Hai giờ chiều nay là đã hơn 70 tiếng đồng hồ sau khi tôi đáp chuyến bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn vẫn vậy, ấm áp và nồng nhiệt, cái nồng ấm đó vỗ về từng centimet trên da thịt tôi, đầy thân thuộc và nóng cháy yêu thương.
- Cảm Thụ Âm Nhạc – Cô Hà Thư Ngày 30.03.2019, đội ngũ Teach For Growth chúng tôi có buổi phỏng vấn livestream đầu tiên với cô Hà Thư về Cảm Thụ Âm Nhạc trên mạng xã hội Facebook. Hồi hộp lẫn xúc động, kết thúc buổi phỏng vấn, chúng tôi vẫn không tin đã dám thực hiện điều này. Rất nhiều những thông tin bổ ích đã được chia sẻ với cộng đồng, rất nhiều hoạt động hay ho về chủ đề Cảm Thụ Âm Nhạc đã đến gần hơn với đồng. Khoá học của cô Hà Thư cũng đã mở ra cơ hội cho những bạn giáo viên mong muốn được nâng cao kỹ năng nhiều hơn trong lĩnh vực giảng dạy Cảm Thụ Âm Nhạc. Gặp laptop lại sao 60 phút trực tiếp với hàng ngàn người xem, tôi thở một cái phào thật nhẹ.
2. Dạy Nhạc Pop Không Cần Sheet Nhạc – cô Tara Boykin Ngày 15.04.2019, cô Tara Boykin là vị khách mời thứ hai của Teach For Growth. Là một nghệ sỹ Piano với bốn album tự sáng tác và cũng đồng thời là Founder của một trường nhạc, Tara đã mang đến một cái nhìn thật mới mẻ cho chúng tôi về cách dạy nhạc Pop mà không cần dùng đến bản nhạc. Tôi vẫn hồi hộp, vẫn run rẩy khi lần đầu phải cất giọng lên và cố để phát âm tiếng Anh cho tròn vành rõ chữ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đến với nhau vượt qua tất cả rào cản về cả ngôn ngữ và địa lý, đến với nhau vì cái tâm muốn đóng góp cho cộng đồng, không một chút cho lợi ích cá nhân.
3. Chứng chỉ ABRMS – thầy Richard Loo. Cuộc phỏng vấn thứ ba với thầy Richard Loo là một buổi nói chuyện rất thú vị về chủ đề Chứng Chỉ Âm Nhạc ABRMS. Buổi sáng ngày 24.05.2019, tôi đến trường Đại Học Soongsil sớm để chuẩn bị cho buổi livestream diễn ra trong 2 giờ nữa. Mặc áo khoác jean của chồng, lấy phông nền là tấm bảng tin tức hành lang, nhìn mình trên màn hình Ipad, tôi trông rõ tôi thật tự do, tự do để suy nghĩ và để tiến bộ. Thầy Richard Loo là người hài hước và chân thành, nếu có thể gặp mặt nhau cà phê cà pháo, có thể chúng tôi sẽ huyên thuyên về giáo dục âm nhạc đến tận chiều tối. Những chia sẻ của thầy đã đụng tới nhiều ngóc ngách trong lòng tôi, cũng như là của những bạn giáo viên đam mê giảng dạy về một định hướng trong tương lai, tôi tin là thế.
4. Giúp đỡ con em trong tập luyện. Cuộc trò chuyện hơn một tiếng đồng hồ đầy thú vị với Shelly Davis mang đến cho tôi những cái nhìn vô cùng mới mẻ về cách phụ huynh có thể giúp đỡ và hỗ trợ con em. Đã có quá nhiều thức tôi bỏ sót, và cũng có rất nhiều thứ tôi có thể học được. Điều tôi nhớ nhất trong những câu chuyện đó là: Nhiệm vụ chính của phụ huynh là tạo ra không gian tích cực cho việc tập luyện của trẻ và giúp trẻ giữ việc tập luyện như là một thói quen. Nút chia sẻ đã được nhấn hơn 10 lần và chúng tôi nhận được gần 10 câu hỏi cho chủ đề này. Tôi vô cùng hạnh phúc khi mang đến được nhiều giá trị cho cộng đồng, còn Shelly thì có thể đã có khoảng thời gian rất thú vị và không thể quên. Kết thúc khi đã quá hơn 11 giờ đêm tại Texas, chúng tôi vẫn còn nhắn tin cho nhau và nói về những cảm xúc lâng lâng của thời khắc đó. Cảm ơn Shelly Davis, chúng ta sẽ lại gặp nhau trên những chuyến tàu.
