Nhật ký 17 – Bạn đến lớp vì điều gì?

Chiều thứ sáu, tiết học vừa kết thúc, tôi vội vã thu dọn đồ đạc chuẩn bị rời đi. Hansa đợi ở cửa, nó nhìn tôi như có vẻ chuẩn bị sẵn sàng cho một cái ôm tạm biệt. Tôi cúi người xuống rồi choàng tay qua vai Hansa. Dường như con bé đã cao hơn mùa hè năm ngoái một tẹo, những sóng tóc đen dày của nó áp vào má tôi ấm áp.

– Cô hỏi Hansa nhé, lúc nào chúng ta cũng có những tiết học vui như thế này thì con có thấy chán không?

– Không! Con chỉ thấy hào hứng thôi!

Hansa đáp lời tôi rất nhanh. Ánh mắt nó nhìn tôi với vẻ rất chắc chắn.

Tôi phì cười rồi vuốt nhẹ lên mái tóc con bé và bước ra cửa. Hansa gọi với theo đằng sau lưng tôi:

– Tạm biệt cô ạ! Tuần sau lại gặp cô ạ!

Những bậc cầu thang dẫn tâm trí tôi ra nơi thoáng đãng. Phải rồi, tôi đã vừa hoàn thành xong một tiết học tuyệt vời nữa. Nhưng, sao có vẻ như…tôi lại chưa thấy thoả mãn?

Ánh nắng chiều buông xuống trên những tán cây chuyển màu nâu đất. Cơn gió mùa thu vừa đùa nghịch trên mái tóc. Ngồi trong xe bus và tôi để tâm trí trôi lãng đãng theo tiết trời tháng chín dịu dàng đang đung đưa mình ngoài kia.

Thật sự thì điều gì tạo động lực để tôi đến lớp mỗi ngày? Có phải để tạo ra những tiết học tuyệt vời hay để giúp đỡ đứa trẻ cách giải quyết vấn đề khó khăn một cách tuyệt vời?

Có thể với nhiều người khác, việc có được một học sinh ngoan và giỏi là điều may mắn, thậm chí có khi là thứ hạnh phúc không lời mà vô cùng xa xỉ. Với tôi cũng thế, Hansa hay Floris, những đứa trẻ xuất sắc ấy, chúng đều là những pianist trẻ tiềm năng khiến lòng tôi tự hào mỗi khi nhắc đến. Nhưng, khi mọi thứ đã hoàn hảo đến như thế, dường như không còn gì là nguồn động lực khiến tôi phải đau đáu suy nghĩ để tìm cách vượt ra ngoài giới hạn giảng dạy của mình nữa.

Tôi sẽ đến lớp, với tâm trạng vui vẻ hạnh phúc vì biết rằng dù thế nào, bọn trẻ cũng sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề được đặt ra, và chẳng việc gì tôi phải quá lo lắng cả nghĩ.

Tôi cũng sẽ đến lớp, với một sườn giáo án hoàn hảo và lời thoại quen thuộc, tìm cách chạm vào bọn trẻ như cách những cái app dạy chúng chơi một bản nhạc.

Tôi cũng sẽ chẳng còn ham muốn tìm hiểu về những phương pháp mới, chẳng còn thích thú đọc những cuốn sách hay, vì mọi thứ nay đã quá hoàn hảo, không việc gì tôi phải cố gắng thêm nữa.

Tôi cũng sẽ viết tiếp về những tiết học đầy ắp tiếng cười và lung linh màu hồng. Để thế giới tin rằng, việc dạy nhạc là như thế. Một thế giới màu hồng và mọi thứ hẳn đều rất dễ dàng và đơn giản.

Là như thế, khi tôi không còn nhìn thấy những thử thách và không còn muốn gặp mặt những khó khăn. Không còn những mâu thuẫn xuất hiện nữa, liệu tôi có còn động lực để tiếp tục phát triển?

Khi chúng ta quyết định đón nhận một thử thách chính là giây phút chúng ta sẽ bắt đầu học một điều gì đó. Ngày tôi nhận một học sinh mới với đầy rẫy những vấn đề cần được giúp đỡ để giải quyết, cũng là ngày tôi biết mình sắp được học một điều mới mẻ. Càng dũng cảm để học những điều mới, tôi lại càng có điều kiện để phát triển và tiến bộ.

Có lẽ là thế, những khó khăn luôn hiện diện không phải để ngáng đường tôi, nhưng để giúp tôi luôn biết cách định nghĩa rằng “học tập trọn đời” – lifelong learning, là nhiệm vụ của một người giáo viên mà tôi chẳng bao giờ nên quên.

Nhật ký của một cô giáo dạy Piano

27.09.2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!