Mẹ tôi là một người rất yêu gia đình.
Bà thích bày biện sắp xếp nhà cửa, từ phòng khách cho đến bàn ăn. Những đồ vật của gia đình chúng tôi từ mươi mấy năm về trước cũng được bà cẩn thận giữ lại và đặt chúng mọi ngóc ngách. Cặp kiếng mát đã lỗi thời hay cái cặp da laptop tôi mang đi dạy Nhạc năm kia đều vẫn đang nằm đâu đó trong nhà. Cả những cái ly, cái muỗng đã sờn cũ mẹ tôi cũng không nỡ bỏ đi huống chi là đôi giày kỷ niệm ai đó tặng cho mẹ tôi gần 5 năm về trước. Tưởng chừng như, ngôi nhà của chúng tôi luôn tồn tại hơi thở của cả quá khứ và hiện tại. Mọi thứ thật sự ấm cúng song cũng…đầy ắp.
Chuyển sang ngôi nhà mới, tôi cứ ngỡ mẹ sẽ lúng túng khi căn phòng đã to hơn và số đồ dùng trong nhà cũ ngày trước chắc phải vất vả lắm mới bày biện cho hết không gian được. Nhưng, ngược lại, lấp đầy khoảng trống chẳng phải là thử thách gì to tát với mẹ tôi. Phòng càng rộng bao nhiêu, mẹ tôi càng thể hiện biệt tài bày biện xuất sắc bấy nhiêu. Với mẹ, mỗi đồ vật hiện diện trong căn nhà đều có lý do chính đáng và chẳng có cái gì là nên bỏ. Tuy nhiên, trong mắt tôi, không phải tất cả những sự hiện diện đó đều có giá trị và hơn hết là, mang đến niềm vui thật sự cho gia đình.
Tôi cũng yêu lũ trẻ và những căn phòng của mẹ làm tôi chợt nhớ đến những tiết dạy Nhạc đầu tiên của mình. Ngày mới nhận lớp, tôi hay than vãn: “35 phút làm sao em dạy được cái gì hã chị?”. Trong tâm trí tôi lúc ấy, một buổi học chỉ có hơn nửa tiếng đồng hồ chẳng-thể-nào đem đến cho bọn trẻ kiến thức giá trị gì trong Âm nhạc. Học sinh của tôi cần cả giờ đồng hồ để được đắm chìm trong tri thức âm nhạc và đôi khi chúng còn cần nhiều hơn thế ấy chứ! Và để thể hiện quan điểm đó, tôi đam mê đem lên giáo án tất cả mọi hoạt động, trò chơi, câu hỏi…vv…với ước ao bọn trẻ sẽ học được thật nhiều, biết được thật nhiều, thứ. Với tôi, rất nhiều hoạt động nên được “hiện diện” trong một tiết học và cái nào cũng có lý do trở thành thứ quan trọng cả! Thật tham vọng! Nhưng để mang đến lợi ích cho lũ trẻ, tham vọng đó không phù hợp sao?
Song, thực tế thì khác, khi cảm giác về thời gian càng rộng rãi bao nhiêu, tôi lại càng ít tập trung vào những nội dung có giá trị quan trọng bấy nhiêu. Cũng giống như những căn phòng của mẹ tôi, sự rộng rãi của nó là một cái bẫy ngọt ngào luôn khiến bà cảm thấy thoải mái khi lấp vào những chỗ trống với những món đồ cả mới lẫn cũ. Tuy vậy, trong số chúng, phải chăng tất cả đều có giá trị như nhau và mang đến niềm vui như nhau?
Sau gần hai năm gác lại việc đến lớp và đối diện với chính mình sau những tiết học đầy ắp, tôi đã nhận ra rằng:
Hiểu Rõ (Những) Mục Tiêu Giảng Dạy…
…là quan trọng hơn cả.
Khi nắm chắc được mục tiêu, mọi hoạt động của giáo viên đều được nhất quán. Sự nhất quán trong buổi học chính là ngọn hải đăng giúp giáo viên nhìn thấy mục tiêu rõ ràng nhất mà con thuyền tri thức của mình cần hướng đến. Điều này hỗ trợ cho cả giáo viên cũng như học sinh trong việc dạy và cả việc học, đem đến hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với một tiết học dài gấp đôi thời lượng nhưng lan man về nội dung. Bên cạnh đó, phân bố và kiểm soát thời lượng phù hợp cho các phần trong tiết học cũng sẽ giúp giáo viên đạt được mục tiêu của quá trình giảng dạy một cách khoa học và logic hơn.
