# 1 – Studio Gangnam


30.07.2020
Hôm nay là ngày đầu tiên mình đi học về phương pháp Dalcroze, một phương pháp theo mình, giúp người học có thể giải phóng sự cảm nhận âm nhạc thông qua những chuyển động của cơ thể.

Lần đầu tiên nghe về Eurhythmics của Dalcroze qua cuốn “A perfect wrong note” mình đã cảm thấy có gì đó rất đặc biệt ở phương pháp này. Như miêu tả của tác giả, là một nhà sư phạm giảng dạy Piano và cũng là một nghệ sỹ nổi tiếng, lớp học đầu tiên ông được ghi danh cho tham gia vào năm 3 tuổi không phải là một lớp Piano nào mà là một lớp học cảm thụ âm nhạc thông qua những chuyển động. Trong đó ông được chơi những trò chơi thú vị về nhịp điệu, tiết tấu và những trải nghiệm đầu đời đó thực sự cuốn hút hấp dẫn ông vào thế giới của những âm thanh.

Mình không hiểu hết hoàn toàn 100% những gì ông miêu tả qua đoạn văn đó, nhưng ông đã rất thành công khi biến toàn bộ ý tưởng đó khiến cho mình rất háo hức mong muốn tìm hiểu về Eurhthmics.

Vì sao?

Với mình câu hỏi vì sao và như thế nào là 2 câu hỏi quan trọng.

Vì sao mình lại hứng thú với Eurhythmics? Có phải vì một vài câu chữ trong cuốn “A perfect wrong note” có sức mạnh thực sự đến như vậy?

Khoảng cuối 2018, mình bắt đầu dạy khá nhiều học sinh người lớn. Đây là đối tượng dễ dạy nhưng rất khó thành công. Vì nhiều lý do đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng để liên quan đến nội dung nhật ký này nhất, mình sẽ nói đến lý do khiến học viên người lớn khó đạt được thành quả khi học Piano muộn đó là về việc họ không cảm nhận được phách nhịp một cách chính xác.

Điều này có vẻ lạ, nhưng nếu người nào bị mất nhịp dường như họ sẽ phải mất một nửa đời mình để sửa lại cho đúng.

Mình nhìn thấy những học viên bị mất đi cảm nhận về nhịp điệu. Và những điều này thể hiện ra bằng rất nhiều cách khác nhau. Họ cảm thấy khó khăn khi chơi cặp nốt móc đen, vất vả khi tập luyện tiết tấu đen chấm, sự nhấn nhá trong âm nhạc bị đặt nhầm chỗ, và sâu xa hơn họ không vượt qua được bài kiểm tra về đọc nốt cao độ, họ lạc lối khi phải học cách nhận biết nốt nhạc qua việc lắng nghe, họ không cảm nhận được bước chuyển của hoà âm…hay nói một cách văn vẻ hơn, dường như con người nghệ thuật bên trong họ đã chìm vào giấc ngủ đông từ hàng nghìn năm trước.

Tất cả những điều đó thôi thúc mình đi tìm cách giải quyết. Và Eurythmics của Dalcroze là một trong những giả thuyết mà mình đã đặt ra có thể giải quyết được vấn đề này.

Thực sự đó từng là giả thuyết cho đến khi mình bắt đầu sử dụng nó qua cách giảng dạy Piano kết hợp với chuyển động, teaching Piano including physical movement. Mình ghi nhận việc luyện tập tiết tấu khá thành công khi cho người học trải nghiệm tiết tấu bằng các phần của cơ thể. Đó có thể ban đầu là một thách thức nhưng càng về sau sự chiêm nghiệm âm thanh của họ lại càng được phát triển mạnh mẽ. Và vì nhìn thấy rằng phương pháp giảng dạy Piano của mình cần được bổ sung những triết lý của Dalcroze, mình đã quyết định phải đi học về Eurythmics.



Cô giáo gặp mình trước cửa của toà nhà Kyobo tại Gangnam vào lúc 11 giờ. Dáng vẻ thanh lịch nền nã của cô vẫn không mất đi đâu được sau lần đầu gặp tại một nhà ga mình đã quên tên. Từ trạm tàu điện Gangnam đến studio của cô khoảng 10 phút. Đó là lần đầu tiên mình ở tại đường phố Gangnam lâu đến thế.
Bắt đầu tiết học cô gợi ý mình bước những bước đi đều trên nền nhạc Piano. Cô chơi một vòng hợp âm với tiết tấu nốt đen giọng Rê Trưởng với các bè nằm chồng lên nhau rất chắc chắn. Mình để cơ thể lắng nghe âm nhạc và đặt toàn bộ sự chuyển động của cơ thể bên trong âm nhạc rồi di chuyển theo dòng chảy đó.

