Nếu là một học sinh Piano, tôi sẽ…

“Mỗi ngày đi học với em là một ngày vui thưa cô!”

Không khí trong căn phòng 1017 bỗng rơi vào thinh lặng, tiếng rì rì của cái máy lạnh cũ trên trần nhà phát ra nghe như tiếng nhạc nền của một bộ phim câm. Tôi ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế đàn, hai tay buông thõng trên đùi nhưng âm thanh phát ra trên môi thì chắc nịch.

“Mỗi ngày được đến trường, được gặp cô, được học về nhạc Jazz, em vô cùng hạnh phúc. Cảm ơn cô vì đã dạy em.”

Nhận ra khoé mắt mình có phần hơi xúc động, tôi cố ý cười nhẹ một cái để giấu.

Giáo sư Yim sững nhìn tôi trong phút chốc, rồi bà gật đầu mỉm cười. Bà hiểu, những tiết học Piano và mỗi sáng thứ 4 thật sự đã tạo ra những biến chuyển âm thầm bên trong tôi.

Đã hơn chín tháng kể từ ngày đầu tiên gặp nhau, tôi không nhớ rõ những viên gạch ban đầu đã được xây lên khó khăn như thế nào, nhưng cả tôi và giáo sư đều biết, đoạn đường chúng tôi đã đi qua thật sự chẳng hề dễ dàng. Trước giáo sư, tôi đã không tầm sư học đạo bất kỳ ai trong một thời gian dài. Vì thế, khi bản thân có được những trải nghiệm thú vị này và để trở thành một học sinh Piano có những tiết học hạnh phúc, tôi biết mình đã:

1.Giải quyết tất cả bài tập được giao

Khi học viên hoàn thành tốt tất cả những nhiệm vụ được giao về nhà không chỉ giúp tâm lý của giáo viên hưng phấn hơn trong quá trình giảng dạy, mà cònmà còn giúp học viên tiến về đích một cách nhanh nhất. Theo kinh nghiệm của tôi, người học nên ghi chép lại cụ thể những phần cần được tập luyện tại nhà, chia nhỏ ra các phần theo lịch tập mỗi ngày và cố gắng tập ngay trong 24 giờ sau khi kết thúc buổi học, trước khi não bộ loại bỏ những phần kiến thức đó.

2. Ghi âm buổi học

Người lớn chúng ta luôn vô thức, giữ lại hàng tỉ thứ linh tinh trong đầu để không thể nhớ được những thứ quan trọng cần nhớ. Nhận biết điều này xảy ra với ngay cả chính mình, tôi đã thu âm lại tất cả những tiết học Piano với giáo sư Yim mỗi sáng thứ tư. Ngỡ rằng hành động đó sẽ khiến bà khó chịu, nhưng trái lại, giáo sư Yim đôi khi còn nhắc tôi về việc đã quên bật máy thu âm. Đúng như thế, những đoạn ghi âm này giúp tôi rất nhiều trong việc tập luyện Piano tại nhà, như một cỗ máy thời gian có thể tua đi tua lại, tôi có thể dễ dàng nghe nhiều lần một đoạn nhạc giáo sư đã chơi và cũng như có thể không bỏ lỡ bất kỳ những gì bà đã truyền đạt từ nhiều tuần trước.

3. Ứng dụng

Giáo dục, cốt lõi cuối cùng là đem đến cho con người sự tự do trong cuộc sống. Học Piano, mục đích cuối cùng cũng chính là giúp cho chúng ta có thể chơi được bất kỳ những gì chúng ta thích và theo cách chúng ta muốn trên 88 phím đàn. Vì thế, quá trình học viên tư duy để ứng dụng được những tri thức đã được học vào thực tế là vô cùng quan trọng. Nếu kiến thức, kỹ năng chỉ được viết và chơi lại từ trên sách vở, chúng ta mãi mãi chỉ là những cỗ máy sao chép.

4. Phát triển thẩm mỹ âm nhạc

Không gì giúp phát triển thẩm mỹ âm nhạc nơi con người nhiều hơn là bắt đầu từ việc nghe nhạc. Nếu bạn đang học Piano cổ điển, hãy nghe các tác phẩm thuộc trường phái cổ điển, kể cả những bản giao hưởng. Nếu như đang học về Piano Đương Đại, hãy để tâm trí mình được đắm chìm trong những tác phẩm của Yiruma, Chibistudio, Brian Crain… bất kể là chúng ta học chơi thể loại gì, chỉ khi bên trong chúng ta có âm nhạc thì chúng ta mới có thể tạo ra âm nhạc.

Kết.

Cơn mưa mùa hạ đã đổ xuống những dãy núi của thành phố Gyeonggi-do, nơi tôi vẫn thường hay tới để học Piano khoảng hai tháng gần đây. Con suối nhỏ nằm kế bên ngôi nhà thờ của giáo sư Yim cũng đã được lấp đầy với dòng nước trong veo mát rượi. Tâm hồn tôi cũng thế, được tưới tắm bằng thứ âm nhạc kỳ diệu bà đã đổ vào tai. Và tôi nhận ra rằng, để được hạnh phúc bên những phím đàn, không gì khác hơn, là tôi cứ ở trong nó.

“Cảm ơn cô, cô Yim. Cô đã giúp em tìm được chính mình.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!