Khoảng một năm trở lại đây, trong rất nhiều những câu hỏi tôi nhận được từ hộp thư toidaypiano, đa số các bạn phụ huynh đều quan tâm đến việc làm sao để con em mình có thói quen tập luyện Piano nhiều hơn và tốt hơn khi ở nhà. Nhận được những thắc mắc như vậy, tôi rất mừng. Không phải vì bọn trẻ ít tập đàn nên tôi mừng, nhưng mừng vì phụ huynh Việt Nam ngày nay đã phần nào nghiêm túc hơn với việc học đàn của con em mình.
Tuy nhiên, nhận thức vấn đề là một nhưng bắt tay vào thay đổi vấn đề là một trăm. Và không phải đứa trẻ nào cũng may mắn để có một người mẹ, người ba thấu hiểu để có thể cùng đồng hành trên chuyến hành trình âm nhạc. Trong bài viết này, dưới góc nhìn của một người học và chơi cùng bọn trẻ và cũng là một Pianist hơn 10 năm nay, tôi muốn chia sẻ bốn yếu tố đơn giản nhất và cũng bất ngờ nhất mà phụ huynh cần biết về trí não khi muốn bắt đầu tập luyện Piano cùng với con.
24 GIỜ ĐẦU TIÊN
Năm 1885, nghiên cứu của nhà triết học người Đức, Hermann Ebbinghaus cho thấy rằng, thật bất ngờ khi não bộ của chúng ta chỉ lưu giữ được 60 đến 70% nội dung bài học sau 24 giờ đầu tiên thu nhận một kiến thức mới. Càng về sau, sự ghi nhớ của bộ não sẽ giảm dần, tỉ lệ thuận theo thời gian kiến thức không được nhắc lại 7 ngày sau đó. Đây cũng là một trong những lý do vì sao khi bảo trẻ ngồi xuống tập đàn sau hai đã ngày đến lớp, phụ huynh thường than phiền rằng trẻ không nhớ những gì đã được học, và điều này thực sự gây khó khăn cho ba mẹ ít nhiều khi muốn hướng dẫn trẻ tự tập luyện. Vì thế 24 giờ đầu tiên là vô cùng quan trọng để não bộ của trẻ có thể lưu giữ lại tất cả mọi thứ, đó có thể là những nốt nhạc trên dòng kẻ, một âm hình tiết tấu mới, những kỹ thuật cho bài tiểu phẩm hoặc là bài lý thuyết quan trọng cho kỳ thi âm nhạc. Được nhắc lại càng sớm và càng nhiều bao nhiêu, phụ huynh sẽ giúp trẻ thực hiện quá trình tập luyện Piano tốt bấy nhiêu. Để nắm được các bài tập trong tuần, phụ huynh nên giữ liên hệ với giáo viên để theo dõi những nhiệm vụ mà trẻ cần thực hiện.
5 PHÚT VÀNG NGỌC
Đa số các ba mẹ hay mong muốn trẻ có thể tập luyện từ 30 đến 60 phút một ngày, hoặc đôi khi là hơn. Nhưng để bắt đầu quá trình này, 5 phút là khởi điểm trọng yếu nhất. Trí não con người khi muốn hình thành một thói quen mới sẽ được bắt đầu bằng từ những việc làm 5 phút mỗi ngày để xoá đi những thói quen cũ. Ban đầu, khi bắt đầu thực hiện quá trình tập luyện Piano, trẻ sẽ cảm thấy hơi có thử thách khó khăn. Vì thời điểm này, thói quen đó mới bắt đầu được hình thành trong não trẻ. Nhưng đây lại thời điểm tuyệt vời nhất để ba mẹ cùng đồng hành cùng trẻ. Vì thế, để hoạt động tập luyện Piano mỗi ngày được hình thành chắc chắn, ba mẹ cần động viên và giúp bé tạo ra thói quen ngồi lên đàn Piano để chơi một chút gì đó chỉ với 3 đến 5 phút mỗi ngày. Chỉ cần 3 đến 5 phút, như thế là đủ. Đến một thời gian, khi não bộ của trẻ đã “vẽ” ra được hoạt động tập luyện một cách rõ ràng và mọi thứ trở nên “tự động hoá”, lúc này 5 phút tập luyện đó sẽ dần được trẻ tự nâng lên 10 phút, 15 phút. Cho đến một ngày, bạn sẽ nhìn thấy, trẻ đã ngồi ở ghế đàn đã hơn 30 phút mà chúng vẫn chưa muốn ra khỏi đó để làm việc gì khác.
