Tip #31: Kodaly hỏi, bạn sẽ trả lời?

Những ngày mùa hè, Seoul đã ấm áp hơn.  Bước ra ngoài trời phong phanh với áo thun tay dài và váy chữ A chấm gối, tôi thấy mình nhẹ đi bội phần.  

Nhưng cho dù là đông hay hạ, sở thích được chìm đắm trong những trang sách của tôi chưa bao giờ chấm dứt.  Trên các chuyến tàu, ở giữa âm thanh của tiếng người cười nói và tiếng tàu máy chạy có sự yên tĩnh vô hình mà lại rất hiếm có.

Kodaly, Carl Orff, Dalcroze, Suzuki…những tài liệu, những bài nghiên cứu về các nhà sư phạm âm nhạc đầy tham vọng luôn cuốn hút tôi, có khi, tôi ước mình đủ cơ hội và môi trường để thực hiện hết tất cả những tham vọng của họ. 

Trong danh sách học viên, 80% các bạn nhỏ gặp tôi đều là ở lứa tuổi mẫu giáo đến đầu tiểu học.  50% trong số đó là còn đang mầm, chồi, lá.  50% còn lại là những bạn đã đi học ở trường được 1, 2 năm.  Vì thế, mỗi ngày đến lớp dạy Piano, vấn đề cho tôi giải quyết là không bao giờ hết. 

Trong hàng câu hỏi đó, có một câu tôi thường hỏi chính mình: Làm sao để giờ học Piano luôn được bắt đầu thật thật vui vẻ? 

Khác với một số tip trước đây chia sẻ về những cách khởi động bao gồm các bài luyện ngón bốn tay, những bài tập cảm âm ngắn hay đơn thuần là những bài tập tay không, tip 31 này sẽ nói về một hoạt động khác được tạo cảm hứng từ một nền tảng trong phương pháp giáo dục âm nhạc của Zoltan Kodaly: Hỏi và Đáp 

Trong những năm tháng học nhạc đầu đời của trẻ, Kodaly định hướng từ sớm các mục tiêu về việc hiểu về câu nhạc để có thể ứng dụng trong ứng tấu và sáng tác.  Vì thế, một hoạt động ông khuyến khích các giáo viên âm nhạc sử dụng để bước đầu giới thiệu về hình thức âm nhạccho trẻ em đó là: Hoạt động Âm nhạc Hỏi – Đáp.  

Điều này thật sự rất mới lạ và tuyệt vời cho công việc giảng dạy Piano của tôi.  Vì thế, tôi đã bắt đầu và thử nghiệm ngay một số hoạt động với các học sinh của mình, kết quả là rất khả quan.   Có thể nếu thử, bạn cũng nhận ra điều tuyệt vời giống như tôi. 

1. Thế giới đảo ngược

Mục tiêu: 

  • Luyện ngón
  • Luyện tập tư duy logic 
  • Luyện nghe
  • Luyện trí nhớ 

Thực hiện: 

  • Giáo viên cùng ngồi với trẻ trên đàn, từ trái sang phải. 
  • Giáo viên đàn một số mẫu câu nhạc trên vị trí C Trưởng 5 nốt, trẻ nghe rồi đàn lại. 
  • Giáo viên bắt đầu nói cho trẻ biết bây giờ cả hai sẽ đi vào một thế giới đảo ngược.  Nơi mà những gì giáo viên chơi, sẽ “bị” đảo ngược khi trẻ chơi lại. 
  • Giáo viên có thể thực hiện từ những mẫu câu ngắn, đơn giản, sang dài, phức tạp tuỳ thuộc vào khả năng của trẻ.  
Ví dụ mẫu câu ngắn, đơn giản. Khoá Fa là Giáo viên.
Ví dụ mẫu câu dài. Khoá Fa là Giáo viên.

Ban đầu có thể trẻ sẽ hơi lúng túng khi phải chuyển dịch từ một “pattern” này sang một “pattern” ngược lại.  Nhưng càng về sau, sự phong phú của hai câu nhạc, giai điệu mới mẻ sẽ mang đến cho trẻ cảm giác thú vị và mong muốn được khám phá nhiều hơn.  Bạn có nghĩ thế không? 

2. Hỏi và Trả lời 

Mục tiêu: 

  • Luyện ngón 
  • Luyện nghe 
  • Luyện trí nhớ 

Thực hiện: 

  • Giáo viên cùng ngồi với trẻ trên đàn, từ trái sang phải. 
  • Giáo viên đàn một số mẫu câu nhạc trên vị trí C Trưởng 5 nốt, trẻ nghe rồi đàn lại.
  • Giáo viên giới thiệu về phím G trong vị trí C Trưởng 5 phím, nơi mà khi chơi tạo ra âm thanh không ổn định, giống như một câu hỏi. Ngược lại, phím C trong thang âm tạo ra âm thanh ổn định như một câu trả lời.
  • Giáo viên có thể lấy ví dụ như sử dụng câu hỏi và câu trả lời trong đối thoại trò chuyện, khi hỏi: “Con ăn cơm có ngon không?”, trả lời: “Con ăn cơm ngon ạ!”. Câu trả lời khi được hồi đáp luôn có một phần của câu hỏi.
  • Giáo viên bắt đầu nói cho trẻ biết bây giờ cả hai sẽ bắt đầu đi dạo chơi trên các phím đàn.  Giáo viên là người dẫn cả hai đi chơi, còn trẻ là người sẽ dẫn cả hai “về nhà”.  
  • Giáo viên thực hiện một số các mẫu câu trên vị trí C Trưởng 5 nốt, bắt đầu từ bất kỳ nốt gì nhưng không kết thúc ở phím C. 
  • Trẻ chơi lại câu nhạc đã nghe, nhưng nốt cuối cùng kết thúc ở phím C. 
  • Giáo viên có thể thực hiện từ những mẫu câu ngắn, đơn giản, sang dài, phức tạp tuỳ thuộc vào khả năng của trẻ.  
Ví dụ về cách thực hiện hoạt động “hỏi” và “trả lời”

Với hai hoạt động rất đơn giản để thực hiện này, giáo viên đã những bước đầu hình thành các khái niệm về câu nhạc, cũng từ đó giúp trẻ phát triển tai nghe âm nhạc và luyện ngón một cách dễ dàng.  

Bạn sẽ thực hiện hoạt động nào ngay hôm nay? 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!