Ba tôi là người thích nuôi cá.
Khoảng hơn 10 năm về trước, khi ba tôi còn nuôi một con tai tượng to trong cái hồ xây bằng xi-măng đặt trước sân, chiều nào đi học về, tôi thường hay phải ghé mua bobo cho nó. Riết thành thói quen, ngày nào không mua là lại thấy thiếu. Nhưng không lâu sau, ba tôi đi xa nhà, con tai tượng cũng lặng lẽ đi xa.
Sau này, tôi không còn phải đi mua bobo nữa vì hộp thức ăn khô cho cá đã bầy bán phổ biến. Nhưng ba tôi thì vẫn giữ thói quen nuôi cá của ông. Những con cá la hán lả lướt lượn lờ trong hồ kính bóng láng làm lòng dạ ông khoan khoái. Có lần ông bảo muốn sắm một cái hồ mới to hơn để lũ cá được phát triển, nhưng nhà nhỏ, nên ý định cũng không thể thực hiện.
Lũ cá la hán cứ bé cỡ bàn tay trẻ con như thế, rồi cũng đột ngột qua đời sau một đợt mưa giông.
Câu chuyện cá cảnh trên vô tình lội ngược vào tâm trí tôi một ngày ngồi trên chuyến tàu đến Suwon. Tôi không phải tự nhiên thấy nhớ lũ cá xấu số ngày ấy, mà bỗng dưng chột dạ vì tự hỏi: Phải chăng các học trò của tôi cũng đang bị nhốt trong những cái hồ chật hẹp, không thể phát triển, chỉ bởi vì tôi đã không bỏ chúng vào một cái hồ lớn hơn?
Đầu óc tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi đó suốt mấy hôm liền. Mỗi buổi đến lớp tôi đều nhìn bọn trẻ: Hansa, Floris, Emily, Alethea…rồi nhìn lại mình và cảm thấy bối rối. Những đứa trẻ này, liệu đã thực sự được phát triển hết những khả năng chúng có trong Âm Nhạc?
Có lẽ, để dành cho sự phát triển tự nhiên của trẻ và tạo điều kiện để cho trẻ được phát triển. Giáo viên và cả phụ huynh đều sẽ cần nghĩ đến một số những điều sau đây.
Để cái tôi đằng sau cánh cửa
Cái tôi của giáo viên càng lớn thì càng làm cản trở sự phát triển tư duy của trẻ. Các giáo viên có chuyên môn giỏi luôn tin rằng những gì họ làm là chuẩn nhất, những gì họ tin tưởng và từng được học tập là chân lý duy nhất. Tuy nhiên, trẻ được phát triển nhiều hơn khi giáo viên biết lùi lại một bước và để cho chúng được tự do tìm kiếm tri thức theo thế giới quan của mình. Khi quá trình tìm kiếm đó đi đến kết luận, đây là lúc giáo viên bắt đầu cất lên tiếng nói.
Cái tôi của giáo viên đôi khi cũng vô hình áp đặt lên học sinh những quan điểm chủ quan về cách đón nhận tri thức của học sinh, đáng lẽ ra phải được tiếp nhận bằng tính cá nhân hoá của chúng. Mơ hồ, sự thu nhận tri thức này chỉ là một sự học tập máy móc và lặp lại từ người này sang người khác chứ không thể hiện được sự thấu hiểu tri thức nơi học sinh.
Khuyến khích tìm tòi tri thức
Khoảng ba năm về trước, khi Youtube bắt đầu rộ lên các video hướng dẫn cách chơi Piano những bản nhạc Pop Việt. Tôi có phần khó chịu vì các bạn trẻ có xu hướng tìm kiếm những video này rồi tự tập Piano tại nhà và bỏ quên những bài tập được giao trên lớp. Nhưng cho đến khi nhìn học viên ngồi say mê bên những phím đàn, tự dưng tôi thấy mình hành xử thật ích kỷ. Điều tôi nên làm đó là đưa ra nhiều bài tập mang đến lợi ích cho việc phát triển kỹ năng chơi đàn của các bạn, phục vụ cho việc giúp các bạn tự giải quyết vấn đề cách độc lập, và có thể ứng dụng kỹ năng vào cách tạo ra âm nhạc của các bạn, chứ không phải là ngăn cản học sinh tìm kiếm những bến bờ tri thức mới, đó có còn là lý tưởng cao nhất của giáo dục?
Khi học sinh tò mò và khát khao muốn tìm kiếm tri thức, đó là lúc người giáo viên đã đạt được mục tiêu lớn nhất của họ, khơi gợi niềm đam mê học tập nơi học sinh.
Giữ tâm trí rộng mở
Giữ tâm trí rộng mở để học cách nhìn nhận tri thức từ thế giới quan của mỗi cá thể. Trong lúc giảng dạy, giáo viên có thể vô hình hướng học viên tư duy về một vấn đề dựa theo cách nhìn chủ quan của mình. Tuy nhiên, góc nhìn đó có thể khác xa hoàn toàn so với góc nhìn của trẻ. Sự bảo thủ vô hình này, không chỉ kiềm hãm sự phát triển về việc thấu hiểu tri thức của người học mà còn ngăn cản người dạy học hỏi những góc nhìn đa chiều. Chính sự thấu hiểu càng giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc định hướng trẻ trên con đường chinh phục tri thức.
Không ngừng học tập phát triển
Giáo viên như một cây đèn dầu, mong muốn châm nhiều dầu cho những cây đèn khác chẳng còn cách nào ngoài việc: Bản thân phải chứa thật nhiều dầu. Đủ dầu để luôn giữ được sự sáng cho mình và đủ dầu để giúp những cây đèn khác được thắp sáng. Đối với thế giới công nghệ thông tin hiện đại ngày nay, giáo viên Piano có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc tìm kiếm những khoá học ngắn hạn, workshop về các chủ đề giảng dạy hoặc có thể đơn giản hơn là tham gia các cộng đồng cùng lĩnh vực để được học tập từ những người giàu kinh nghiệm.
Thiết nghĩ, những người giáo viên dạy Piano như tôi và bạn, luôn là những người giữ những vị trí thầm lặng sau lưng các học trò của mình.
Khi nhìn các bạn nhỏ bập bẹ những phím đàn đầu tiên, chúng ta lùi lại đằng sau, yên lặng lắng nghe chúng ngân vang lên những âm thanh đầu đời. Khi nhìn các bạn nhỏ lên sân khấu lần đầu tiên, đầy hồi hộp và sợ hãi, chúng ta nắm chặt tay chúng, tin rằng thành quả đẹp nhất không phải là một bản nhạc hoàn hảo, mà là sự dũng cảm khi chúng dám vượt qua chính mình. Khi nhìn các bạn nhỏ bắt đầu tự ngân nga những nốt nhạc chúng tự tìm được trong một bản nhạc quen thuộc, chúng ta hiểu, Piano đã là một phần cuộc sống của chúng. Khi đến một thời điểm, chúng ta biết rằng, luôn có một cái hồ lớn hơn dành cho chúng.
Chúc cho tất cả chúng ta sẽ luôn sẵn sàng cho những cái hồ to hơn trong tương lai 🙂
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.