“HỌC” TỪ TRẺ
Dạy – là một hoạt động mà tôi tin rằng nó mang đến cho chúng ta những trách nhiệm và cảm giác vô cùng đặc biệt. Thực tế, phương pháp Học tập hông qua giảng dạy (Learnin by teaching) được phát triển vào những năm 1980 bởi một giáo viên tiếng Pháp, Jean-Pol Martin, đã rất thành công khi ứng dụng vào các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Với những trải nghiệm của một nhà sư phạm âm nhạc, tôi đã nhìn thấy những lợi ích to lớn một đứa trẻ nhận được khi chúng thực hiện hoạt động chia sẻ lại cho ba mẹ những gì chúng biết về âm nhạc, về Piano. Quá trình này diễn ra cho phép tâm trí trẻ có cơ hội được hệ thống lại những gì chúng đã biết, củng cố thêm sự chắc chắn cho những tri thức mới mà chúng đã học tại trường. Sâu xa hơn, về khía cạnh tâm lý, với trẻ, hoạt động “dạy” hoặc có thể gọi là chia sẻ lại những gì mình đã được học khuyến khích trẻ có tâm lý tự tin hơn. Cho trẻ có cơ hội được trình bày một cái gì đó mới, khiến chúng nhận thấy những gì chúng biết và được học về âm nhạc, thật sự rất đặc biệt với ba mẹ.
“CHƠI” CÙNG TRẺ
Trong 5 năm đầu tiên đi dạy, tôi vấp phải một nhược điểm rất lớn trong những tiết Piano của mình đó là giảng dạy quá mức. Trong 45 đến 60 phút, cả tôi và bọn trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng mệt mỏi với khối lượng kiến thức mà tôi muốn chúng phải tiếp thu. Những tình huống như vậy thường diễn ra theo chiều hướng ngày càng tồi tệ vì trong hơn 30 phút, não bộ của trẻ đã được thiết lập ở trạng thái tập trung thường xuyên (focus mode) để tập trung nghe tôi giảng dạy. Hậu quả đem đến đã vô tình ngăn chặn trẻ trong việc tiếp thu những kiến thức mới một cách tốt nhất. Sự tác động hiệu quả nhất chỉ xảy ra khi não bộ của trẻ được luân chuyển qua lại giữa hai chế độ: Tập trung (focus mode) và phân tán (defuse mode). Với lý do như thế, việc phụ huynh chơi những trò chơi âm nhạc cùng với trẻ trong một buổi tập luyện Piano là điều cần thiết và vô cùng quan trọng. Tìm kiếm, sưu tầm và bổ sung các trò chơi âm nhạc, về đọc nốt nhạc, chơi tiết tấu, ca hát, lý thuyết âm nhạc vv…vv… giúp phụ huynh có nhiều điều kiện hơn để giúp trẻ tập luyện Piano được hiệu quả hơn tại nhà.
Năm 2019 đang sắp trôi đi và tôi đang viết những dòng này vào những thời khắc đầu tiên của ngày 20.11.2019 – Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Gần hai năm qua, những cảm giác của tôi về ngày lễ trọng đại này đã không còn như xưa. Seoul thì càng lạnh lẽo hơn khi tiết trời đổ dần về những ngày đông giá buốt. Những gì tôi có thể làm để hướng về Việt Nam đặng hoà vào ngày vui chung của cộng đồng giáo dục đó là những bài viết chất lượng được chia sẻ, những trò chơi thú vị được thiết kế, những tấm thẻ được tôi nắn nót chỉnh sửa đến với tay mọi người…
Tin rằng, trên một góc độ nào đó của một người làm giáo dục, giúp đỡ và hỗ trợ phụ huynh để họ được vững vàng đồng hành cùng con trẻ bước đi trên chuyến hành trình âm nhạc không phải chỉ là của riêng tôi, mà là của tất cả chúng ta.
Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.
02:14 – 20.11.2019

Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.
cảm ơn cô giáo vì những chia sẻ rất hữu ích và tâm huyết. Mình cảm thấy may mắn vì tình cờ đọc được trang này khi lang thang tìm một phương pháp học phù hợp và một nơi chia sẻ tin cậy để có thể cho con gái 5 tuổi bắt đầu tham gia học piano. Rất mong được follow cô thường xuyên. Vì mình mới bắt đầu tìm hiểu nên vẫn còn mông lung lắm chưa biết bắt đầu từ đâu: tìm một người thầy giỏi, hay một trung tâm tốt hay con có yêu thích piano hay không?… Nếu có thời gian nhờ cô giáo chia sẻ thêm nhé. Cảm ơn cô và chúc cô sức khoẻ
chào anh Hải,
em đã gửi email cho anh ạ 🙂
Rất vui vì anh ghé qua blog toidaypiano và đọc được nội dung hữu ích.