20.08.2020
Mình thích sáng thứ năm, vì đó là buổi sáng mình sẽ được đến lớp học về phương pháp Dalcroze.
Tối thứ tư mình sẽ muốn đi ngủ sớm một chút, mặc dù chiều hôm ấy đã về nhà khá muộn vì phải đến trường để tập luyện Piano. Những buổi sáng thứ năm và chiều thứ tư dạy mình một điều rằng, sức khoẻ tinh thần và thể chất đều là hai thứ vô cùng quan trọng. Vì sao?
Vì chỉ khi đủ tỉnh táo, mạch tư duy của mình mới được thông suốt và nguồn năng lượng bên trong mới thật sự đầy đủ cho những buổi học âm nhạc.
“Bạn không chỉ chơi đàn với những ngón tay, bạn chơi với toàn bộ tâm trí và cơ thể của bạn.”
Dalcroze là một phương pháp giúp người học có thể trải-nghiệm, đây có lẽ là thuật ngữ chính xác nhất, trải-nghiệm âm thanh qua sự chuyển động của cơ thể. Về bản chất, khi cơ thể di chuyển theo âm nhạc, đó hoàn toàn là một sự quy trình rất bản năng của con người. Nhưng eurhythmics đòi hỏi người học phải vận dụng được quá trình lắng nghe có nhận thức vào bản năng sẵn có đó. Điều này là một thách thức vì con người thường không dùng tâm trí nhiều khi nghe nhạc.
Vì thế khi những đứa trẻ đến lớp học Piano, mình tin rằng chúng phải thật sự khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Và đặc biệt đối với những tiết học ứng dụng phương pháp Eurhythmics – Dalcroze, điều này hoàn toàn là chính xác.
….
Thứ năm tuần trước, mình và cô Kim có dịp nói với nhau về các điệu thức cổ (modes) trong âm nhạc. Mình luôn thích được làm việc với các modes, vì chúng thật sự thú vị. Giống như một bộ gia vị mà mình có trong bếp, 7 điệu thức cổ là 7 bộ gia vị mà bất cứ người chơi nhạc nào cũng muốn sử dụng để “xào nấu” để tạo ra âm nhạc. Và kết thúc buổi học tuần trước mình đã về nhà và bắt đầu tập luyện ứng tấu trên điệu thức D Dorian và E Phrygian.
Đây là hai điệu thức nằm trong 7 điệu thức cổ và hoàn toàn khác biệt với điệu thức trưởng thứ đã rất thông dụng ngày nay. Thính giác của mình đã phải thay đổi hoàn toàn cách cảm nhận của nó khi mình chơi D Dorian và E Phrygian.
Và đó là một sự phân chia mới trong tư duy khi đôi tai của mình tập cách nghe một điệu thức mới, đi ngược lại với những gì mình vẫn thường nghe mỗi ngày. Đôi khi phân chia không phải là sự tách bạch hai phần khác biệt, mà là cảm nhận sự chuyển động của các phần Theo một cách riêng nhưng lại có liên quan đến nhau.
Vậy là sáng hôm nay mình đến lớp và chơi cho cô Kim nghe. Để ứng tấu được tốt, theo mình nghĩ nó không chỉ đơn thuần là chơi một cách tự do những gì chúng ta muốn trên phím đàn, mà đó là thói quen có được thông qua tập luyện. Mà đã nhắc đến tập luyện, nghĩa là phải có rất nhiều kiên nhẫn và chăm chỉ.
Và như một hệ quả, cả tuần qua mình không hề tập luyện ứng tấu trên hai điệu thức này nhiều vì mãi lo chơi bài biểu diễn, thế nên sáng nay mình cảm-giác phần thể hiện ứng tấu của mình không thực s như mong muốn. Nhưng chắc chắn sau ngày biểu diễn mình phải quay trở lại để tập luyện những gì mình đang học với cô Kim.
….
