Nhật Ký #24: Cùng Mẹ Chơi Đàn

Hôm qua mẹ gọi cho tôi, khuôn mặt bà vẫn như vậy dưới anh đèn vàng của căn bếp. Bao nhiêu năm rồi, tôi nhớ như in nét mặt ấy khi bà ngồi đọc một cuốn sách trong lúc đợi tôi tan học. Công viên Tao Đàn cũng vừa giác lên những ánh đèn vàng chiều, bầu trời im lìm xanh thẫm, mẹ chăm chú vào trang sách, không nhìn thấy tôi đang đi tới. Chắc bởi vì thế mà, tôi có thể lưu giữ được khung cảnh đó trong tâm trí mình mãi cho đến ngày hôm nay.

Mẹ đã cùng đi với tôi những năm tháng đầu tiên đó.


Tháng 6 năm 2020, khi bắt đầu nghĩ đến việc dạy Piano trực tuyến cho các bạn nhỏ ở Việt Nam, tôi đã có phần hơi e dè. Bao nhiêu khó khăn và thử thách mà những người khác đã cảnh báo, mình có thể giải quyết được hay không, tôi tự hỏi? Rồi bỗng nhiên tôi nghĩ đến mẹ. Tôi thầm nghĩ, bọn trẻ có lẽ cũng cần những người mẹ cùng đi với chúng trong những năm tháng đầu tiên. Vì thế, lớp Piano dành cho Mẹ và Bé đã ra đời.

Những kế hoạch và dự thảo được viết lên bảng rất chi tiết sau nhiều lần đo đi tính lại, nhưng chẳng có kế hoạch nào là hoàn hảo bằng những giờ học thực và những trải nghiệm thật. Và càng đi về sau, tôi lại càng nghiệm ra nhiều hơn từ chính những tiết học trực tuyến cùng với bọn trẻ và những người mẹ.

Tôi đã ở đó, bên kia màn hình và nhìn những người mẹ kiên nhẫn ngồi bên con và cùng chơi với con. Chúng tôi chơi rất nhiều và cười rất nhiều. Tất cả những kỳ vọng và giáo án đều chỉ là vật tham khảo, tất cả những gì chúng tôi làm là nương theo sự phát triển của đứa trẻ.

Thỏ là một trong những đứa trẻ đó. Con bé láu táu và nhanh nhảu như một chú thỏ nhỏ đáng yêu luôn xoắn xít bên mẹ. Tôi nhìn Thỏ và biết rằng con bé rất yêu mẹ. Thỏ cười rất tươi mỗi khi chúng tôi chơi những trò vui hoặc những hoạt động cho con bé và mẹ có cơ hội được cùng thực hiện. Chúng tôi bày ra nhiều trò ứng tấu và song tấu, rồi thì vỗ tay cùng nhau, hát cùng nhau, đàn cùng nhau. Biết Thỏ yêu thích vẽ vời, những hoạt động được ứng dụng từ phương pháp giảng dạy đa giác quan (bao gồm hình ảnh, âm thanh, hoạt động và đọc viết) đã được đưa vào các buổi học của con bé. Giống như khi chúng tôi lắng nghe các âm thanh của legato và staccato rồi vẽ lại những hình ảnh này trên bảng trắng, hoặc là lúc con bé di chuyển theo các bước đi (quãng 2) hay các bước nhảy (quãng 3) khi học về cảm âm cao độ. Hay như khi chúng tôi có những trò chơi vận động theo các âm hình trường độ được dựa trên phương pháp Dalcroze, được “hô biến” thành trò Chi Chi Chành Chành rất đậm chất âm nhạc, vv…vv…Thỏ nhận lấy tất cả những điều đó, cùng với cả sự kiên nhẫn và tình yêu thương của mẹ. Tôi tin rằng, con bé sẽ được lớn lên bằng niềm hạnh phúc mỗi khi ngồi xuống ghế đàn và chơi nhạc.



Bông thì lại khác. Từ phía bên này màn hình, trong tầm mắt tôi, Bông là một cô bé vô cùng mạnh mẽ và độc lập. Con bé không hay bày tỏ quá nhiều thứ. Ngược lại, đôi khi nó lại hơi e thẹn và chỉ cười, cười rất nhiều. Cũng giống như những đứa trẻ khác, Bông thích ngồi cùng mẹ, nhưng khi không có mẹ, tôi nhìn thấy Bông vẫn có thể tự giác chơi đàn. Con bé thực sự có đầy hứng thú với Piano. Tôi biết Bông đến với mình là những trải nghiệm đầu tiên, vì thế, tôi đã đi thật chậm. Chúng tôi đã ở bên nhau những buổi tối thứ sáu như thế, ca và hát, chơi đùa, bắn tơ nhện, tạo ra âm thanh của con chim, con cọp để giúp Bông nhận biết được âm hình nốt đen nốt trắng. Chơi thật nhiều những trò chơi tiết tấu. Tôi tin rằng ở thời điểm đầu tiên, phải chú trọng vào việc xây dựng cho bọn trẻ khả năng giữ nhịp tốt, chơi đúng tiết tấu, nhận biết được những âm hình trường độ, vì đó là cái bản năng đầu tiên tốt nhất mà đứa trẻ cần có để đi những bước thật dài trên hành trình âm nhạc. Thứ sáu vừa rồi, Bông và tôi bắt đầu nhìn những nốt nhạc đầu tiên của bài Bước Chân Vui và học cách để hát tên chúng. Bông đã làm vô cùng tốt khi nhanh chóng kết hợp được bước đọc cao độ và tiết tấu chung với nhau và chơi chúng trên đàn. Ai có thể tưởng tượng được trong suốt quãng thời gian qua, không có mẹ kiên nhẫn ở bên hỗ trợ liệu có thể nhìn thấy những thành quả của Bông như ngày hôm nay?

