Nhật Ký 18 – Cho Elise (done)

– Con không biết nghĩ sao…Còn cô thì sao NaNa?

Floris ngồi kế tôi, thằng bé vò đầu bức tóc tìm câu trả lời khi tôi hỏi về một hình ảnh nào đó mà nó có thể cảm nhận được qua đoạn nhạc vừa mới nghe.

-Cô không biết, con nghĩ xem!

Floris trầm ngâm, khuôn mặt nó dài ra còn ánh mắt hướng qua cửa sổ, nơi ngọn núi đang phớt hồng hoàng hôn.

-Theo cô, đoạn nhạc này giống như thể hiện một chuyến hành trình phiêu lưu mạo hiểm sắp được bắt đầu.  Mọi người rộn ràng lên tàu, cánh buồm được kéo căng, ai cũng vui vẻ, hào hứng, phấn khởi chờ đợi khám phá những điều mới đang đến – Tôi chậm rãi chia sẻ những gì mình thấy.

– Ồ… – Floris gật đầu nhè nhẹ.  Mái tóc ánh kim của nó ánh lên dưới tia nắng ngả xuống từ bên ngoài tấm cửa kiếng.

Rồi thằng bé sửa dáng ngồi, nó bất chợt tựa lưng ra đằng sau, cái ghế gỗ kêu khẽ vì cú dựa quá đột ngột.  Miệng nó hum hum những câu nhạc đầu tiên của bài “Cướp biển vùng Caribean”…quay sang nhìn tôi với đôi mắt xanh biếc của vùng biển Thái Bình Dương đó, nó nói:

-Con hiều rồi ạ.  Nhưng…khó nói quá cô nhỉ? – Nó gật gù và lại nhíu mày.

– Không sao cả.  Chỉ cần con nói những gì con cảm nhận, cách con nhìn thấy qua những gì con nghe được – Tôi mỉm cười, nhìn với vẻ chắc chắn vào sâu đôi mắt xanh thăm thẳm đó.

Có lẽ trước đây, chưa từng ai bảo với Floris: “Này nhóc, hãy nói lên cảm nhận của con!”.  Hoặc cũng có thể, thằng bé lớn lên giữa một xã hội luôn tìm mọi cách để áp đặt cảm nhận của một cá nhân vào trong những khuôn khổ, cũng có chăng cuộc sống thực của thằng bé quá khô cằn để không có gì khiến Floris phải cho phép tâm trí mình được phép bay bổng.

Hai đến ba tháng đầu tiên, chúng tôi mắc kẹt trong những chuyến du hành không đến nơi đến chốn đó.  Floris chẳng cảm nhận được gì qua những bài tiểu phẩm nó đánh, hoặc nếu có thì rất khó khăn để sự trừu tượng ấy  phát ra thành lời.

Tất nhiên tôi không chấp nhận chịu thua. Nếu phải chơi một tác phẩm hay tuyệt vời nhưng lại không thể nhìn thấy những hình ảnh ẩn giấu bên dưới những tầng âm thanh đó thì quả thực là một điều vô cùng đáng tiếc cho bọn trẻ của tôi.  Vì như thế, tôi đã tiến đến quyết định: Nếu Floris chưa thể nhìn thấy được, thì nó sẽ học cách vẽ nên bức tranh của chính nó.

Bốn tuần sau, tôi mang đến tiết học một hoạt động để khuyến khích trí tưởng tượng của Floris: Sáng Tác

Hôm nấy chúng tôi nói về điệu thức Mi Trưởng và sau đó thì bắt đầu ứng tấu với nhau một vài vòng hoà âm đơn giản.  Thằng bé chơi giai điệu với tay phải còn tôi thì đảm nhiệm phần đệm hoà âm bên dưới.  Floris khá hứng khởi với ứng tấu mặc dù nó hẳn là một đứa trẻ hơi rụt rè và hay mắc cỡ.  Tiếp tục sau đó, chúng tôi bắt đầu đi vào phần sáng tác hai đoạn nhạc trên cùng điệu thức E Major với cách phát triển các motif khác nhau.

Vô cùng thử thácg, song, với việc làm quen thông qua hoạt động ứng tấu trước đó, Floris phần nào có thể hình dung một chút về những gì nó muốn đặt vào sáng tác đầu đời của nó.  Áp dụng triết lý của Kodaly về cách hỏi và đáp trong âm nhạc khá thành công, Floris và tôi đã cùng nhau đi đến những bản nháp đầu tiên cho bản nhạc của thằng bé.

