04.09.2020
Mình tự nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không trở thành một giáo viên dạy nhạc?
Có thể một diễn viên trẻ chuyên trị những vai hành động tên là Kim Ngân sẽ trở nên quen thuộc với các khán giả Việt Nam, hoặc một vũ công với nghệ danh NaNa sẽ nhẵn mặt trên các sân khấu với những bước nhảy cuồng nhiệt say mê. Đó từng là những ước mơ của mình, được diễn và được sống dưới ánh đèn lung linh của nghệ thuật.
Nhưng khi trở thành một giáo viên dạy nhạc, cụ thể hơn là một giáo viên Piano không đồng nghĩa với việc mình phải từ bỏ những ước mơ dang dở, ở một cách khác, Eurhythmics đã thật sự làm sống lại mơ ước tuổi thơ ngày nào của mình.
Gặp lại cô Kim vào một buổi sáng Seoul trời đầy gió, lòng mình thật nôn nao. Gió dào dạt hất tung toé mái tóc ngắn của mình khi đứng ở trạm đợi xe bus. Thành phố xinh đẹp này ít khi nào lắm gió thế như sáng hôm nay.
Hai tuần qua ở nhà tập luyện Lydian và Mixolydian trên Piano quả thật là những giờ phút trải nghiệm rất kỳ lạ. May mắn thay, cô Kim không kêu mình trả bài về các mode như mọi khi mà bắt đầu luôn vào nội dung bài học mới.
Bài học mới là về ứng tấu trên đàn Piano tạo ra âm nhạc thể hiện chuyển động như chạy nhanh và nhảy chân sáo. Việc lắng nghe và di chuyển cơ thể theo những gì nghe được không quá gian nan. Đến việc thứ hai là phải ngồi trên đàn để ứng tấu ra những đoạn nhạc này. Với âm thanh mô phỏng động tác chạy, tiết tấu được sử dụng là cặp nốt móc đơn cho giai điệu tay phải và tay trái là những pattern đệm lặp đi lặp lại cũng với tiết tấu móc đơn. Còn để tạo ra âm thanh thể hiện những bước nhảy chân sáo, nhóm tiết tấu liên ba đơn được sử dụng hầu hết trong các câu nhạc. Ứng tấu quả thật là một mảnh đất màu mỡ để trí tưởng tượng được bay bổng và biến thành sự thật.
Mình thích thú tạo ra những đoạn nhạc đó. Chạy thật nhanh trên đồng cỏ xanh mùa hạ hay nhảy chân sáo trong khu rừng mùa thu, những hình ảnh đến và chìm ngập trong tâm trí mình rõ ràng như ai đó đã gắn một máy chiếu phim vào sâu bên trong các nơ-ron thần kinh não của mình.
Tiếp theo là cô Kim chuyển động và mình sẽ ứng tấu dựa vào những gì nhìn thấy và cảm thấy ở cô. Một câu chuyện khác của ứng tấu được viết tiếp. Bài học lớn nhất ở đây đó chính là, đôi khi giáo viên không hẳn làm người lead chính toàn bộ buổi học, nhưng cần thiết hơn cả là, giáo viên có thể đặt học sinh làm trung tâm và nương theo đó để phát triển theo một cách cá nhân nhất, phù hợp nhất với học sinh. Đó cũng là một kiểu “ứng tấu” trong giáo dục.
Mọi thứ có vẻ đều bình thường trôi chảy cho đến lúc mình mắc kẹt khi không thể cảm được nhịp của cô Yim đang chuyển động là 5/4 (3+2) và không thể chơi bất cứ gì tương tự như cách cô đang nhảy. Trong hơn 20 năm học nhạc, mình đã có mấy khi gặp phải 5/4? Nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Học sinh cũng thế, có những dạng rất đặc biệt, mình chưa từng làm việc cùng bao giờ. Cách chúng “vận động”, cách chúng “nhận thức”, cách chúng “biểu hiện”, tất cả đều mới và lạ.
Nhưng mình có muốn đến với chúng không? Nếu có thì phải cố gắng để học cách cảm được chúng.
Ngồi tại đàn Piano, không thể đứng lên để vận động theo nhịp 3+2, mình đã học cách cảm như thế nào? Mình cố gắng hình dung flow nhịp thành hình ảnh theo dạng 3d và chuyển động cơ thể theo flow đó.
Tình huống này lặp lại khi mình và cô Yim chuyển qua hoạt động có tên là Cross Rhythm. Một dạng bài tập di chuyển cơ thể theo tiết tấu 2 trên 3 và 3 trên 2. Kiểu thức vận động này đòi hỏi hai tay và hai chân của người học phải vận hành khác nhau, nhưng lại đồng thời hỗ trợ và tương quan với nhau như một tổng thể. Mình không muốn gọi đây là tách não hay chia não như nhiều người có thể đang nghĩ, vì phần lớn sự kết hợp này sẽ phụ thuộc vào độ sâu của cái “cảm” nơi người học.
Chuyện rất đơn giản khi chân mình di chuyển theo 3 và tay vỗ theo 2, nhưng ngược lại thì hoàn toàn trở thành một thử thách. Càng cố nghĩ và cố làm theo cách thông thường, tay chân mình lại càng lúng túng khó hiểu. Vậy là tâm trí bắt đầu vẽ ra nhịp theo những đường 3d. Và đây là những gì mình đã nhìn thấy nhắm mắt lại.
Khi có thể cảm nhận âm thanh theo những hình ảnh như trên, cơ thể mình rất dễ chịu để di chuyển theo. Điều này vô trình trùng hợp với việc mình tìm hiểu về phương pháp dạy nhạc theo nhiều giác quan, multisensory, hai ngày trước. Và lại càng trùng hợp với cách mình giảng dạy cho một chị học viên về cách chơi cặp tiết tấu móc đơn với khoảng rơi giữa 2 phím là tương đương nhau.
Thật đặc biệt khi Eurhythmics mở ra một cánh cửa mới cho mình trong cách giảng dạy âm nhạc. Và vùng đất mới mẻ này thật sự vô cùng thú vị khi mình có thể vừa trở thành một diễn viên khi có thể tưởng tượng, một vũ công khi có thể nhảy múa và một giáo viên khi có thể tạo cảm hứng. Không gì sung sướng hơn khi có thể sống với đầy niềm vui và ý nghĩa như thế trong âm nhạc.
Ngân là một giáo viên dạy đàn Piano và Âm nhạc cho trẻ em. Hiện cô đang dạy Piano tại Seoul, South Korea và song song đó là nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho lứa tuổi tiểu học. Cô là người sáng lập trang Tôi Dạy Piano.