5. Phương pháp toàn diện trong tập luyện Piano – Benjamin Loh. Lời mời đến Benjamin Loh là một câu chuyện rất thú vị, tôi đã không biết trong danh sách bạn bè Facebook của mình có một chuyên gia về giảng dạy Piano nổi tiếng như thế, cho đến khi tôi bị nhầm người. Nhưng bằng một cách nào đó, mà con bé may mắn như tôi có thể được một nghệ sỹ piano nổi tiếng như thế nhận lời trò chuyện. Trong hơn 60 phút, Ben và tôi nói với nhau về một phương pháp, được ông đặt tên là “A Holistic Approach To Learning The Piano”, với mục tiêu giúp người học chơi Piano có thể đến gần hơn bản nhạc/tác phẩm biểu diễn, mỗi người học Piano cần tìm hiểu về tác giả sáng tác và nghe thật nhiều những tác phẩm của họ. Bên cạnh đó, để tiếng đàn của người nghệ sỹ phát ra được chân thật, ông khuyến khích phụ huynh không nên bảo bọc con cái trong bốn bức tường, trái lại, nên để chúng được sống và cảm nhận đầy đủ hương vị của cuộc sống thật, để chúng có thể mang những điều đó vào âm nhạc. Thật là một quan điểm rất khác biệt!
6. Dạy kỹ thuật cho học sinh trung cấp Piano – Elena Cobb. Mối lương duyên của tôi với Elena Cobb là một cái gì đó rất ngẫu nhiên. Trong một lần đăng hình ảnh của bảng đọc nốt TDP lên group Piano Teacher Central, Elena đã gửi một lời bình luận dưới bức hình của tôi, “Đây thật là một phương pháp hay, tôi thích sử dụng những vật liệu có thể chạm được như thế này hơn là dùng máy tính bảng!”. Và rồi chúng tôi biết nhau qua lời bình luận đó. Nhận lời thực hiện livestream với tôi, Elena chia sẻ rất nhiều về chủ đề giảng dạy kỹ thuật một cách hiệu quả mà vẫn không làm mất đi tính nhạc cảm cho học sinh. Nhưng điều tuyệt vời xa hơn trong lần trò chuyện đó là Elena đã giới thiệu tôi với cô Irina Gorin.
7. Glen và tôi là hai người bạn đã thân với nhau cách đây từ rất lâu. Ông ấy tài hoa song cũng vô cùng tốt bụng. Hơn 5 năm trước Glen đã tổ chức một workshop tại Nhạc Viện về ứng tấu Jazz với những bước đơn giản nhất. Tháng vừa rồi, chúng tôi đã gặp lại nhau một lần nữa sau 2 năm biền biệt. Mặc dù internet kết nối không được tốt nhưng Glen rất nhiệt tình chia sẻ nhiều nhất có thể. Tôi tin buổi trò chuyện hôm đó đã mang đến những thông tin hữu ích cho các bạn giáo viên đam mê chơi ứng tấu Jazz nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
8. Nếu có thể nói 3 từ về Nicola Cantan, tôi muốn nói: Chuyên môn – Sáng tạo – Cách mạng. Rất ít người có thể xây dựng một thứ gì đó như Nicola đã làm – Vibrant Music Teaching. Tôi đã là một thành viên trong đó và không thể phủ nhận tất cả những cơ hôi tuyệt vời mà Vibrant Music Teaching có thể đem lại cho một giáo viên dạy Piano bận rộn ngày nay. Được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với Nicola là một vinh dự vô cùng lớn cho tôi. Với những ý tưởng và brainstorm mà Nicola chia sẻ về chủ đề giảng dạy Piano cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, chắc chắn buổi livestream đã mang đến rất nhiều những thông tin hữu ích không chỉ dành cho giáo viên mà còn cho cả các bạn phụ huynh.
9. Irina Gorin
Teach For Growth vẫn còn nhiều công trình đang xây dựng và cần được hoàn thiện, tôi nghĩ đó là một hành trình không bao giờ dừng lại, cũng như mỗi chúng ta, luôn cần được học tập và phát triển. Sự mạo hiểm có lẽ đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều thử thách trong thời điểm hiện tại, nhưng trên tất cả, những gì đội ngũ Teach For Growth nhắm tới, đó chính là: Phát triển giáo dục âm nhạc tại Việt Nam. Trong chuyến hành trình dài này, chúng tôi không hề cô đơn, không hề. Song song với dự án Teach For Growth dành cho giáo viên Piano tại Việt Nam là rất nhiều những Workshop, những Master class đã và đang dược diễn ra từ Nam chí Bắc, tất cả đều mang chung một sứ mệnh lớn lao.
Nếu như bạn cũng là một giáo viên âm nhạc đầy tâm huyết và mong muốn được chia sẻ, hãy tham gia cùng chúng tôi. Biển trời kiến thức là không bao giờ cạn, kinh nghiệm và những lời khuyên quý báu cũng thế. Một chia sẻ của bạn từ hôm nay, có thể làm thay đổi tư duy và hành động của một con người. Một người thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Nhiều người thay đổi, xã hội của chúng ta sẽ thay đổi.
Đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao?
Link đăng ký ngay đây: http://bit.ly/teach-for-growth
Mọi câu hỏi về dự án, hãy email cho tôi nhé: toidaypiano@gmail.com
Hẹn gặp lại bạn.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
Good job c Ngân ơi. Chúc c nhiều sk và công tác tốt .. Luôn bình an Nhiệt huyết vs nghề.
Cảm ơn bạn nhiều 🙂