Sau một thời gian giải quyết đủ mọi vấn đề về nốt và nhịp phách cho các bạn thì một hôm mình nhận ra điều gì đó trong việc dạy về số chỉ nhịp. Ngày đó xảy đến khi mình dạy một bạn 8 tuổi về sô chỉ nhịp 3/4 và bạn bảo “Sao cô càng nói con càng không hiểu ?”, từ đó mình nhận ra vấn đề nằm ở đây.
Và mình đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, cũng như xem xét các tài liệu. Dưới đây là những kinh nghiệm cá nhân của mình sau khoảng thời gian tìm hiểu, đúc kết và ứng dụng trong giảng dạy.
Trước tiên, cần nói cho các học sinh biết về tầm quan trọng của việc học số chỉ nhịp: Nó giúp chúng ta phân định được thể loại nhạc, chia câu nhạc , thể hiện được bản nhạc một cách rõ ràng và dễ dàng hơn trong việc truyền cảm xúc đến người nghe.
Mình nhận ra với độ tuổi càng nhỏ, khoảng 4 tuổi đến 8 tuổi, thì càng không nên giải thích định nghĩa số chỉ nhịp quá kỹ càng. Tụi nhỏ chỉ cần đơn giản và ngắn gọn! Và tốt nhất là cho các bạn ứng dụng, trải nghiệm trước luôn rồi mới nói sau về định nghĩa. Với độ tuổi này không nên đưa quá nhiều thứ dồn vào cùng 1 lúc , cơ bản nhất là với 2/4 và 3/4. Cụ thể là chỉ cần cho các bạn phân biệt giữ 2 và 3 chứ đừng nói về số 4 ( các bạn ấy không hiểu đếm bằng nốt đen là thế nào đâu), sau đó, áp dụng bằng những bài hát quen thuộc mà các bạn đã nghe rất nhiều như BINGO (2/4) Clementine ( 3/4) Bụi Phấn ( 3/4) Chú mèo con (2/4).
Về bước trải nghiệm, hãy cho các bạn vỗ tay đều theo các bài hát ở trên, nên chọn bài các bạn nhỏ biết trước và sau đó là hướng dẫn cho các bạn ấy nhận ra phách mạnh và vỗ vào những phách mạnh. Sau khi các bạn đã nắm được những nhịp này, ta sẽ nâng độ khó lên một chút với những bài lạ và mới hơn, gv nên chọn bài trong phần aural test của Grade 1 và 2 hoặc những bài trong Jonh thompson và Album for young of Tchaikovsky nhé, đừng như mình, có hôm mình thử bài Blue Danube và Valse Brilliant, con bé ngồi ngẩn ngơ luôn. Nhạc cổ điển chỉ nên chọn bài có giai điệu rõ ràng như những ví dụ trên thì tốt hơn (giai đoạn đầu mà, các bạn cần sự rõ ràng trước đã!)
Việc áp dụng bài tập thì đơn giản hơn nhiều vì các bạn học sinh bắt chước rất nhanh hoặc chúng ta có thể giúp các bạn liên tưởng càng tốt. Ví dụ mỗi ô nhịp là 1 cái nhà, với 2/4 thì chỉ cần suy ra làm sao cho mỗi nhà đủ 2 bạn (2 phách) là được. Với trẻ thông minh, các bạn ấy sẽ tự suy ra được cách làm với 3/4 (trẻ nhỏ thích Công Chúa, Bông Hoa hay Nhà và Cây cối, có thể ứng dụng những hình ảnh này càng nhiều càng tốt)
Còn với các bạn lớn hơn lớp 4 trở lên thì mình sẽ làm như sau,
Có một trường hợp khá lạ, bạn ấy hiểu rất rõ bản chất của nhịp 6/8, nhưng khi đưa bài 6/8 cho bạn thị tấu thì lại hoàn toàn lúng túng và không biết đếm như thế nào !?! Thực ra chỉ cần nói bạn nhân đôi các nốt lên là xong, nhiều khi gv quá tập trung vào phần giải thích mà quên đi phần áp dụng sẽ khiến các bạn lúng túng. Với mình thì mình làm ngược lại, tức là cho các bạn đánh 1 bài 6/8 luôn, rồi nói về định nghĩa sau và trong lúc học bài 6/8 khi các bạn đã đánh thuần thục thì gv nên gõ phách theo nhịp 2/4 ( tức là gõ theo nốt đen chấm), cách này giúp ích khá nhiều khi chúng ta giúp các bạn phân biệt sự khác nhau giữa 6/8 và 3/4. Đặc biệt với độ tuổi lớn chúng ta nên dạy 6/8 trước 4/4. Với mình là giáo viên, để phân biệt 2/4 và 4/4 còn nan giải chứ nói chi bọn trẻ, thường mình sẽ nói các bạn nghe theo câu nhạc, nhịp 4/4 thường câu sẽ dài hơn và cách áp dụng điệu cũng phong phú hơn. Về mặt lí thuyết là như vậy nhưng để hiểu và áp dụng được thì cần một thời gian để các bạn ngấm âm nhạc vào người nữa, và cái này thì tuỳ thuộc năng khiếu hoặc tần suất tiếp xúc âm nhạc của từng bạn.
Tóm tắt lại những điều trên, kinh nghiệm của mình khi dạy về Số Chỉ Nhịp gồm 4 điều:
– Không giải thích quá nhiều.
– Không nói về định nghĩa.
– Áp dụng bài cho các bạn thực hành càng sớm càng tốt.
– Tệ quá thì cho “ Học Vẹt “ tức là giáo viên cho bài áp dụng rồi vỗ tay cho hs nghe, sự bắt chước theo một cái gì đó rập khuôn cũng là một cách dạy hiệu quả.
Chúc các giáo viên sẽ có những cách dạy số chỉ nhịp thật hiệu quả.
———————————————————————————
Bài viết của thành viên dự án Teach For Growth – Phạm Diễm Kiều
Diễm Kiều đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn là giáo viên dạy Piano và song song đó là ABRSM cho trẻ em lứa tuổi tiểu học. Kiều còn là một Youtuber với các chia sẻ đầy hữu ích các thông tin về chứng chỉ ABRSM trên trang Youtube của mình, Khoai Lang Music.
Đọc thêm bài viết: BINGO SỐ CHỈ NHỊP của Nguyễn Ngân
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.