Ga Gangnam-gu nằm trên chuyến tàu điện từ Suwon về Soongsil có một tiệm cà phê nướng bánh bông lan bắp rất ngon. Một bịch bánh nóng hổi thơm lừng 12 cái tròn mũm mĩm chỉ có giá ba ngàn won. Mỗi tối đi làm về tôi thường hay ghé chỗ ấy mua bánh bắp và mua thêm một ly trà sữa nên bà chủ quen mặt, đến nỗi, mỗi khi tôi đi ngang, bà đều nhìn tôi nở một nụ cười mong đợi.
Ông bà chủ lớn tuổi siêng năng làm việc đến thế nhưng cũng có ngày bỗng dưng không mở cửa tiệm. Tôi nhớ mùi bánh bắp nên đành ghé vào một nơi khác để mua. Bánh ở đây cũng rất thơm, ba ngàn won cũng được 12 cái tròn mũm mĩm, nhân kem bắp bên trong nếu so ra thì được nhiều hơn cả tiệm của ông bà già kia. Nhưng thật kỳ lạ, sao với tôi, nó chẳng hề ngon như những cái bánh bán ở ga Gangnam-gu.
Ban đầu tôi nghĩ có thể do lạ chỗ, sự liên kết rời rạc giữa người với người và những mối quan hệ xa lạ dễ dẫn chúng ta đến những cảm giác kỳ dị khi phải bắt đầu thứ gì đó mới.
Nhưng khi ăn đến cái thứ 3, tôi mới phát hiện lớp nhân kem chính là vấn đề.
Lớp nhân kem quá nhiều đã làm mất đi sự cân bằng của cái bánh. Sự cân bằng hoàn hảo giữa vị lạt của lớp bánh bông lan, cùng với lớp kem bắp thơm ngọt bên trong những cái bánh nóng hổi mà ông bà già ở ga Gang-nam đã bán cho tôi, chính thật là thứ đã quyến rũ linh hồn đói lả của tôi vào những ngày mùa đông.
Tôi đay nghiến mấy cái bánh bắp cả buổi, cũng không quên làm một bài nghị luận với bạn cùng phòng về việc đầu bếp phải biết nêm nếm cân bằng khi nấu nướng, đó mới là chứng tỏ là đầu bếp chuyên nghiệp. Lũ bánh bắp nằm im lìm trong bịch nghe tôi nói, buồn chán khoanh vào nhau một cục.
…
Floris, học sinh của tôi, là một thằng bé ngoan ngoãn dễ thương. Nó hài lòng với hầu hết mọi thứ được mang đến. Chẳng bao giờ Floris nhăn nhó bất hợp tác dù là ngay cả những hoạt động khó nhai nhất như ứng tấu hay sáng tác. Cứ như thế, chúng tôi êm đềm đi qua những ngày tháng đầu tiên của cuộc hành trình.
Cho đến một buổi chiều, Floris bắt đầu tiết học rất bình thường bằng việc mở sách ra và chơi những bản nhạc trong đó. Thằng bé làm tốt đến mức không có từ ngữ nào có thể miêu tả hơn. Có khi nó còn chế ra những trò body percussion để thêm vào bài nhạc và có lúc nó còn năn nỉ tôi cho chơi đi chơi lại 2, 3 lần một bản nhạc cũ mèm.
Giữa cao trào của cuộc hưng phấn, Floris buộc miệng:
– Mình tập thêm đi cô! Con thích như vầy nè! Nó vui lắm!
Đó là lần đầu tiên tôi nghe Floris nói như thế sau ba tháng chúng tôi cùng ngồi với nhau vào những chiều hoàng hôn của Iteawon. Tôi giật mình hỏi:
-Thật à? Con thích nhìn bản nhạc và chơi chứ không thích chơi ứng tấu tự do à?
Thằng bé im lặng. Nét bối rối hiện lên rõ rệt trên khuôn mặt nó. Giọng Floris bỗng chùng xuống như một trái bóng đang xì hơi:
-À…có phải là cái mà mình chơi tự do, mà không chuẩn bị sẵn không cô?