Thì giờ rất tốt lành đã đến, tôi bắt đầu hỏi:

-Floris này, khi con chơi bài này của con sáng tác, thì con cảm thấy như thế nào? Con có hài lòng không? – Tôi mỉm cười đầy vẻ thân thiện chuyên nghiệp.

-Cũng được ạ. Nhưng hơi buồn ạ. – Ánh mắt nó vừa hạnh phúc song cũng vừa băn khoăn cùng tại một thời điểm.

-Buồn như thế nào nhỉ? – Tò mò tôi hỏi.

-Không hẳn là buồn…Nhưng có gì đó như là chờ đợi… – Floris bắt đầu đặt tay nắm vào cánh cửa của trí tưởng tượng.

-Ồ thú vị nhỉ? – Giọng tôi cồn cào, nóng lòng muốn biết có cái gì “như là chờ đợi” đằng sau cánh cửa đang hé mở đó.

-Ừhm… – Thoáng chút ngần ngại, đôi môi thằng bé lò dò tìm một thuật ngữ nào đó chính xác.

-Như thế nào Floris, con có thể miêu tả một chút chứ? Ai chờ ai…ví dụ vậy. – Tôi đẩy Floris gần hơn một chút phía ánh sáng đang le lói phát ra.

– À…hình như là…giống như là có một cô bé, à…đang ngồi đợi ba của cô bé trong nhà…ừm…ngoài trời thì đang mưa…cô bé ấy đợi rất lâu nhưng người ba vẫn chưa về…con nghĩ vậy… 

-Ồ… – Tôi nhướn mày.

-…nhưng một hồi sau thì ba cô bé cũng về và mọi người đi vào bên trong nhà và trời thì hết mưa cô ạ.

-Wow, thật thú vị Floris! Cô thích câu chuyện này.  Đó là một câu chuyện hoàn hảo cho bản nhạc của con. – Dù vẻ ngoài cố điềm tĩnh, nhưng bụng dạ bên trong tôi đang cố che giấu sự ngạc nhiên đến tột độ.

Tôi vươn nhanh người lấy cây bút chì và đưa cho thằng bé để nó có thể viết ra những gì nó tưởng tượng vào tờ nháp đầu tiên của bản nhạc.

Floris đặt bút xuống, nó ghi:

Elise is waiting for her father

E-l-i-s-e?

Tôi ngạc nhiên đến kinh khiếp.  Nhìn thằng bé viết những từ đầu tiên trên giấy, thớ da trên cánh tay của tôi nổi hột li ti như một miếng da vịt bị luộc chín. Từ đâu mà Floris lại có thể tưởng tượng một cô gái tên là Elise đang đợi ba của mình trở về nhà dưới cơn mưa?

Phải chăng âm nhạc đã thật sự mang đến cho thằng bé hình ảnh đó, hay có thứ gì đó đã được thức dậy bởi những cú va chạm bằng âm thanh?

Những tuần học sau, Floris bắt đầu thoải mái hơn với những câu hỏi của tôi về cảm nhận của nó. Thằng bé tự tin và nói rất nhiều những hình ảnh mình nhìn thấy. Tiếng đàn của nó tinh tế hơn và thể hiện đầy đủ những gì nó muốn vẽ ra, bằng âm nhạc.  Nhìn Floris thong thả ngồi chơi bản nhạc của chính nó sáng tác, tôi cảm thấy dường như đã mở được một cánh cửa đã đóng kín bấy lâu.

Thật tuyệt! Elise! Chúng ta đã thành công!

Nhật ký của một giáo viên dạy Piano 

20.05.2019 

One Reply to “Nhật Ký 18 – Cho Elise (done)”

  1. Hi c Ngân.
    Em thấy thiet thú vị khi doc bài viết này và cũng thấy có gì đó “ vướng mắc” nữa…
    Vướng chỗ làm sao m có thể đem âm nhạc đến một cách tự nhiên cho trẻ và cụ thể hoá nó bằng những gì trẻ suy nghĩ và cảm nhận..
    Thật nể phục vì những gì chị làm được, mong đc học hỏi thêm ở chị những cách dạy phong phú cho một tiêt học nhạc.
    Hi vọng là c đọc và chị phản hồi lại hi hi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!