Ngày hôm nay mình lại phát hiện ra sự cảm nhận nhịp của mình về 5/4 không như mình nghĩ. Và nó càng tệ hơn khi đầu óc mình căng thẳng và nó dẫn mình đến câu hỏi: Khi đứa trẻ căng thẳng liệu có ảnh hưởng đến sự thể hiện của chúng trong tiết học không? Vì rõ ràng, khi mình về nhà và bật nhạc thật to trong phòng, nhảy theo nhịp 5/4 thì mình lại hoàn toàn có thể làm chủ được cơ thể.
Và một bài tập về sự phân chia – disassociation đã được đưa ra sau khi cô Kim nhận thấy mình cảm nhận nhịp 5/4 không đủ tốt. Hoạt động này được miêu tả như sau: Cô Kim sẽ bắt đầu chơi một đoạn nhạc nhịp 5/4 (3+2) và mình di chuyển cơ thể theo đó. Nhưng sự di chuyển này được phân ra làm hai phần ngược nhau. Nếu chân bước vào phách mạnh, tay sẽ vỗ vào phách nhẹ. Bước đầu tiên này khá đơn giản và hoàn toàn có thể đạt được nhanh chóng sau một vài ô nhịp. Nhưng bước tiếp Theo đó là khi từ “change” được gọi ra, cơ thể mình sẽ phải làm ngược lại, nghĩa là tay vỗ phách mạnh và chân bước vào phách nhẹ. Sự luân chuyển tức thời này đòi hỏi cơ thể phải di chuyển nhiều hơn và nhanh nhạy hơn, một lần nữa, mình phải cảm nhận nhịp phách một cách khác song vẫn là ở trong sự liên quan của nhịp 5/4.
Ban đầu, cơ thể mình căng thẳng ở giữa những đoạn chuyển và vì thế mà mình cảm thấy khó khăn khi phải load các phần vận động qua lại với nhau như phải tung hứng lúc ngược lúc xuôi. Nhưng nói rõ ràng ra, mình chưa có dịp tiếp xúc nhiều với nhịp 5/4, vì thế sự cảm nhận với nó dường như chỉ ở mức dưới trung bình.
Vậy là cô Kim cho mình thử một cái gì đó dễ hơn, nhịp 4/4. Mình vẫn gặp rắc rối với những đoạn chuyển đó. Nhưng kỳ lạ là, nó càng khó bao nhiêu, mình lại càng muốn chinh phục bấy nhiêu. Nhưng khi đủ tỉnh táo, mình nhận ra trong toàn bộ chuỗi quá trình này, có một thứ gì đó đã bị bỏ quên.
Đó chính là bước khởi động – warm up. Ở hoạt động đầu tiên, cơ thể mình đã chưa có đủ một “bước đệm” để nó bắt đầu vào chuỗi quá trình vận động theo nhịp. Sau một giấc ngủ dài trên giường với một tập phim Nextflix, các cơ bắp của mình đã cứng lại và nó vẫn chưa thật sự sẵn sàng “bay bổng” theo âm nhạc. Để toàn bộ các khối cơ được mềm ra và tâm trí “mềm” ra, mình cần một chút gì đó…như là khởi động.
…
Eurhythmics càng ngày càng trở nên hấp dẫn và in đậm sâu sắc trong tâm trí mình. Mình nhớ cách đây 2 ngày, khi làm việc với một bạn nhỏ 5 tuổi về cách tạo ra âm thanh liền và ngắt, mình đã tìm cách để con bé có thể chuyển động theo âm thanh mà con bé tạo ra. Với những âm thanh liền (như legato), tay trái của bạn ấy sẽ vẽ một đường liền nhau như chữ m lượn sóng trong không gian, ngược lại, với những âm thanh ngắt, tay trái sẽ tạo ra những chấm giựt tròn nhỏ. Sau một lúc như thế, mình bắt đầu nhận thấy con bé có thể phân biệt được âm thanh liền và ngắt hình thù như thế nào và mình đã để khuyến khích bạn ấy vẽ ra theo cách bạn ấy nghĩ. Và điều này thật sự vô cùng tuyệt vời, vì đó là lần đầu tiên mình nhìn thấy con bé có thể chơi những âm thanh liền lạc với nhau đến tuyệt đẹp như thế.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.