-Ừ…! – Tôi chớp mắt.
-Cái đó cũng được ạ… – Floris trả lời, trái bóng trong miệng thằng bé xẹp xuống và mềm nhũn.
-Nhưng không bao giờ cô nghe con nói con thích nó cả! Có phải là…con chỉ thích nhìn bản nhạc và đánh nốt nhạc, giống như chúng ta đang làm bây giờ không? – Tôi nhìn sâu vào suy nghĩ của thằng bé.
– Vâng…Thế này vui hơn cô ạ…! – Floris ngập ngừng, song cũng ngoan ngoãn đáp lời.
Căn phòng lặng thinh. Tôi cảm giác như có một luồn điện vừa chích mình từ đằng sau lưng. Những tia nắng chiều đẹp đẽ đó bỗng từ đâu hoá thành những mũi tên nhọn hoắc vàng choé bắn vào lồng ngực của tôi. Tôi ngồi đó và đã “chết” trong ít nhất 5 giây.
Câu trả lời vô tư của Floris quật ngã cái lòng tự hào bấy lâu nay của tôi. Tôi cứ nghĩ rằng, xem nào, mình sẽ dạy cho Floris chơi ứng tấu, điều đó sẽ khuyến khích thẩm mỹ âm nhạc của thằng bé được phát triển, mình cũng sẽ dạy nó sáng tác, vì như thế là tốt cho trí tưởng tượng âm nhạc của nó và cả việc học lý thuyết âm nhạc nữa! Đâu ngờ rằng, niềm vui đơn giản của Floris chỉ là, được nhìn bản nhạc và chơi ra những gì được viết ở trên ấy.
Có khi nào giáo viên chúng ta đã mang đến buổi học những hoạt động không thật sự khiến bọn trẻ thấy hào hứng, cho dù trong mắt chúng ta đó là những thứ rất tuyệt vời?
Có khi nào chúng ta chọn cách luôn yêu cầu đứa trẻ làm theo những gì chúng ta mong muốn hơn là thấu hiểu về chúng là một thực thể khác biệt?
Có khi nào chúng ta đưa cho bọn trẻ một bịch bánh bắp nhân nhiều kem, nhưng lại chẳng hề biết chúng là người ăn nhạt?
Floris có thích ứng tấu với tôi không? Chắc chắn là có. Nhưng liệu thằng bé có quan tâm đến ứng tấu không? Hẳn là không. Nó chỉ đang cố gắng đáp ứng với những gì tôi đã mong đợi.
Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhớ đến cái bánh bắp hôm nào. Chủ tiệm bán những cái bánh bắp quá nhiều nhân kem ấy liệu có biết tôi là người thích ăn ngọt hay chỉ thích ăn nhạt? Kem được cho nhiều vào bên trong là bởi vì lòng tốt của ông hay vì ông thực sự không hiểu gì về sự tinh tế trong ẩm thực?
Tuy nhiên, rốt cuộc lại thì cách ta ăn uống chẳng hề giống với cách ta học tập.
Nếu ăn uống chỉ để giải quyết bản năng của phần “con” trong “con-người”, thì học tập lại là thứ quyết định phần “người” được tiếp tục phát triển để hoàn thiện. Những gì một buổi học Piano có thể đem lại cho Floris chẳng phải để thằng bé được thoả mãn cái bụng đói, song là để xây dựng một môi trường lý tưởng để hạt giống âm nhạc bên trong Floris có thể được nảy mầm.
Như Einstein đã chắp môi rằng: “Tôi chẳng dạy gì cho học sinh, tôi chỉ tạo ra một môi trường có điều kiện đầy đủ để chúng được học tập.” – Đó là khi cả thế giới sư phạm đã được thu nhỏ bằng chỉ một câu nói của ông.