Hạn Chế Tối Đa (Những) Vấn Đề Không Liên Quan…
…là cách tốt nhất để tập trung năng lượng.
Hai đứa trẻ nói chuyện trong lớp hoặc ai đó viết đầy lên bảng mà quên xoá, thay vì mất 5 đến 7 phút để giải quyết những thứ lỉnh kỉnh này, giáo viên chỉ nên dùng phân nửa lượng thời gian như thế để xử lý chúng. Năng lượng của giáo viên và học sinh càng được tập trung tốt vào điểm cốt lõi của buổi học bao nhiêu, sự phân tán từ những vấn đề không liên quan sẽ được giảm thiểu nhiều bấy nhiêu. Những vấn đề dễ có thể gây ảnh hưởng đến mạch dạy và học có thể là cách giáo viên chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở tài liệu, ổn định lớp, thưởng phạt cho học sinh…vv…Tuỳ vào mục tiêu giảng dạy của tiết học mà giáo viên có định hướng chính xác cho năng lượng của buổi học cần phải tập trung vào đâu.
Không Phải Bỏ Đi Bao Nhiêu…
…mà là chọn lọc để giữ lại những gì quan trọng.
Đỉnh cao của một giáo án tinh gọn là tập trung những mục tiêu quan trọng chứ không phải cố gắng loại bỏ đi thật nhiều thứ. Bước loại bỏ là không thể thiếu, nhưng song song với nó, xác định nội dung và mục tiêu cần được ưu tiên sẽ giúp giáo viên đưa ra lựa chọn đúng đắn điều gì nên giữ lại nhất. Học sinh cần ghi nhớ nội dung nào khi bước ra khỏi lớp sau 30 phút tiết học hôm nay? Điều gì sẽ lưu lại trong tâm trí của bọn trẻ về tiết học ngay cả khi chúng đã về đến nhà? Đều là những câu hỏi giáo viên cần tự vấn mình trước khi bắt đầu mỗi tiết học.
Giống như một cái điện thoại thông minh được sạc đầy pin, năng lượng của chúng ta được phân bổ như thế nào tuỳ thuộc vào bao nhiêu ứng dụng ngầm chúng ta đang bật. Càng giữ lại ít ứng dụng trên điện thoại, chúng ta càng có nhiều hơn nguồn năng lượng để tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng.
Sau khi mất 10 phút để càm ràm, tôi bắt tay vào dọn dẹp những căn phòng cho mẹ như dọn dẹp lại giáo án của tôi. Từng món vật dụng khác nhau được đặt vào mỗi căn phòng khác nhau đúng với chức năng của nó. Phòng ngủ là nơi để thư giãn và nghỉ ngơi, chúng tôi sắp xếp một không gian thoáng đãng và sạch sẽ để tận hưởng được một giấc ngủ ngon. Nhà bếp là nơi nấu nướng, các ngăn tủ đựng nguyên liệu và hũ đựng gia vị được đặt ngay ngắn và thuận tiện để mẹ có thể với tay lấy chúng dễ dàng. Từng thứ một khi được để đúng chỗ đều ánh lên niềm vui thích khi chúng tôi nhìn vào chúng, như cách Kon Mari đã nói: Does this spark joys? – Nó có làm bạn thấy vui thích không?
Mẹ tôi vẫn giữ lại những món đồ cũ, vì sự có mặt của chúng đem lại niềm hạnh phúc cho bà. Giống như cách tôi vẫn không muốn bớt đi những phút được ngồi xuống nói chuyện với bọn trẻ, dù đó có thể khiến tôi phải ra về muộn hơn 30 phút.
Mẹ tôi vẫn yêu gia đình, và nay thì bà còn yêu hơn những căn phòng được sạch sẽ tinh tươm. Tôi vẫn luôn yêu học sinh của mình, và nay thì còn yêu hơn những tiết học giúp tôi chinh phục được những mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp giảng dạy âm nhạc.
Bạn cũng thế chứ?
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.