Trong những đứa con trai, tôi nhìn thấy Tít rất trưởng thành. Thằng bé tự chủ, nghiêm túc, vâng lời mẹ và rất bình tĩnh khi xử lý tình huống. Cũng giống như Thỏ hay Bông, Tít chỉ nhìn thấy tôi và anh Gấu qua chiếc màn hình phẳng, nhưng nó lại rất nghiêm chỉnh mỗi khi chúng tôi bắt đầu tiết học. Tít luôn thích chơi đàn. Mỗi khi nhìn Tít, tôi lại thấy những ngón tay nó động đậy gì đó trên những phím đàn. Những đứa trẻ luôn thật đặc biệt và nhiều năng lượng như thế, tôi nghĩ vậy. Chúng đều giống và đều khác nhau bằng những cách nào đó rất riêng. Có thể nói mỗi giờ học với từng bạn, tôi lại phải ứng tạo ra những hoạt động khác nhau dựa trên sự phát triển đặc thù của chúng. Với Tít, chúng tôi đi qua rất nhiều những bản nhạc khác nhau trong giáo trình. Thằng bé luôn hồ hởi để được chơi những bài mới. Nào là Bé Chơi Piano, Gà Con và Mèo Con, Hai phím đen, Cùng Mẹ Chơi Đàn, Voi Con Chơi Đàn…Tít có thể rất nhanh chóng học và thuộc những bài hát con con này và chơi trên đàn. Và không gì khác, tôi lại nhìn thấy mẹ Tít ngồi kiên nhẫn bên con, chơi cùng bạn, hát cho bạn, mối liên kết giữa họ như hai người bạn cùng đồng hành với nhau. Tôi mong Tít có thể tiếp tục giữ vững tinh thần như thế và đi xa hơn nữa trong những chuyến hành trình tiếp theo của Tít và mẹ.

Gia Bảo gặp tôi hơi muộn khi mùa hè đã gần vãn. Bảo hay cười, thích đùa giỡn và mang kiểu rất đặc trưng của những cậu bé trai. Tôi thường ít khi nào phải nói nhiều trong những giờ học với Bảo vì mẹ của thằng bé luôn nhiệt tình ngồi kế bên chỉ dẫn. Bảo yêu mẹ, cũng như bao đứa trẻ khác yêu mẹ. Cậu trẻ con nhưng cũng độc lập và cầu toàn. Biết bảo thích Vua Sư Tử, tôi tìm cách tiếp cận thằng bé bằng cách tạo ra âm thanh của những con vật trong bộ phim hoạt hình đó. Ví dụ như, với Sư Tử Simba, Bảo sẽ tạo ra một âm thanh tiếng gầm kéo dài (như một hình nốt tròn) hay với chú heo Pumbaa, Bảo sẽ tạo ra âm thanh như tiếng heo kêu (như tổ hợp bốn nốt đen). Những bài học được thiết kế vô cùng chân thực và sâu sắc như thế, giúp Bảo nhanh chóng nắm bắt được ý nghĩa của việc tạo ra âm thanh và liên kết âm thanh với âm nhạc. Có thể nói, làm việc với Bảo giúp tôi hiểu ra ý nghĩa của việc vận dụng sự sáng tạo trong giảng dạy âm nhạc và phát triển các phương pháp giảng dạy từ sự hứng thú của đứa trẻ. Vì tôi tin chắc, nếu không hứng thú, Bảo sẽ khó lòng mà ngồi lâu hơn 15 phút để học đàn hay chơi đàn.

Tôi thích Hà Chi. Đó là một cô bé đáng yêu và rất ham thích học đàn. Hà Chi rất nhanh chóng nắm bắt tất cả những gì chúng tôi cùng làm với nhau. Con bé đã lớn và có thể tự chủ trong việc học. Trong các buổi học online cùng với mẹ Hà Chi, rất dễ dàng để nhận ra năng khiếu âm nhạc bên trong con bé được thể hiện rất nổi trội. Hà Chi hát đúng cao độ, đọc tiết tấu vững vàng, nhịp điệu đều đặn. Chắc chắn Hà Chi sẽ còn đi xa hơn và nhanh hơn nếu như được đầu tư thật kỹ lưỡng.

Còn những cô bé cậu bé khác như Dâu Ong hay Suri, chúng đều có những nụ cười rất rạng rỡ mỗi khi chúng tôi cùng học cùng chơi với nhau. Trong mắt tôi, bọn trẻ là những ngôi sao đáng yêu và lấp lánh. Chúng đáng được lớn lên trong tình thương yêu, trân trọng và hạnh phúc trong âm nhạc.

Kết:

Đã gần bốn tháng bắt đầu từ ngày chúng tôi bắt tay vào thực hiện dự án các lớp Piano cho Mẹ và Bé này. Có thể những tuần lễ này nếu đếm thành các con số thì thật là ngắn. Nhưng chúng tôi đã cùng nhau xây dựng những viên gạch đầu tiên đó. Anh Gấu, tôi và bọn trẻ và những người mẹ. Chúng tôi làm, chúng tôi vấp ngã và chúng tôi sửa. Những bài học kinh nghiệm quý báu hay những cuộc trò chuyện thật dài khiến chúng tôi nghiệm ra thật nhiều những điều thú vị. Có những chiều thứ bảy, khi đã kết thúc lớp cuối cùng, giọng tôi đã lạc đi và âm thanh phát ra nghe khàn đục. Ngước lên bầu trời đang sập tối, nhìn thấy những vì sao, tôi tin mình sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã sống trọn vẹn từng phút giây bên bọn trẻ…và những người mẹ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!