hình tròn với các bước đi vào phách mạnh. Và cuối cùng là bước kết hợp vỗ tay và chuyển động cơ thể để các bạn quen dần với sự luân hồi của của nhịp khi được chia theo hình thức 3 phách. 

Chắc chắn, chúng tôi cũng không thể thiếu bước trải nghiệm với loại nhịp 2 và 4 để có thể đem đến sự cảm nhận và so sánh đầy đủ cho các bạn. Riêng Hoàng, tôi muốn cậu có thể tiếp tục hiểu sâu hơn vì thế cả hai chúng tôi đã cùng nhau chơi ứng tấu 4 tay trên nền nhịp 3/4. Những chuỗi trải nghiệm liên tục này đã đem đến cho Hoàng một cảm giác hoàn toàn khác biệt về nhịp 3/4 và kết quả đến sau khi quay lại với bài tập tuần trước, Hoàng đã làm tốt hơn rất nhiều những gì cậu đã chơi 15 phút trước. 

Học sinh có thể làm tốt nếu họ được hỗ trợ để làm tốt. Tôi tin không một học sinh nào muốn chơi sai nốt nhạc hay đánh đàn sai nhịp. Khi giáo viên đứng trước những vấn đề hoặc những tình huống xảy ra trong lớp học, nhiệm vụ của giáo viên là cần tìm ra cốt lõi của vấn đề và định hướng cách giải quyết tích cực cho học sinh.  Không thể nào sửa sai được cho học sinh nếu như chúng ta cứ bảo rằng “tập thêm nữa đi” hoặc liên tục hỏi “vì sao lại làm như thế?”. Đặc biệt đối với trẻ em, thời kỳ từ 2 đến 8 tuổi là thời điểm nhạy cảm cho tất cả những hành vi giáo dục mà chúng ta tác động lên trẻ. Nếu vội vã không cẩn thận, có thể những ký ức chúng ta để lại trong đầu bọn trẻ về những tiết học Piano chẳng khác gì những giờ đày ải tra tấn. 

Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp và điều kiện của lớp học mà giáo viên có thể có hoặc không có cơ hội tìm hiểu lý do cho hành vi ứng xử/học tập của người học. Đối với một số tình huống khác, giải pháp thực tế có tác dụng ngay tức khắc mà giáo viên có thể sử dụng ngay đó là gợi ý cho trẻ một yêu cầu thay thế nhằm gián tiếp hướng trẻ đến mục tiêu học tập mong muốn.

Tôi đã trải nghiệm tác động tích cực của việc đưa ra yêu cầu thay thế để giúp học sinh chỉnh sửa ngay vấn đề trong buổi học. June 6 tuổi vừa chơi được bài Mari had a little lamb trên vị trí 3 phím đen, con bé rất thích thú vì cuối cùng cũng có thể chơi một bản nhạc hoàn chỉnh. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo ngại nhất là June tiếp xúc phím đàn bằng phần thịt ngón chứ không phải phần đầu ngón. Tôi yêu quý June và cũng không muốn con bé phải cảm thấy gián đoạn khi liên tục bị nhắc nhở về việc cong tròn ngón tay. Thế là chúng tôi có một trò nho nhỏ, mỗi khi tôi hô “pipati, papati, bum!”, các ngón tay của June sẽ từ thẳn thành khum và nếu hô lần nữa các ngón tay sẽ từ khum thành thẳng. Đôi khi chúng tôi cũng sẽ chơi bản nhạc với các ngón tay thẳng và đều thấy hài hước vì trông chúng rất ngộ nghĩnh và…khó dùng hơn là chơi bằng những ngón khum. Và chắc chắn, để chơi được kỹ thuật non-legato phù hợp với đầu ngón tay, June cũng phải làm quen với việc thả lỏng từ bả vai và thư giãn phần cẳng tay, chứ không chỉ gồng cứng phần mu tay như đang giữ một trái banh. Vì thế, để gợi nhớ cho June về cảm giác này, chúng tôi lại cũng có những trò khác, như dùng cánh tay để vẽ hình tròn trên không, vẽ từ nhỏ ra to và ngược lại hoặc giả bước đi trên các phím đàn như chân của sư tử bằng những ngón giữa của hai bàn tay. 

Với những tình huống và các vấn đề xảy ra khác nhau trong tiết hoc, tuỳ theo tính tạm thời hoặc lâu dài của mục tiêu giảng dạy và học tập mà giáo viên có thể cần uyển chuyển cũng như linh hoạt để đưa ra những yêu cầu thay thế cho học sinh, hơn là mất nhiều thời gian để sửa chữa. Điều này thật sự sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giữ cho không khí lớp học luôn ở trong trạng khái tích cực và lạc quan. Đặc biệt, với lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức như từ 4 đến 7 tuổi, giải thích dài dòng có thể không hiệu quả nhiều bằng việc đưa ra những yêu cầu thay thế cho trẻ thực hiện. Đối với việc điều chỉnh hành vi, yêu cầu thay thế có thể giúp giáo viên nhanh chóng đạt được mục tiêu mình muốn khi quản lý lớp học. Ví dụ như: Thay vì bảo trẻ ngừng nói chuyện, hãy cho trẻ có một đề tài trong liên quan đến nội dung buổi học để tranh luận với người bạn kế bên; Thay vì bảo trẻ hãy giở sách ra bài số 2, hãy đố trẻ bài số 2 nằm ở trang số mấy; Thay vì nói trẻ phải ngồi ngay ngắn khi chơi đàn, hãy hỏi trẻ cho bạn thấy khi chơi đàn thì nên ngồi thế nào mới là tốt nhất. Đối với lĩnh vực kỹ năng/kỹ thuật học tập, yêu cầu thay thế cần được kết hợp lâu dài với việc xây dựng thói quen được lặp đi lặp lại sẽ tạo ra những cải thiện đáng kể cho học viên.   Ví dụ như: Trẻ liên tục chơi quá nhanh, thay vì bắt trẻ chơi chậm lại, hãy cho trẻ tưởng tượng mình đang chơi đàn với tốc độ của bộ phim chiếu chậm; Trẻ nghịch đàn và nhấn lung tung, thay vì bắt trẻ ngồi yên, hãy cùng chơi trò “ai giống ai nhất”; Trẻ sợ đọc nốt khoá Fa, thay vì ép buộc, hãy chơi trò “ai nhanh mắt nhất”.  

Điều tôi học được nhiều nhất ở đây là luôn cố gắng định hướng học viên có thể đối diện với vấn đề theo hướng tích cực nhất.  Giống như Alan buổi chiều hôm ấy, anh có quyền nổi nóng và sửa phạt bọn trẻ vì tính nghịch ngợm, nhưng anh đã chọn cách khác.  Alan hiểu tính cách hiếu động của bọn trẻ và anh đã điều khiển tình huống theo một cách rất văn minh và xây dựng.  Chỉ khi có một tình yêu chân thành, Alan mới có thể làm như thế.  

Tình yêu đó cũng tồn tại trong cả bạn và tôi, những người mang một thiên chức cao cả, nghề giáo.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!