Môi trường học tập được bao hàm như là một mắc xích của cả hệ thống giảng dạy. Đó như là một cái hồ nước nơi những con-cá được bơi lội thoả sức, hay những cái cây cao cho lũ-khỉ được thoải mái leo trèo. Song, trước khi chúng thật sự biết chúng là gì, người huấn luyện chính là người định hướng và giúp chúng nhận biết rõ nhất về mình.
Nếu người nuôi thú nhốt những con khỉ chung với bầy cá, nó sẽ luôn cảm thấy tại sao việc bơi lội dưới nước lại khó khăn với mình đến thế? Có phải mình là đứa ngu ngốc không?
Đây là nơi câu chuyện được bắt đầu. Liệu trong 3 tháng đầu tiên, tôi đã nhìn thấy Floris như là một Floris của xã hội hiện đại hay là một Floris thực sự độc nhất? Liệu tôi có xếp thằng bé vào chung với bầy cá khi vẫn chưa biết được khả năng đứng nước của nó là rất tệ?
Đôi khi, đó cũng là lời phát biểu của một giáo viên chân chính. Có chăng khi tôi nói rằng, vì muốn Floris phát triển được tai nghe âm nhạc nên thằng bé cần phải tập luyện ứng tấu nhiều hơn? Hoặc có khi, vì định nghĩa rằng, Floris phải biết đọc nhạc trơn tru như học đọc chữ, nên tôi sẽ luôn nghiêm khắc bắt khi thằng bé phải nhìn lên bản nhạc để chơi. Tất cả đều là những lý do tốt để minh chứng cho sự chuyên nghiệp của tôi.
Nhưng sẽ thế nào nếu Floris chưa biết cách tạo ra những giai điệu hay ho khi thằng bé chơi ứng tấu với tôi ? Tôi (và có thể cả Floris) sẽ đồ nghĩ rằng, thiếu khả năng sáng tạo làm sao học nghệ thuật? Hoặc nếu Floris chưa thể đọc được nốt nhạc chạy như đọc chữ, có chăng tôi và ba mẹ của thằng bé sẽ hồ nghi rằng, Floris không thể học Piano được đâu!
Và hệ quả là khi, chúng tôi cho rằng thằng bé không thực sự đủ khả năng để học nhạc. Năng khiếu cảm âm không có, và kỹ năng đọc nhạc không đủ, Floris mãi mãi là một người dốt nhạc.
Kết luận này, không phải là vì thằng bé đã lựa chọn, mà là do những gì tôi và ba mẹ Floris đã gán cho nó và định hướng nó theo lối suy nghĩ đó.
Thật may, kết cục câu chuyện đã chuyển biến lạc quan hơn những gì tôi tưởng tượng.
Nhờ khoảnh khắc sự thật hôm đó được bộc lộ, tôi đã biết rằng: Floris sẽ rất phù hợp nếu học chơi piano cổ điển, và tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc cho thằng bé khi nghĩ như thế. Điều đó có nghĩa là chúng tôi nên dừng lại việc chơi ứng tấu? Không hẳn. Ứng tấu không làm Floris cảm thấy trở nên ngốc nghếch khi không biết đặt những ngón tay vào đâu, nó giúp thằng bé có thể rèn luyện về tiết tấu, khả năng cảm nhịp và cả phát triển tai nghe nhạc. Con cá đâu nhất thiết phải chết nếu nó bị sóng đánh vào bờ, để sinh tồn, nó còn phải học cách lật cho mình rơi vào nơi có dòng nước chảy, đó là kỹ năng cần thiết phải có để nó có thể tiếp tục sống.
Với Floris, định hướng để giúp thằng bé tìm thấy chính mình và đặt ra những mục tiêu giúp nó hoàn thiện một Floris độc nhất hoàn hảo trong âm nhạc mới là điều quan trọng mà tôi cần theo đuổi.
Còn bánh bắp, nhiều kem hay ít kem, tôi vẫn ăn, vì khi đói thì mọi thứ đều giống nhau cả thôi.
Nhật ký của một cô giáo dạy Piano
22.10.2019
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.