Tiếp Theo đó là di chuyển với nốt trắng, rồi là cặp nốt móc đơn và là nốt móc giựt. Cô hướng dẫn cho mình có thể tạo ra những động tác phù hợp với âm nhạc. Sự ứng tấu tấu trên đàn organ của cô quả thực là một dòng chảy vô hạn không biết ngơi nghỉ. Khỏi bàn cũng biết cô đã tập luyện rất nghiêm túc cho công việc này nhiều đến mức nào. Cô nói với mình:

“Trong buổi học em phải chú ý đến không khí của học sinh. Ngày hôm ấy họ vui vẻ, buồn bã, mệt mỏi hay đang nhiều năng lượng như thế nào để em có thể nắm lấy được cái thần đó mà điều chỉnh âm nhạc phù hợp với âm trạng của họ.”

Vì câu nói này mà sau buổi hôm ấy mình đã về nhà và bắt đầu tìm hiểu về sự tác động của âm nhạc đến tâm trạng của con người, nhưng đó thật sự là một chủ đề khá sâu và rộng và cần nhiều sự trải nghiệm cá nhân.

Mình và cô cũng thực hiện trò chơi mang tên Canon, một hoạt động khá phổ biến trong các buổi học Eurrhythmics. Trò chơi này có 2 cấp độ: Interrupted và Continous. Ở cấp độ Interrupted, cách thực hiện khá đơn giản như trò Copy Cat mình vẫn thường cho bọn trẻ chơi. Với 4 ô nhịp 4/4, người giáo viên sẽ thực hiện một hoạt động, một câu nhạc hoặc câu hát và người học sẽ lặp lại/bắt chước lại y hệt như vậy. Cấp độ Contunous lại thử thách hơn khi đòi hỏi người học sẽ phải liên tục lặp lại/bắt chước Theo giáo viên mà không hề có sự dừng lại của giáo viên. Hoá ra trước đây mình đã từng giảng dạy trên nền tảng giống với Dalcroze mà lại không hế hay biết.

Trò chơi thứ hai mình cũng lần đầu tiên được chơi đó là Quick Reaction. Mình thật sự muốn dịch những từ này ra tiếng việt để mang đầy đủ ý nghĩa cho người Việt dễ đọc và hiểu, nhưng dường như giữ nguyên bản thì lại có vẻ đúng với bản chất của nguồn gốc nó hơn. Quick Reaction là trò chơi âm nhạc mà theo mình là giúp rèn luyện sự chú ý và tập trung vô cùng mạnh mẽ cho người học. Mô tả về Quick Reaction đơn giản nhất có thể hiểu là trong 4 phách, người học phải nhanh chóng thể hiện được tiết tấu được đặt vào Theo số thứ tự phách mà giáo viên sẽ gọi ra mà vẫn giữ được các phách còn lại như bình thường. Dựa trên concept cốt lõi này, trò chơi có thể được biến tấu thành các phiên bản từ đơn giản đến cực kỳ thử thách tuỳ theo mục tiêu của bài học.


Sau khi trải qua hơn 30 phút chơi với cô, mình cảm thấy ranh giới giữa căng thẳng và tập trung mỏng manh hơn cả một sợi chỉ. Làm sao để cơ thể và tâm trí mình vẫn cảm nhận được âm nhạc nhưng các mắc xích di chuyển vẫn xếp hàng đều đặn với nhau tăm tắp? Sự cân bằng này sẽ là một câu hỏi đánh đố cho mình trong suốt hành trình học Eurhythmics, vì nếu mình không tìm ra được nguyên lý của nó, làm sao mình có thể dạy nó cho ai?

Nhưng những trò chơi âm nhạc này cũng chưa là gì khi đến thời điểm mình phải ngồi vào đàn và ứng tấu. Mặc dù thích ứng tấu đến như thế nhưng khi phải ứng tấu với những nguyên tắc được cho sẵn mình đã không khỏi vấp váp. Bắt đầu từ cách tạo ra “waking music”, chơi những giai điệu đều và đặn với phần tay trái đi các bước bass gần nhau hoặc xa nhau, hoặc là thế nào đấy mình cũng chả biết nguyên tắc nó là gì, chỉ biết dùng lỗ tai để điều chỉnh mọi thứ. Điều này không hề đơn giản nhưng thực sự thú vị. Và cả việc chơi các đoạn ứng tấu với tiết tấu nốt trắng, nốt đen…Để làm quen được với quy trình này, chắc chắn hành trình tập luyện Piano mỗi ngày của mình sẽ còn dài và xa…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!